Tình trạng tồn đọng số lượng lớn hàng hóa tại một số cảng biển ngày càng nhiều

Hàng tồn đọng vẫn rất lớn

Theo số liệu báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến hết tháng 08/2014, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam khoảng 5.450 container và 1.323 kiện. Trong đó phân bố tại các khu vực cảng: Hải Phòng có 5.060 container; Quảng Ninh có 52 container; Đà Nẵng có 99 container; TP. Hồ Chí Minh có 177 container, 1.323 kiện; Bà Rịa-Vũng Tàu có 10 container; Quảng Ngãi có 52 container.

Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hình xuất – nhập khẩu, như tạm nhập, tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh. Mặt hàng tồn đọng bao gồm: Cao su, lốp cao su đã qua sử dụng; quần áo đã qua sử dụng; phế liệu; thiết bị điện đã qua sử dụng; hàng điện tử đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh, máy móc, dây chuyền thiết bị...

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến tháng 08/2014, tại các cảng thuộc khu vực Hải Phòng có 5.060 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định.

Trong đó, 2.796 container hàng hóa là cao su, lốp đã qua sử dụng; 183 container hàng hóa là máy móc, thiết bị đứng tên người nhận hàng là các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Công nghiệp Tàu thủy; 2.081 container hàng hóa thể hiện trên chứng từ vận tải là quần áo đã qua sử dụng, phế liệu nhựa, phế liệu sắt, phế liệu được tháo dỡ từ các mặt hàng điện, điện tử đã qua sử dụng, hàng phế thải là nông sản, hàng đông lạnh quá hạn sử dụng và các loại hàng hóa khác.

Phần lớn các lô hàng tồn đọng này là phế liệu có giá trị thấp, không xác định được chủ sở hữu, thời gian tồn đọng lâu ngày, chi phí phát sinh lớn hơn nhiều lần trị giá hàng hóa, do đó, việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, từ năm 2011 đến nay, tình trạng hàng nhập khẩu quá hạn khai báo, làm thủ tục hải quan tồn đọng tại cảng Hải Phòng với số lượng lớn gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại cảng biển, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng môi trường và an toàn cháy nổ.

Còn theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, hiện các chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển đang phối hợp với các đơn vị kinh doanh cảng, hãng tàu… để xử lý trên 1.000 container hàng hóa tồn đọng.

Trong số hàng tồn đọng nêu trên, hàng tồn nhiều nhất là cảng Cát Lái với trên 800 container, nên các đơn vị đang quyết liệt xử lý số hàng này. Theo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, hiện nay, đơn vị đang làm thủ tục để thanh lý gần 140 container theo quy định tại Thông tư 203. Những lô hàng này đã nằm tại cảng Cát Lái quá 90 ngày. Tuy nhiên, hầu hết hàng tồn tại cảng đều là hàng hóa thông thường, không có hàng hóa nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài 138 container đang làm thủ tục thanh lý, theo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, trong số hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái, hiện một số trường hợp doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm thủ tục nhận hàng. Đối với số hàng còn lại, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Hải quan phân loại hàng hóa tồn để giải quyết theo quy định.

Với lượng hàng hóa như trên, cảng biển nước ta đang có nguy cơ thành “bãi rác” của thế giới…

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý những lô hàng đang tồn đọng

Để sớm giải quyết cơ bản tình trạng hàng tồn đọng trong năm 2015, đồng thời có giải pháp hiệu quả hơn ngăn ngừa tình trạng này tái diễn, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về vấn đề này.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương thực hiện xử lý những lô hàng đang tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu theo đúng quy định của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP, ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước; Thông tư số 203/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan; Thông tư số 05/2014/TT-BCT, ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa và các quy định của pháp luật liên quan khác.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan rà soát, quản lý chặt chẽ lượng hàng hóa tồn đọng.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp cảng tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng Hải quan tăng cường hoạt động soi chiếu các container hàng hóa chuyển từ tàu xuống bãi cảng để kịp thời phát hiện, xử lý các lô hàng vi phạm cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, hãng tàu theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Về các doanh nghiệp tham gia thu mua lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính quyết định theo đúng thẩm quyền (thực hiện theo cơ chế đấu giá).

Riêng đối với xử lý cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng tồn đọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm tra năng lực các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng xử lý, tái chế cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng, bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về cơ sở vật chất, công nghệ, xử lý phải đáp ứng quy định về môi trường (khí thải, chất thải, nước thải…).

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một số doanh nghiệp, đơn vị đủ năng lực và điều kiện để tham gia thu mua các lô hàng cao su, lốp ô tô cũ tồn đọng; đồng thời đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình xử lý, tái chế, bảo đảm đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường.

Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn cơ chế phù hợp để hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp kinh doanh cảng giảm bớt thiệt hại do tình trạng hàng hóa tồn đọng lâu ngày xảy ra trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 29/2014/NĐ- CP; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 05/2014/TT-BCT để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, nhất là về trách nhiệm của doanh nghiệp và có biện pháp hiệu quả góp phần hạn chế tối đa việc để xảy ra tồn đọng hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu./.