Gian nan thử sức

Sau khi tốt nghiệp phổ thông và thi trượt đại học năm 2005, anh Thưởng rất thất vọng. Nhận được sự động viên từ người cha, rằng nhiều người chẳng học đại học cũng có thể làm giàu bằng con đường chính đáng, ngược lại, nhiều người có bằng kỹ sư, cử nhân vẫn đang thất nghiệp, nên anh quyết định gác chuyện đèn sách lao vào làm kinh tế.

Tuổi trẻ xốc vác, dám nghĩ, dám làm. Anh Thưởng bắt đầu nuôi vài chục con gà lấy trứng, tiền kiếm đước cũng chỉ đủ ăn chứ chưa thể làm giàu do quy mô nuôi gà còn nhỏ, ít vốn. Sau đó anh nuôi thêm bồ câu để có thu nhập cao hơn. Vậy là lúc đầu anh có vài chục đôi bồ câu với khoảng gần 100 con gà đẻ.

Nghĩ rằng như vậy đã tạm ổn và có thể tin tưởng giao cho bố mẹ ở nhà trông nom giúp, cộng với tính của một anh trai làng bồng bột, Thưởng bán đàn gà đẻ được 30 triệu đồng rồi theo mấy người họ hàng vào Nam bán rau ở chợ đầu mối. Đúng lúc ấy, dịch Newcaster ở nhà bùng phát. Cứ mấy hôm Thưởng lại gọi điện về, lại được nghe bố mẹ thông báo chết vài chú chim bồ câu. Xót ruột nhưng không thể làm thế nào được. Rồi cả đàn chết sạch, Thưởng trắng tay với dự án bồ câu.

Từ đó, anh quyết tâm làm dịch vụ rau quả ở chợ đêm với mục tiêu học nghề mới. Nhiều lần anh còn theo người thân vào Đắk Lắk làm cà phê, hồ tiêu… để trải nghiệm.

Từ những trải nghiệm này, anh nhận thấy có nhiều cách để làm giàu, thậm chí cho rằng điều kiện ở nhiều địa phương khó hơn quê mình rất nhiều mà vẫn có những ông chủ giàu có. Vì thế khi có chút vốn, anh quyết định về xã Ngọc Châu nuôi gà, bò, trồng cây vụ đông, làm vườn… Sản xuất thành công nhưng hiệu quả không cao do dàn trải. Năm 2010, một lần tình cờ thăm trang trại nuôi thỏ ở Ngọc Thiện, thấy giống vật này dễ chăm sóc, không tốn nhiều công mà chủ trại còn hứa sẽ bao tiêu sản phẩm nên anh mua 10 đôi thỏ giống về nuôi thử nghiệm.

Ban đầu chăm sóc theo cách truyền khẩu, nhân đàn nhanh. Có lần, đàn thỏ mẹ đang khỏe mạnh bỗng lăn ra chết hàng loạt. Có lứa thỏ con sau vài giờ lọt lòng mẹ cũng không còn một con. Tìm hiểu mới biết thỏ mẹ chết vì nóng, còn thỏ con lại chết rét.

Lúc ấy lại chẳng có ai nuôi cùng để học, internet cũng không có nốt nên anh Thưởng chỉ biết nhìn mấy con thỏ yêu thương lần lượt ra đi. Thưởng lại xách ba lô lên đường, vào Tây Nguyên làm rẫy để “đậy” lại số vốn đã mất và quyết tâm học cách nuôi thỏ.

Sau khi trở về địa phương với số vốn nhỏ trong tay, lần này, anh Thưởng liên kết với một trại nuôi thỏ ở trong tỉnh để tìm phương pháp nuôi phù hợp. Thậm chí có thời gian, Thưởng về làm công nhân nuôi thỏ, mang cả mấy chục con thỏ nhà mình xuống nuôi cùng. Với sự cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, Thưởng được ông chủ trại thỏ rất quý. Sau thời gian ở đây, ông cấp cho Thưởng con giống, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay tiền làm chuồng trại và nhận bao tiêu một phần sản phẩm.

Từ đó cho đến nay, Thưởng chuyên tâm vào nuôi thỏ nái. Có những lúc, trại thỏ của Thưởng đạt gần 100 con thỏ nái, thu nhập từ bán thỏ giống và thỏ thương phẩm đạt gần 100 triệu đồng/năm. “Nuôi thỏ cần nhất là giữ nhiệt độ ổn định. Điều này em đã làm được nên thỏ ít bị bệnh. Còn các loại bệnh của thỏ như ghẻ, nấm thì giờ em đã tự chữa được nên có thể yên tâm để phát triển thêm nữa”, Phạm Văn Thưởng cho biết.

Và tiếp tục vươn xa

Nhận thấy, sự liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Thưởng tìm hiểu và kết thân với nhiều thanh niên có cùng chí hướng làm giàu ở nông thôn. Có người cùng nuôi thỏ, có người nuôi bò, người bán thuốc thú y, cám… mỗi người một mảng. Khi nói chuyện, họ khá hợp nhau, chia sẻ với nhau trong công việc.

Đầu năm 2014, HTX Hoàng Lan ra đời với 7 thành viên do Phạm Văn Thưởng làm chủ nhiệm có 5 xã viên là thanh niên. Ngoài anh Thưởng, có nhiều bạn rất trẻ cùng tham gia như Dương Hoàng Minh Hiếu (SN 1997), Trần Đình Huy (SN 1987)… Vốn điều lệ của HTX là 300 triệu đồng.

Ngoài chăn nuôi thỏ với khoảng hơn 200 con thỏ nái, các thành viên còn tham gia: nuôi bò, thu mua nông sản, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cam Canh, bưởi Diễn, mít Thái… Thưởng còn đang thử nghiệm việc nuôi gà ác, lấy giống từ tận Vĩnh Long ra với mong muốn cung cấp món gà ác tiềm thuốc bắc với giá bằng 2/3 thị trường hiện nay.

Anh Thưởng tâm sự, mỗi người một việc nhưng HTX luôn hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Tuy mới là năm đầu tiên thành lập nhưng HTX đã đạt thu nhập khoảng 300 triệu đồng, tiến hành cấp giống và thu mua cà chua bi, dưa bao tử cho các hộ dân trong xã với diện tích khoảng 5 mẫu. Năm ngoái, HTX Hoàng Lan được vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng, năm nay đã trả hết.

Bây giờ, lúc cao điểm, trại có gần 100 thỏ nái, hàng trăm thỏ con nhưng chẳng con nào bệnh tật, đẻ khỏe, lớn nhanh. Trung bình mỗi thỏ nái cho lãi 1,5 triệu đồng/năm./.