“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số nội dung chưa thống nhất với các quy định khác của luật liên quan, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề bất cập trong thực tế. Do vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật đất đai….”, Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) phát biểu tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra hôm nay (ngày 14/11) khi thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Xây dựng bảng giá đất phải đảm bảo minh bạch, tránh tiêu cực
Theo Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình), tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất

Liên quan đến nội dung “nóng” là quy định về bảng giá đất, theo bà Ngọc, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Xây dựng bảng giá đất phải đảm bảo minh bạch, tránh tiêu cực
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nhìn nhận, nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này

Ở một góc nhìn khác, góp ý về vấn đề bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho rằng, đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù, giải tỏa.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đất đai là vấn đề mà nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết tỷ phủ giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất.

“Để thực hiện dự án lớn nhỏ, đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả…”, ông Trí đề xuất.

Cũng theo ông Trí, cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Điều 86 đề cập đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị Luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý. Tốt nhất đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù, giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Liên quan đến việc chia đất, phân lô, bán nền, ông Trí nhìn nhận có thể nói đây là cách làm lạc hậu, gây tốn kém quỹ đất, dễ tiêu cực, đặc biệt là xây dựng lô nhô, lắt nhắt, phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch. Cùng với sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, cần chấm dứt kỷ nguyên nhà ống bất hợp lý, mất mỹ quan và rất tiêu cực. Đồng thời cần lưu ý phối hợp với Luật Quy hoạch để có thêm đất không gian ngầm cho các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

“Để nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này làm sao để đưa vùng đất đang bị bỏ rơi, bị hoang hóa, không quy hoạch, không được sử dụng phải được đưa vào sử dụng hiệu quả và hữu ích...”, ông Trí đề xuất./.