Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 940/QĐ-BCT, ngày 18/3/2021 Phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm thực hiện mục tiêu cải cách, hiện đại hóa hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng gia tăng
Theo Bộ Công Thương, thực tiễn của công tác bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Riêng tại Bộ Công Thương, số lượng vụ việc khiếu nại tới Bộ tăng từ 26 vụ năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2018.
Còn tại các sở công thương, số lượng vụ việc khiếu nại được tiếp nhận gia tăng rõ nét, theo đó, từ số lượng khiếu nại trung bình 100 vụ việc mỗi năm trong 2011-2012 đã tăng lên hơn 500 vụ việc trong giai đoạn 2015-2018.
Bên cạnh đó, tại các Hội bảo vệ người tiêu dùng, số vụ khiếu nại đến các Hội tăng nhanh, năm 2015, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011, năm 2012. Đặc biệt, trong năm 2015, có những vụ việc với quy mô lớn như vụ việc 190 người tiêu dùng bị ngộ độc tại Bến Tre.
Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được coi trọng
Theo nhận định của Bộ Công Thương, số vụ việc khiếu nại có xu hướng gia tăng, trong khi diễn biến hoạt động vi phạm quyền của người tiêu dùng ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng phổ biến ở nhiều cấp độ; nhận thức của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động về bảo vệ người tiêu dùng
Vì vậy, theo Bộ Công Thương, thực tiễn công tác bảo vệ người tiêu dùng cho thấy cần thiết phải xây dựng một hệ thống Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay; tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng về môi trường kinh doanh và môi trường tiêu dùng.
Với thực tiễn nói trên, mục tiêu của Đề án đặt ra là: Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động về bảo vệ người tiêu dùng; hệ thống kết nối giữa các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng cơ chế tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại người tiêu dùng trực tuyến; xây dựng hệ thống cảnh báo về những hành vi vi phạm đối với người tiêu dùng, rủi ro mất an toàn, các sản phẩm bị thu hồi; xây dựng cơ sở dữ liệu hỏi – đáp pháp luật bảo vệ người tiêu dùng…
Về nội dung, Đề án sẽ tiến hành thực hiện nghiên cứu và xây dựng báo cáo dữ liệu về bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng, như: tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu, khiếu nại theo phương thức trực tuyến, số hóa, điện tử hóa các thông tin, tài liệu liên quan đến các khiếu nại; xây dựng cơ sở dữ liệu về cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng; cơ sở dữ liệu về các câu hỏi, trả lời liên quan pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Ngoài ra, Đề án yêu cầu Hệ thống đảm bảo khả năng kết nối, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo nhiều lượt truy cập; đảm bảo thuận tiện và dễ dàng cho người sử dụng cuối; hệ thống cần được vận hành bởi đơn vị chuyên trách, đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả các tính năng; ưu tiên sử dụng hệ thống có chi phí xây dựng và vận hành thấp nhưng đảm bảo tốt các yêu cầu về kỹ thuật, ưu tiên sử dụng các thiết bị và phần mềm đang sử dụng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng…
Cùng với việc xây dựng hệ thống, Đề án sẽ kết hợp thực hiện các hoạt động như: hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, giám sát và bảo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tuyên truyền phổ biên pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Đề án, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là đơn vị giúp Bộ Công Thương xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống trên phạm vi cả nước; định hướng phát triển, thực hiện mở rộng và đảm bảo hoạt động của hệ thống; trình Bộ Công Thương ban hành các văn bản hướng dẫn, đảm bảo hoạt động của hệ thống.
Các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương như: Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện các hoạt động hỗ trợ theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công Thương xác định danh sách thiết bị cần trang bị và thực hiện tiếp nhận, quản lý các thiết bị được giao; phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống tại địa phương; các Tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phối hợp với Bộ Công Thương vận hành, đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống, thực hiện công tác tổng hợp và báo cáo dữ liệu hàng năm theo yêu cầu./.
Bình luận