Hội nghị thường niên Đối tác hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP) 2015 do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Văn phòng điều phối FSSP tổ chức tại Hà Nội.

Hội nghị là hoạt động thường niên của FSSP nhằm chia sẻ thông tin và tăng cường đối thoại chính sách giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về kết quả hoạt động của ngành lâm nghiệp trong năm qua và thảo luận các kế hoạch, định hướng và giải pháp phát triển ngành trong năm tới.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2014 là năm ngành Lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đên nay, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, xuất khẩu tăng kỷ lục, các chỉ tiêu về lâm nghiệp đều đạt cao hơn so với năm 2013. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%; tỷ trọng giá trị sản xuất của lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 3,9%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản (kể cả lâm sản ngoài gỗ) đạt 6,2 tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2013.

Công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn, có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với năm 2013. Nhờ đó, độ che phủ của rừng năm 2014 dự kiến đạt 41,5% (tăng 0,4% so với năm 2013).

Kết quả trên đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn, nhất là những người làm nghề rừng.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Cục trưởng thì hoạt động của Ngành vẫn còn những tồn tại, như: Kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt 67% kế hoạch; trồng rừng thay thế của các thủy điện đạt thấp, chỉ đạt 25% kế hoạch. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên còn chậm được ban hành và việc triển khai Đề án tái cơ cấu Ngành ở một số địa phương chưa được kịp thời...

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới căn bản hệ thống quản lý rừng đặc dụng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, dừng khai thác để vừa bảo vệ được rừng vừa tạo điều kiện nâng cao đời sống đồng bào sống gần rừng, gắn bảo vệ và phát triển rừng với nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ít người. Ngành sẽ chú trọng phát triển các mô hình trồng cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, bền vững phù hợp với điều kiện của các địa phương; phát triển rừng gỗ lớn, cây lâm nghiệp đặc sản, cây dược liệu gắn với chế biến; phát triển trồng rừng có chứng chỉ. Đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, từng bước cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ và các lâm đặc sản khác cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, ngành Lâm nghiệp phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2015 là giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 25.000 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 7-7,2%, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 6,7 tỷ USD, độ che phủ rừng đạt 42%.

Tại Hội nghị, Bà Kirsten Hegener, Đồng Chủ tịch FSSP cho rằng: FSSP mong muốn được chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa về công tác tái cơ cấu ngành, đặc biệt là về tác động của quá trình này vào định hướng hoạt động của FSSP sau năm 2015; có được những định hướng từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với những đóng góp của Đối tác vào thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, đồng hành của đối tác FSSP trong suốt 14 năm qua cho sự phát triển của Ngành./.