Bộ mặt nông thôn thay đổi

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thực hiện từ năm 2011 được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định là nội dung trọng tâm và giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng về nông nghiệp nông dân, nông thôn. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được triển khai trên 70% lãnh thổ bao gồm gần 9.000 xã của 63 tỉnh, thành phố và là chương trình đầu tiên lượng hoá mô hình nông thôn mới bằng 19 tiêu chí, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Sau 07 năm triển khai Chương trình, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng và tham gia Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng.

Nổi bật nhất là về giao thông nông thôn, trong hơn 06 năm vừa qua, chúng ta đã hoàn thành một khối lượng hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010, 99,4% tổng số xã có đường ô tô đến trung tâm xã (đến nay cả nước chỉ còn 51 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm). Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn; có 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hoá.

Gắn liền với xây dựng nông thôn mới, sau 04 năm thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Năm 2016 mặc dù ảnh hưởng nặng nền bởi thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng 1,36% và dự kiến năm 2017 đạt 3,05%. Tổng kinh ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD và năm 2017 ước đạt khoảng 34-35 tỷ USD. Thu nhập người dân nông thôn đã tăng mạnh từ 18,6 triệu đồng/người năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016. Số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện với nhiều lễ hội văn hoá lành mạnh được phục hồi hoặc mới hình thành khắp mọi vùng quê; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.

Tính đến hết tháng 9/2017, cả nước đã có 2.815 xã (tương đương 31,54% tổng số xã của cả nước) đạt chuẩn nông thôn mới; 36 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã; Còn 179 xã dưới 05 tiêu chí, giảm 78 xã so với cuối năm 2016.

Cũng vẫn có những khó khăn, hạn chế

Chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng có xu hướng ngày càng doãng ra. Trong khi có nhiều địa phương ở các vùng đồng bằng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu lên kiểu mẫu thì còn rất nhiều xã ở các vùng sâu, vùng xa và miền núi mới chỉ đạt được 06-10 tiêu chí, thậm chí còn 179 xã đạt dưới 05 tiêu chí.

Sản xuất nông nghiệp mặc dù đã chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên đến khi thu hoạch vẫn còn lúng túng tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Hệ thống tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập, thiếu thông tin thị trường. Chất lượng một số nông sản phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Mặc dù, trong thời gian gần đây, các địa phương đã chú trợng hơn vào xử lý các vấn đề về môi trường nông thôn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề bức xúc; trên bình diện chung chưa thực sự chuyển biến rõ nét.

Tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn. Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu. Đối tượng nông dân và khu vực nông thôn chịu tổn thương lớn nhất.

Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Những khó khăn trên đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất nhiều, từ cấp trung ương đến cấp địa phương để có những giải pháp hợp lý, mạnh mẽ hơn, đưa mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được như kỳ vọng./.