Xem xét áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù cho 4 địa phương
Phù hợp với đường lối của Bộ Chính trị
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội, sáng nay (ngày 22/10), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội xem xét đều được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ảnh: Quốc hội |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự thảo Nghị quyết quy định thống nhất về hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm... |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi; đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp...
Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội xem xét đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Nghệ An đều có 6 cơ chế, chính sách; riêng Thanh Hóa có 8 cơ chế, chính sách. Bên cạnh các nội dung liên quan đến chính sách dư nợ vay, quản lý đất đai, tại các dự thảo Nghị quyết còn quy định về quản lý sử dụng rừng; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức…
Cơ quan thẩm tra ủng hộ ban hành cơ chế đặc thù
“Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương…”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, khi trình bày báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày ý kiến thẩm tra. Ảnh: Quốc hội |
Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và có thời hạn 5 năm, nhưng có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù chỉ đến hết năm 2025, để phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Với chính sách dư nợ vay, theo dự thảo, Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố/Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hàng năm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.
Liên quan đến thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Hải Phòng và Thanh Hóa, dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với nội dung này, nhưng đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc: việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố/Tỉnh; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngành, nghề ưu đãi đầu tư.../.
Bình luận