Cụ thể là tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 – 2020… trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến hôm nay là 40,3% số xã, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Tình hình này sang năm 2019, chắc chắn sẽ hoàn thành được mục tiêu 50% số xã. Như vậy, cơ bản chúng ta sẽ đi trước được 1 năm”, ông Cường khẳng định.

Về nợ đọng cơ bản, Bộ trưởng Cường cho biết, đến giờ phút này chỉ còn có 1.200 tỷ đồng, tức là hạ xuống được 92%, 8% còn lại cơ bản là các chương trình đang dở dang triển khai.

“Nếu tất cả các tỉnh này nếu công nhận là xã nông thôn mới thì những nội dung này sẽ được quyết toán bởi vì đây đều là công trình dở dang. Như vậy, mục tiêu thứ hai là không chạy theo thành tích”, ông Cường nói.

Về bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm sửa đổi cho phù hợp với từng vùng, miền, cho đến nay, không có địa phương nào phản ánh rằng nó không phù hợp nữa.

Về tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2018, thì hết tháng 9, mức tăng trưởng đạt 3,65%. Đây là mức tăng trưởng rất cao trong nhiều năm gần đây. Điều này càng khẳng định tốt hơn, khi mà trên thế giới năm nay tác động của thiên tai rất lớn, ở tất cả các châu lục, từ nước Mỹ cho tới Philippines, Nhật Bản và gần đây nhất là Indonesia. Nhưng chúng ta từ đầu năm đến nay có 6 cơn bão và áp thấp ở mức độ nhất định. Chúng ta chỉ có đợt tháng 6, tháng 7 mưa rất lớn ở phía Bắc nước ta. “Cho đến nay, tỷ lệ thiệt hại về người và vật chất so với năm ngoái, cụ thể về vật chất chỉ có thiệt hại đến giờ phút này là 15.000 tỷ so với 60.000 tỷ năm ngoái. Tuy nhiên, với tình hình cụ thể, với diễn biến của biến đổi khí hậu thì tất cả các cuộc giao ban Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đều xác định không được chủ quan trong tình hình hiện nay. Nhìn vào năm 2016 và 2017, chúng ta càng ý thức điều này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Song ông Cường cũng đưa ra những cảnh báo về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi mà hiện nay trên thế giới đã xảy ra ở 19 nước, riêng Trung Quốc đã xảy ra ở 11 tỉnh, gần Việt Nam nhất là Vân Nam.

“Hiện nay, tất cả các bộ, ngành địa phương đang tập trung quyết liệt. Tuy nhiên, nếu để xảy ra ở khu vực chăn nuôi thì tăng trưởng sẽ không đảm bảo được”, ông Cường nói.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cho đến nay, có thể khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng và có được những kết quả ban đầu rất tích cực. Cụ thể là, sản xuất nông nghiệp tiếp tục khẳng định có tăng trưởng. Tổng phát triển thị trường cho đến nay nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia. Trong 5 năm tổng giá trị nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được 200 tỷ đồng. Thặng dư đưa về cho đất nước là 50 tỷ USD.

“Kết quả trên cho thấy, tái cơ cấu của chúng ta đang đi đúng hướng và 30 sản phẩm là nhóm sản phẩm quốc gia là sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nhóm số hai là cấp tỉnh, nhóm thứ ba là quy mô hàng hóa cấp đặc sản ở địa phương thì từng bước đều được áp dụng công nghệ cao phù hợp với từng quy mô cấp độ và trình độ quản trị. Ví dụ, lúa gạo cách đây 5 năm giá của ta thấp nhất thế giới, đến nay giá gạo Việt Nam đã ở mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ, đảm bảo giá trị. Năm 2018 giá trị đã được xuất ở mức cao nhất về lượng và giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.