170 trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình xét tuyển sinh chính quy đại học, cao đẳng sư phạm cho thấy, ngay trong đợt 1 kỳ xét tuyển ĐH,CĐ năm nay, đã có tới 170 cơ sở giáo dục tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).

Trước đó, tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, cả nước có 865.975 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT là 225.550 người, còn lại 640.425 thí sinh (73,95%) đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng sư phạm đến khi xét tuyển là 445.626 (chỉ tiêu xét học bạ: 93.452; chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia: 352.174).

Trong kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1, đã có 170 trường tuyển đủ chỉ tiêu

Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển cùng đăng ký dự thi là 2.552.518; Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung (điểm sàn) là 15,5; Số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 trên điểm sàn là 424.105, tỷ lệ số dư là 1,39 (không tính chỉ tiêu và tổ hợp có môn năng khiếu do các trường tổ chức thi, kiểm tra). 17.558 thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực.

Số thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực đã đăng ký nhập học: 8.373 (đã đưa ra khỏi hệ thống xét tuyển đợt 1).

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung. Trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển, có sự phối hợp tốt giữa Ban chỉ đạo Tuyển sinh Quốc gia và các trường, nhóm trường nên đã đảm bảo quy trình kỹ thuật ổn định.

Bên cạnh đó, hai nhóm xét tuyển chung đã thu hút nhiều thành viên (56 trường phía Bắc và 86 trường phía Nam), đặc biệt là hầu hết các trường lớn đã tham gia, phối hợp sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh hiệu quả.

Nhìn lại kết quả tuyển sinh đợt 1 cho thấy, đảm bảo các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào đảm bảo và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng. Đáng chú ý là, nhờ tỷ lệ trúng tuyển đợt 1 cao nên sẽ còn ít trường phải xét tuyển bổ sung.

Song, nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt… đại học

Mặc dù, ngay trong đợt tuyển sinh đợt 1 đem lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên khi nhìn nhận lại kết quả này cũng có nhiều vấn đề đặt ra.

Từ góc độ điểm thi, điều khiến nhiều thí sinh bất ngờ là năm nay điểm trúng tuyển của các trường tăng cao, có ngành tăng đến 6 điểm. Với mức điểm khoảng 24 -25 điểm, đa phần các thí sinh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng ưu tiên thứ 2. Cá biệt, có trường hợp thí sinh rớt luôn cả 3 nguyện vọng, phải xét tuyển bằng hình thức học bạ để có thể vào ngành mình muốn học ở các trường đại học tư thục.

Đặc biệt, điều “gây cấn” trong kỳ xét tuyển lần này là không ít thí sinh đạt điểm thi cao nhưng chưa chắc đã đỗ đại học. Đơn cử, có thí sinh đạt 29,35 điểm ở Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh vẫn trượt ngành Y đa khoa của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, dù điểm chuẩn vào ngành này là 29,25. Thí sinh này trượt nguyện vọng 1 vì quy tắc làm tròn điểm nên giảm về 29,25 điểm để xét tuyển. Hơn nữa, dù điểm có thể cao ngang thí sinh khác cùng đăng ký xét tuyển vào ngành đó, nhưng nhà trường xét tuyển còn căn cứ vào tiêu chí ưu tiên điểm từng môn xét tuyển cụ thể.

Mặc dù kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng 2017 đem lại nhiều kết quả khả quan, song vẫn có nhiều thí sinh điểm cao chót vót vẫn bị "trượt" đại học

Cùng chung cảnh trượt đại học… dù điểm rất cao, một số thí sinh điểm thi lên đến trên 29 điểm nhưng vẫn không đỗ đại học là thí sinh ở Hà Nội có tổng số điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh là 29,15 điểm, nhưng vẫn không đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Cả 2 thí sinh này đều trượt nguyện vọng 1 vì không được cộng điểm ưu tiên, không đạt được tiêu chí phụ do trường đại học đưa ra.

Trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quy định để các trường có quyền chọn các tiêu chí phụ phù hợp vì lý do: Điểm thi là căn cứ xét tuyển, nhưng với mức điểm thi gần như tương đương nhau thì còn có thể căn cứ nhiều yếu tố khác (điểm quá trình học, lĩnh vực năng lực sở trường, nguyện vọng, tư duy lập luận, phản biện; khả năng phản ứng…) mới đảm bảo công bằng trong đánh giá năng lực theo yêu cầu của ngành đào tạo.

Theo GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội: Điểm chuẩn của ngành Y đa khoa lên tới mức 29,25 và cao nhất từ trước tới nay. Điều này do cách thức thay đổi trong thi cử, không phải do năng lực của học sinh giỏi vượt bậc sau một năm.

Tuy nhiên, là người trong cuộc, điều khiến thí sinh điểm cao vẫn trượt ấm ức là cách dùng tiêu chí phụ của một số trường. Thí sinh trượt y đa khoa Trường đại học Y Hà Nội bức xúc cho rằng cách tính tiêu chí phụ của trường đã đẩy những thí sinh không có điểm ưu tiên dễ rơi vào cảnh “trắng tay” kể cả khi điểm thi cao.

Lý giải về việc điêm thi cao bất thường, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lý giải việc điểm thi năm nay cao bất thường là do vấn đề nằm ở độ khó của đề thi. Nếu đã dùng một đề thi trắc nghiệm với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học thì không nên trách người làm đề thi năm nay. Với kỳ thi “2 trong 1”, người làm đề không tài nào đáp ứng tốt cả hai mục đích xét tuyển đại học và xét tốt nghiệp THPT. Với thi để xét tốt nghiệp THPT, độ khó của đề thi chỉ ở mức học sinh có sức học trung bình có thể làm được và chỉ có một vài câu để phân loại học sinh giỏi. Với đề thi năm nay được cho không quá khó mà cũng có thí sinh bị điểm kém, điểm liệt...

Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích về nguyên nhân chính khiến điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành năm nay là do phương thức xét tuyển đại học. Xét bình đẳng giữa các nguyện vọng, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc thí sinh đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu.

Có chuyên gia tuyển sinh cho rằng, khi xét tiêu chí phụ là điểm chưa làm tròn mà cách tính điểm chưa làm tròn lại bao gồm cả điểm ưu tiên thì những thí sinh được cộng điểm đã “được ưu tiên hai lần”./.

Thí sinh cần làm gì khi trượt nguyện vọng 1?

Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau ngày 13/8, các trường còn thiếu nguyện vọng sẽ công bố chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đây là cơ hội thứ 2 cho các thí sinh đã không may trượt nguyện vọng 1. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển đại học các đợt bổ sung khi chưa nộp phiếu kết quả bản gốc ở đợt 1. Các trường đại học sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống để lọc ra các thí sinh đã gửi phiếu kết quả ra khỏi danh sách xét tuyển đợt bổ sung.

Các thí sinh không may trượt nguyện vọng 1 sẽ có cơ hội thứ hai (sau ngày 13/08) khi các trường công bố chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Trong đó, 3 đối tượng đủ điều kiện tham gia xét tuyển đợt bổ sung gồm: Thí sinh trượt đại học đợt 1 có điểm trên sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng chưa xác nhận nhập học bất kỳ trường nào; thí sinh không tham gia xét tuyển đợt 1 thì vẫn được tham gia đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung.

Theo đó, đợt xét tuyển bổ sung này là những cơ hội cuối cùng cho các thí sinh có thể trúng tuyển vào đại học năm 2017. Chính vì vậy, thí sinh cần hết sức thận trọng khi chọn trường và chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia ngành giáo dục khuyến cáo: Các thí sinh cần cân nhắc và nguyên tắc là điểm thi tốt nhất nên cao hơn điểm nhận hồ sơ từ 1- 2 điểm; nên chọn cùng một ngành ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích./.