Xây dựng KKT Đông Nam và các KCN trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An
Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An về những dấu ấn mà Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đã đạt được trong chặng đường vừa qua và định hướng hoạt động sắp tới.
Tạo “thế” và “lực” trong xây dựng, phát triển KKT, KCN
Ảnh: Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam Lê Tiến Trị trao Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư |
PV: Thưa ông, thời gian qua KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã tạo “lực kéo” quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nhà nói riêng và kinh tế-xã hội Nghệ An nói chung. Xin ông chia sẻ đôi nét về thành tựu xây dựng và phát triển KKT và các KCN tỉnh Nghệ An?
Ông Lê Tiến Trị: KKT Đông Nam Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã và đang khẳng định rõ vai trò động lực về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Nghệ An.
KKT Đông Nam có diện tích 20.776,47 ha, nằm trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên; thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh. Ngoài KKT Đông Nam, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có 06 KCN với tổng diện tích là 1.660 ha, bao gồm các KCN: Bắc Vinh (60ha), Nghĩa Đàn (200ha), Tri Lễ (200ha), Sông Dinh (300ha), Tân Kỳ (600ha) và Phủ Quỳ (300ha), thuộc địa bàn các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn; thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh.
Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An (Ban Quản lý) là cơ quan quản lý nhà nước, được UBND Tỉnh giao quản lý và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh. Với trách nhiệm được giao, Ban Quản lý đã luôn cố gắng nỗ lực, mang hết tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đồng sức đồng lòng trong thực thi nhiệm vụ, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Nghệ An ngày một khởi sắc hơn.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh là phát triển KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn Tỉnh gắn với các vùng kinh tế trọng điểm của Tỉnh, Ban Quản lý đã quan tâm phát triển KCN, KKT gắn với liên kết vùng, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo sức mạnh tổng hợp và các lợi thế cuả địa phương, mở ra những không gian phát triển mới không những cho tỉnh Nghệ An mà cả các địa phương lân cận.
Về công tác quy hoạch phát triển KCN, đến nay Ban đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch trong KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn Tỉnh, với 10/11 KCN đã được lập quy hoạch trên tổng diện tích quy hoạch là 4.726,46 ha (riêng KCN Phủ Quỳ chưa lập quy hoạch). Đến nay, trên địa bàn KCN, KKT có 10 KCN đang hoạt động với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang được đầu tư đồng bộ.
Tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng được tăng cường đẩy mạnh. Đến nay KCN Bắc Vinh đã hoàn thành đầu tư hạ tầng và cho thuê hết diện tích đất công nghiệp; ngoài KCN Nam Cấm cũ, KCN Đông Hồi do nhà nước đầu tư, KCN Bắc Vinh đã hoàn thành đầu tư hạ tầng và cho thuê hết diện tích đất công nghiệp; các nhà đầu tư VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đang triển khai đầu tư hạ tầng KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai 1 với diện tích khoảng 1.130,37ha; các KCN còn lại chưa có nhà đầu tư hạ tầng/hoặc nhà đầu tư đang đề xuất đầu tư, thỏa thuận đầu tư.
Đến nay tỷ lệ lấp đầy của các KCN trong và ngoài KKT Đông Nam đạt được như sau: (1) Trong KKT Đông Nam: KCN VSIP Nghệ An đạt 40,92%; KCN WHA – Zone 1 Nghệ An đạt 14,83 %; KCN Hoàng Mai 1 đạt 7,2 %; KCN Hoàng Mai 2 đạt 5,14 %; KCN Đông Hồi đạt 83,21%; KCN Thọ Lộc đạt 1,51%; KCN Nam Cấm cũ (khu A, B và C) đạt 97,95%. (2) Ngoài KKT Đông Nam: KCN Bắc Vinh đạt 100%; KCN Nghĩa Đàn đạt 30%; KCN Tri Lễ đạt 44%.
Với nỗ lực thu hút đầu tư, trong 2 năm gần đây (năm 2019 và 2020), các KCN VSIP, WHA đã thu hút thành công một số nhà đầu tư FDI có tổng vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ, như: Everwin (200 triệu USD), Luxshare ICT (140 triệu USD); Goertek Vina (100 triệu USD), Mery&Luxshare (40 triệu USD).
Tính đến tháng 6/2021, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An có 253 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 69.943,1 tỷ đồng (tương đương 3,02 tỷ USD). Trong đó, có 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 1,09 tỷ USD; 205 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký đạt 44.755,5 tỷ đồng (tương đương 1,93 tỷ USD).
PV: Xin ông chia sẻ cụ thể về kết quả 6 tháng đầu năm 2021?
Ông Lê Tiến Trị: Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ A bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, song với quyết tâm cao của Ban Quản lý và các chủ đầu tư hạ tầng, tình hình thu hút đầu tư trong KKT và các KCN trên địa bàn vẫn tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.
Kết quả, các KCN, KKT đã thu hút được 09 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 6.047 tỷ đồng, trong đó có 01 Dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 200 triệu USD; 01 dự án kinh doanh hạ tầng KCN Hoàng Mai I với tổng vốn đăng ký đạt 750 tỷ đồng.
Đồng thời điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án KCN WHA Industrial Zone Nghệ An; điều chỉnh 16 lượt dự án, trong đó có 03 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 302,83 tỷ đồng. Hiện Ban đang tập trung hỗ trợ để cấp phép đầu tư cho dự án Ju Teng (200 triệu USD) đề xuất đầu tư vào KCN Hoàng Mai 1.
Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT, song với sự chỉ đạo tích cực của Ban Quản lý cùng với tinh thần cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT vẫn tương đối ổn định. Hiện nay trong KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An đã có 130 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 28.200 lao động với thu nhập bình quân người lao động đạt trên 6.200.000 đồng/tháng.
Nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước
Toàn cảnh KCN VSIP tỉnh Nghệ An |
PV: Xin ông cho biết trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Ban Quản lý có những giải pháp trọng tâm nào để đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT?
Ông Lê Tiến Trị: Là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn, Ban Quản lý có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về: đầu tư, quy hoạch và xây dựng, đất đai, môi trường, doanh nghiệp và lao động và các nội dung liên quan trong công tác xây dựng và phát triển KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An.
Trong việc triển khai thực hiện đồng bộ công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được phân công, Ban xác định trước hết phải tạo được sức hút về môi trường đầu tư trong KCN, KKT.
Để làm tốt công tác thu hút đầu tư, Ban Quản lý đã chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ và qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các KCN, KKT trên địa bàn; đồng thời làm tốt công tác quảng bá, tuyên truyền để xây dựng hình ảnh và môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở và hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ngoài cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư của Chính phủ, Ban Quản lý đã tham mưu cho tỉnh Nghệ An có cơ chế ổn định giá đất ở mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ (hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất).
Đồng thời tham mưu sửa đổi về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn KKT, KCN nhằm bảo đảm ưu đãi có tính thực tiễn, hấp dẫn đầu tư và có tính cạnh tranh cao so với các tỉnh trong khu vực, bù đắp một phần chi phí cho nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN; từ đó giảm giá thành cho thuê lại đất đã có hạ tầng, bảo đảm khả năng cạnh tranh hơn để thu hút các dự án thứ cấp vào các KCN tỉnh Nghệ An.
Với vai trò là “cánh tay nối dài” giữa nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành và địa phương liên quan trên tất cả các lĩnh vực để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp KCN, KKT trong suốt vòng đời của dự án (ngay từ khi chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án và khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh).
Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, Ban Quản lý chú trọng thu hút các nhà đầu tư có chọn lọc, trong đó yếu tố môi trường được đặt lên hàng đầu.
Đối với các nhà đầu tư hạ tầng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng để phát triển kết cấu hạ tầng KCN, tạo quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; qua đó đã góp phần tạo uy tín đối với các nhà đầu tư thứ cấp để họ yên tâm, sẵn sàng đầu tư vào các KCN.
Mặt khác, các hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: Quy hoạch, tài nguyên, môi trường, xây dựng, doanh nghiệp, lao động…luôn được Ban Quản lý quan tâm thực hiện đồng bộ, kịp thời đúng theo quy định của pháp luật; góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn.
Tạo đà phát triển vững bền
PV: Định hướng phát triển của KKT Đông Nam và các KCN trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trị: Ban Quản lý đặt quyết tâm xây dựng và phát triển KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An thực sự trở thành thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững- là động lực tăng trưởng mới về kinh tế - xã hội cho tỉnh Nghệ An.
Theo đó, mục tiêu phát triển, thu hút đầu tư vào KCN, KKT Đông Nam là đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản, chế biến, chế tạo, điện tử và công nghiệp hỗ trợ gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, cảng Đông Hồi.
Tập trung nguồn lực tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tạo tiền đề thu hút những dự án lớn làm đầu tàu phát triển các ngành kinh tế khác.
Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn Tình. Phấn đấu đến năm 2025, lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các KCN VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1; triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN Hoàng Mai 2, Thọ Lộc; Xử lý dứt điểm vướng mắc tồn đọng kéo dài tại KCN Nam Cấm (khu A, B và C) và các vấn đề vướng mắc, khó khăn đã kéo dài nhiều năm trước đây.
Để đạt được mục tiêu dài hơi trên, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, cụ thể:
Thứ nhất: Tham mưu xây dựng và triển khai các chương trình, đề án theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, gồm: Đề án phát triển KKT Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của Tỉnh (trình UBND tỉnh phê duyệt, trình BTV Tỉnh ủy xem xét ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện); xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam và các KCN giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai: Năm 2021 hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040; hoàn thành rà soát, định hướng phát triển KKT Đông Nam, các KCN tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu đến năm 2025, điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha mặt đất và 10.000ha mặt nước biển); Thành lập KKT cửa Khẩu Thanh Thủy với diện tích tự nhiên khoảng 21.500ha; Quy hoạch phát triển 10÷12 KCN ngoài KKT với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha.
Thứ ba: Năm 2021 phấn đấu thu hút được khoảng 20 - 25 dự án, trong đó có 01 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu chức năng trong KKT Đông Nam hoặc KCN; tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI khoảng 600 - 700 triệu USD.
Giai đoạn 2021-2025, thu hút được trên 100 - 120 dự án đầu tư, trong đó có trên 30% dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD.
Tập trung hỗ trợ các nhà đầu hạ tầng hoàn thành các dự án đang triển khai; phát triển thêm các dự án hạ tầng KCN, đô thị, dịch vụ và có liên quan; tập trung thu hút đầu tư và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thứ cấp quan trọng, quy mô lớn, dự án hạ tầng cảng biển và dịch vụ logictis, các dự án đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng và đô thị ven biển, các dự án khu nhà ở công nhân và dịch vụ liên quan; chủ động liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu lao động nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các dự án sản xuất trọng điểm thuộc KKT, các KCN.
Thứ tư: Tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng bảng giá đất các KCN (ngoài KKT Đông Nam) trên địa bàn Tỉnh; giải quyết cơ bản tiến tới dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp tại Khu A, KCN Nam Cấm (66,8ha); hoàn thành và đưa vào vận hành 02 dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung (Nhà máy xử lý nước thải KCN Đông Hồi 2.000m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải KCN WHA 9.600m3/ngày đêm). Đến năm 2025, 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Tham mưu chỉ đạo, đôn đốc triển khai và hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, cho thuê đất, áp dụng chính sách về đất đai, quy hoạch mỏ nguyên liệu san lấp,.. để triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường trong KKT và các KCN đúng quy định, kịp thời và hiệu quả.
Thứ năm: Năm 2021, triển khai thi công và hoàn thành các công trình, dự án còn dang dở và dự án mới trong KKT; giai đoạn 2021-2025: Hoàn thành 07 dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020 và khởi công mới 05 công trình, dự án, gồm: Cầu vượt đường sắt và Quốc lộ 1A (giai đoạn 1) tại nút N5, N1, N4, đường vào KCN Hoàng Mai II, cầu sông Cấm nối đường N5 với cảng nước sâu Cửa Lò..
Tiếp tục phát triển Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước thải, nhà ở xã hội...) trong KKT, KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 28/7/2017.
Với tinh thần “đột phá phát triển”, Ban quản lý KKT Đông Nam đang quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư mới với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, an toàn và hiệu quả cao./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận