11 tháng: Chi 119,13 tỷ USD cho nhập khẩu tiêu dùng trong nước

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về phương án nhập siêu năm 2015 với mức 5% GDP, tương đương 6-8 tỷ USD. Bộ này cho rằng, mức nhập siêu này là bất khả kháng trong năm tới, chấm dứt chuỗi 3 năm xuất siêu liên tiếp từ 2012 đến nay.

Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2014, nhưng số liệu xuất - nhập khẩu của Bộ Công Thương cho thấy, hàng xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu liên tục tăng với tốc độ khá nhanh trong nhiều tháng liên tiếp.

Tính chung 11 tháng, Việt Nam đã nhập tới 119,13 tỷ USD các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Đáng chú ý, đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nhập khẩu các mặt hàng rau quả cũng hơn 1 tỷ USD. Lúa mì nhập khẩu cũng tăng xấp xỉ 20%, ngô tăng 132,1%, nhập khẩu than đá tăng 36,1%.

Với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, tổng số ngoại tệ phải chi ra từ đầu năm đến nay ở mức 5,65 tỷ USD, trong đó, riêng việc nhập khẩu phế liệu sắt thép cần tới 1,16 tỷ USD.

Trong khi đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (hàng xa xỉ), dù rất quyết liệt nhưng cũng ngốn lượng ngoại tệ tới 5,34 tỷ USD. Sự nhập khẩu ồ ạt trở lại của các dòng xe sang cũng góp phần không nhỏ trong việc làm hao hụt ngoại tệ của nền kinh tế.

Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (trung bình 8.000 xe/tháng) trong hai tháng 10 và 11/2014 khiến lượng ngoại tệ bỏ ra tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng qua, cả nước nhập khẩu khoảng 60.000 xe ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị tương đương 1,29 tỷ USD. So với con số 709 triệu USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của năm 2013, số ngoại tệ chi ra của năm nay cho mặt hàng này là rất lớn.

Cùng đó, riêng mặt hàng điện thoại di động cũng tiêu tốn tới 1 tỷ USD; các loại máy tính, linh kiện điện tử tiêu tốn 17 tỷ USD. Đây là số ngoại tệ được doanh nghiệp chính thức báo cáo với số lượng nhập khẩu thật, có hóa đơn chứng từ. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, lượng ngoại tệ “chảy máu” qua nhập hàng điện tử xách tay, trốn thuế cũng tương đương vài tỷ USD/năm.

Việt Nam có thể nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 27 tỷ USD năm 2014

Bộ Công Thương cho biết, sự lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là vấn đề lớn, khi thị trường này chiếm gần 29,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (với tổng giá trị nhập khẩu tới 23,1 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 9/2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 20,17 tỷ USD. Tính trung bình nhập siêu mỗi tháng 2,243 tỷ USD. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 31,27 tỷ USD; chiếm hơn 29% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Như vậy, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 20,17 tỷ USD. Tính trung bình, mỗi tháng, nước ta nhập siêu 2,243 tỷ USD.

Nếu đà nhập siêu vẫn duy trì ở mức này, hết năm 2014, còn số nhập siêu từ Trung Quốc có thể chạm hoặc vượt mốc 27 tỷ USD, tăng gần 3,3 tỷ USD so với mức nhập siêu cả năm 2013 và tiếp tục lập nên kỷ lục mới về thâm hụt thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc.

Áp lực lớn cho doanh nghiệp trong nước

Việt Nam xuất siêu mấy năm nay, nhưng đây không phải điều quá mừng nếu phân tích kỹ cơ cấu xuất - nhập khẩu. Luồng tiền xuất siêu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhiều năm qua vẫn đang trong “điệp khúc” nhập siêu.

Năm 2015 cũng sẽ là năm mở ra nhiều cơ hội thuận lợi về phát triển xuất nhập khẩu. Đây là giai đoạn các hiệp định thương mại song phương, đa phương tiếp tục được ký, kể cả TPP, các cam kết hội nhập khác về thuế quan cũng bắt đầu có hiệu lực toàn diện.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có khả năng đáp ứng cả về chất lượng, số lượng với nhịp độ mới. Trong khi, doanh nghiệp FDI sẽ đón đầu các hiệp định này và sẽ có làn sóng mới đầu tư mở rộng ở Việt Nam, chuyển dịch từ các quốc gia khác vào Việt Nam. FDI sẽ tập trung nhiều cho việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị để phục vụ cho kế hoạch này tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc nhập siêu trở lại trong 2015 sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt nhiều vấn đề lớn như sự chuyển dịch từ sản xuất sang thương mại. Cùng đó là sự lép vế về sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng gia tăng. Những vấn đề trên không dễ giải quyết, nếu chiếu theo cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay./.