Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 31/12/2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có trên 492 xã được công nhận đạt chuẩn nông theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 712 xã (7,97%), còn 113 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 144 xã (vượt mục tiêu nawmg 2017 giảm số xã dưới 5 tiêu chí xuống dưới 150 xã). Có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 13 huyện thuộc 24 (vượt mục tiêu phấn đấu năm 2017 có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).

Phấn đấu cả nước có 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, Chương trình đã huy động được khoảng 259.561 tỷ đồng. Bao gồm: 8.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương; 33.887 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương; 38.076 tỷ đồng từ lồng ghép các chương trình dự án khác; 158.420 tỷ đồng là vốn tín dụng; 12.218 tỷ đồng từ vốn doanh nghiệp; và 18.959 tỷ đồng huy động từ nhân dân và cộng đồng.

Trong năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của các địa phương đạt khoảng 80% (85% là vốn sự nghiệp và 75% là vốn đầu tư phát triển). Dự kiến đến 30/01/2018, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt khoảng 85%-90% so với kế hoạch.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, như: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền trên cả nước vẫn còn khá lớn, cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng (63,33%), Đông Nam Bộ (63,22%) thì miền núi phía Bắc (15,53%), Tây Nguyên (22,5%), Đồng bằng sông Cửu Long (29,43%), Duyên hải miền Trung Bộ (30,87%). Hay, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là các xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế...

Để giải quyết được những khó khăn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018, cần thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp. Cụ thể là:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới gắn với tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa lớn trong nhân dân, cộng đồng và xã hội...

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình,; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù, các đề án thí điểm nxxya dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020...

Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, trên phạm vi cả nước ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó khẩn trương hoàn thành các đề án theo đơn đặt hàng của Bạn chỉ đạo Trung ương và tiến hành tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn I...

Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh – sạch – đẹp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần tiếp tục phấn đấu xây dưng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình theo hướng xã hội hóa, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm của Chương trình, nhất là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đảm bảo bố trí vốn ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu cho Chương trình năm 2018./.