Sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của thủy điện đến môi trường và dân cư

Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 04/2016 của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 06/05/2016, trước thông tin phản ánh của báo chí cho rằng, dự án có quy mô hàng nghìn tỷ của Tập đoàn Xuân Thành là dự án thủy điện, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định rằng, đây không phải là dự án thủy điện mà là dự án giao thông thủy xuyên Á.

“Báo chí đưa tin nhiều, nhưng lưu ý đây không phải dự án thủy điện mà là dự án giao thông thủy xuyên á, họ làm đập, âu thuyền để cho dâng nước lên, tận dụng và kết hợp thủy điện”, ông Quân khẳng định.

Thông tin cụ thể hơn, đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết, dự án này chủ yếu là làm đập, làm âu tầu để dâng nước, tạo thuận lợi cho tàu bè đi lại qua Lào Cai. Vì vậy, với quy mô dự án lên tới 24.000 tỷ đồng, nếu chỉ để làm thủy điện có quy mô trên 200 MW là quá bé so với quy mô vốn của dự án.

Vì vậy, đại diện Tổng cục Năng lượng cho rằng, việc dự án giao thông thủy này có cần thiết hay không, thì vấn đề này thuộc trách nhiệm Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là những cơ quan về chịu trách nhiệm về hạ tầng. Được biết, hiện nay dự án vẫn mới đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện trên sông Hồng, ông Quân khẳng định, trong quy hoạch phát triển thủy điện hiện nay, chưa có bất kỳ dự án thủy điện nào trên sông Hồng nằm trong quy hoạch do Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay: Dự án này khi đầu tư làm đập mà có thể phát điện được, để tận dụng nguồn tài nguyên nước, thì Bộ Công Thương có thể xem xét, bởi đây chỉ là dự án thủy điện nhỏ với công suất là hơn 200 MW.

“Nếu Chính phủ cho phép làm dự án này, có thể tận dụng được nguồn tài nguyên nước thì Bộ Công Thương ủng hộ”, ông Quân nói.

Lãnh đạo Tổng cục Năng lượng cũng khẳng định, đây mới chỉ là đề xuất sơ bộ ban đầu của chủ đầu tư, nên hiện vẫn chưa có cơ chế, cũng như chưa có trong quy hoạch và chưa có hồ sơ chính thức về việc phát nguồn thủy điện này nên cơ quan này chưa xem xét.

“Vì vậy, tất cả vấn đề liên quan phát triển thủy điện như môi trường, di dân tái định cư… sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng”, Lãnh đạo Tổng Cục Năng lượng nói.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: "Bộ Công Thương khẳng định không làm nhà máy thuỷ điện bằng mọi giá. Hiện đã có lúc chúng ta phải trả giá về môi trường, kể cả hạn hán, mưa lũ đã phải trả giá rồi. Do đó, cần lưu ý khi làm và tính toán tác động của môi trường khi thực hiện các dự án như thế này".

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi Họp báo thường kỳ tháng 4 Bộ Công Thương

Cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhiều lần khẳng định: “Chúng ta không bao giờ đổi môi trường để lấy cái gì bằng mọi giá. Môi trường không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta mà còn con cháu chúng ta sau này”.

Trước đó, trong tài liệu đề xuất thực hiện dự án này của Công ty TNHH Xuân Thiện, Bộ Công Thương đánh giá, đây là dự án đa mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết hợp với thuỷ điện, thực hiện theo hình thức BOO phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư của Nhà nước. Về việc kết hợp khai thác thuỷ điện tại các đập dâng trong dự án, Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương giao Xuân Thiện Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành.

Trong trường hợp dự án được các cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương đầu tư, Bộ Công Thương yêu cầu nhà đầu tư tổ chức lập hồ sơ và trình Bộ này xem xét bổ sung các nhà máy thuỷ điện trong dự án vào quy hoạch thuỷ điện và quy hoạch phát triển điện lực theo quy định. Bộ Công Thương cũng lưu ý tới điều kiện địa chất, thuỷ văn, các phương án đấu nối điện cũng như hiệu quả kinh tế của nhà máy thuỷ điện.

Tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua (05/05), ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, "chắn chắn dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường", nhưng ảnh hưởng như thế nào, cần phải có báo cáo tác động môi trường. Ở giai đoạn ý tưởng sơ khai, dự án được sự đồng thuận cao từ các bộ, ngành, địa phương.

Giữa tháng 6 mới có kết quả thanh kiểm tra 7 doanh nghiệp đa cấp

Cũng tại buổi Họp báo, thông tin báo chí về vấn đề các doanh nghiệp đa cấp, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, ngày 21/03/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại 07 doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Đó là các tên tuổi kinh doanh đa cấp: Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Nhượng quyền Thăng Long, Amway, Unicity, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam.

Hiện nay, Đoàn kiểm tra đang tiến hành việc kiểm tra đối với 7 doanh nghiệp và vẫn chưa kết thúc nội dung kiểm tra tại bất kỳ doanh nghiệp nào. Do đó, thông tin về việc đã có kết luận kiểm tra cuối cùng đối với một số doanh nghiệp là không chính xác.

Quyết định thanh tra ban hành từ đầu tháng 03/2016, theo quy định của pháp luật thì trong vòng 45 ngày mới ban hành báo cáo kết quả cuối cùng và nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì có thể kéo dài thêm 30 ngày..

Như vậy, kết luận báo cáo cuối cùng thì phải đến giữa tháng 6/2016 mới có. “Tôi rất ngạc nhiên là gần đây có một số báo chí đưa tin là doanh nghiệp bán hàng đa cấp này đã được đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý cạnh tranh đã kết luận là không vi phạm pháp luật. Tại buổi họp báo này, này, tôi khẳng đinh rằng, đó không phải là quan điểm chính thức của Cục Quản lý Cạnh tranh", ông Nam nói.

“Cục Quản lý cạnh tranh chưa hề có một ý kiến chính thức nào về kết luận kiểm tra các doanh nghiệp đa cấp này. Tất cả kết quả kiểm tra đều đang được cơ quan chức năng tổng hợp bằng văn bản để ra kết luận cuối cùng”, ông Nam khẳng định.

Liên quan đến việc chấn chỉnh các hoạt động bán hàng đa cấp, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Cụ thể, tăng cường triển khai thanh kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cơ quan này cũng đang đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 về kinh doanh bán hàng đa cấp.

Dự kiến cuối tháng 05/2015, dự thảo sẽ được ra mắt, sửa đổi theo hướng siết chặt hơn nữa bán hàng đa cấp./.