Nỗ lực lớn nhưng… vẫn tụt hậu

Thay mặt nhóm soạn thảo Báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam ngày càng tụt hậu về thu nhập và quy mô kinh tế. Mặc dù GDP có tăng từ 6-7%, nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ bé và ngày càng giãn cách rất xa.

Sau 15 năm, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD; còn Thái Lan tăng 270 tỷ USD; Malaysia tăng 200 tỷ USD; Indonesia tăng 700 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 850 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng 1.600 USD, thì Thái Lan tăng 3.600 USD; Malaysia tăng 6.500 USD; Hàn Quốc tăng 16.000 USD.

Điều này cho thấy, Việt Nam ngày càng tụt hậu hơn về thu nhập và quy mô kinh tế so với các quốc gia phát triển khác.

“Trước đây, chúng ta chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (mặc dù chưa hoàn thiện), nhưng phát huy được lực lượng sản xuất mạnh mẽ để có như hôm nay. Theo đó, chúng ta cần tìm ra động lực mới, đặc biệt là về thể chế. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới", ông Bùi Quang Vinh chỉ rõ.

Theo ông Vinh, hội nhập sâu hơn về kinh tế đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Nếu tận dụng tốt sự tiến bộ về khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh và tạo ra những bước nhảy vọt. Ngược lại, nếu không tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thì kinh tế Việt Nam sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa.

Còn theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam Bùi Tất Thắng, những quốc gia đang thực hiện quá trình chuyển đổi sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với những quốc gia đã phát triển bởi vì cùng 1 lúc phải thực hiện 2 mục tiêu: vừa ổn định và phát triển nền kinh tế cũng như đời sống của nhân dân, lại vừa có nhiệm vụ hoàn tất quá trình chuyển đổi từ cơ chế cũ, vốn cản trở sự phát triển, sang một cơ chế mới.

Quá trình tạo lập bao giờ cũng có 2 nhiệm vụ, 1 là phải tháo dỡ cái cũ đặc biệt là những cản trở; thứ 2 là phải thiết lập nên hệ thống mới. Mà cản trở lớn nhất hiện nay chính là bản thân yếu những kém mà chúng ta chưa khắc phục được.

Nhà nước kiến tạo cần tránh can thiệp sâu vào nền kinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế thị trường đầy đủ đòi hỏi phải làm rõ và xác định lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cụ thể hơn là cần phải làm rõ và cải cách, thay đổi phương thức can thiệp (hay điều hành) của Chính phủ. Những thay đổi đó phải cụ thể, bao gồm cả những thay đổi về kỹ trị. Những thay đổi đó, hơn hết, lại phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể.

Thông điệp từ hội nghị: Nhà nước kiến tạo cần tránh can thiệp quá sâu, quá chi tiết vào nền kinh tế

Cần làm rõ mối quan hệ (lành mạnh) giữa 03 trụ cột của thể chế (nhà nước - thị trường - xã hội). Đây là nền tảng xác định rõ và cụ thể về vai trò và phương thức can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường đầy đủ

Làm rõ các mối quan hệ mang tính kỹ trị trong quản trị nhà nước giữa các cơ quan của nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với thị trường và quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Từ đó, có thể làm rõ về phương hướng cải cách, cải tổ bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nhà nước.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, chính phủ điện tử ngày càng được xem là công cụ hữu hiệu để các chính sách của nhà nước hiệu quả hơn, trong đó có việc cung cấp các dịch vụ công đến doanh nghiệp và người dân. Do đó, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng thông tin và truyền thông mang lại sẽ đòi hỏi Chính phủ phải đổi mới bộ máy tổ chức, trách nhiệm, các quy trình, sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động của Chính phủ Việt Nam hiện nay.

Việc xây dựng một nhà nước kiến tạo, phân công rõ ràng chức năng và nhiệm vụ giữa các nhánh quyền lực, xây dựng Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu để vượt qua thách thức. Tuy nhiên, Nhà nước kiến tạo cần tránh can thiệp sâu vào nền kinh tế.

Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng, muốn làm được Nhà nước kiến tạo, thì không chỉ có người người đứng đầu Chính phủ nỗ lực vào cuộc, bộ máy Chính phủ thực thi mà phải cả hệ thống chính trị, các bộ, ban ngành và địa phương phải thay đổi. Tư tưởng, tư duy Nhà nước kiến tạo phải đích thực, không chỉ từ lời nói, mà còn bằng quyết tâm, cam kết.

Theo ông Cung, guồng máy của chúng ta đang thiếu nhiều thứ, trong đó thiếu đi kế hoạch, tầm nhìn, con người. Vì thế, cần thay đổi cách thức xây dựng và lập kế hoạch hiện nay đi.

"Chứ như hiện nay là quá ôm đồm, cái gì cũng có, chung chung không thực thi và không ai chịu trách nhiệm được. Cuối cùng vấn đề cứ giằng xé, đan xen, không có cơ quan nào đi đầu cải cách", ông nói.

Khơi gợi tiềm lực nội tại nền kinh tế, ông Cung nhấn mạnh: "Chúng ta còn rất nhiều tài sản công, còn ứ đọng trong đất đai, trong tay DN Nhà nước. Tài sản của nền kinh tế hiện nay tính theo sổ sách là khoảng 700 tỷ USD, nếu chúng ta tăng hiệu quả của 1% số vốn này, mỗi năm ta có thêm 7 tỷ USD bổ sung cho nền kinh tế. Nếu chúng ta bắt những tài sản này sản sinh, thì tăng trưởng kinh tế mỗi năm 7%-8% là không phải bàn cãi".

"Nhiều câu hỏi về việc xây dựng Nhà nước kiến tạo nên cần bắt đầu từ đâu, vấn đề này luôn trăn trở nhưng câu trả lời lại rất đơn giản: Thứ nào kìm hãm phát triển thì hãy tập trung vào đó mà xử lý; không trốn tránh, phải đối mặt . Nếu tránh nó, vấn đề càng xếp chồng lên, khó xử lý và lâu dần không xử lý được như nợ xấu thời gian qua", ông Cung chia sẻ.

Gợi ý về một Nhà nước kiến tạo, theo ông Cung, Nhà nước đó cần có 2 đặc điểm căn bản.

Một là, nhà nước cần dẫn dắt, lôi kéo quá trình phát triển. Nhưng đồng thời quan trọng hơn là nhà nước phải thúc đẩy, hỗ trợ để làm sao huy động được toàn bộ nguồn lực đưa nền kinh tế đến một giai đoạn phát triển cao hơn giúp nâng cao phúc lợi và thịnh vượng của người dân.

Hai là, cần phải có một đội ngũ, nhà lãnh đạo thực sự có năng lực để luôn luôn theo đuổi mục tiêu đã đề ra. Nhà nước kiến tạo cần có trách nhiệm giải trình để người dân được quyền giám sát chặt chẽ.

Ông Bùi Quang Vinh bổ sung thêm, để xây dựng một Nhà nước kiến tạo cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, phân công rõ ràng chức năng và nhiệm vụ giữa các nhánh quyền lực, để tránh tình trạng độc quyền và chồng chéo, để làm sao quá trình đưa ra quyết định được nhanh chóng và không để lỡ cơ hội.

"Vì vậy, cần tăng cường năng lực của Nhà nước, để Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và tránh can thiệp quá sâu, chi tiết. Nếu can thiệp sâu sẽ gây hại đến nền kinh tế", ông Vinh nhấn mạnh./.