Quy hoạch tổng thể quốc gia cần làm rõ hơn điểm nghẽn về các yếu tố nền tảng trong phát triển
Phát biểu tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra sáng nay (ngày 14/9), TS. Cao Viết Sinh đánh giá, ban soạn thảo đã cố gắng lựa chọn những nội dung có tính khái quát cao, làm định hướng cho quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch các địa phương, nên các nội dung đưa vào tổng hợp trong QHTTQG theo tinh thần cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua theo tổ chức không gian phát triển, phân vùng chức năng phát triển, xác định các vùng trọng tâm và xử lý các điểm nghẽn của quá trình phát triển, nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh của từng lãnh thổ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo sự kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao, tạo ra thịnh vượng, sinh kế cho người dân trong 10 năm tới.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia phản biện Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát biểu tại Hội nghị |
Ông đề nghị, Hội đồng thẩm định chấp nhận lựa chọn những nội dung có tầm quan trọng quốc gia, mang tính chiến lược để đưa vào QHTTQG làm những định hướng lớn, làm khung chung cho quá trình phát triển, đạt được sự đồng thuận cao giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Khả năng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn là thách thức lớn
Bản dự thảo QHTTQG đã phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia, đồng thời đánh giá được các tác động, các xu hướng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến định hướng, không gian phát triển lên kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.
Việc đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gia phát triển của nước ta giai đoạn 2011-2020 là hết sức cần thiết. Báo cáo dự thảo QHTTQG đã nêu được 7 mặt được và 7 mặt hạn chế, yếu kém. Đồng thời bản Quy hoạch cũng đã xác định 5 điểm nghẽn trong quá trình phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, QHTTQG cần làm rõ hơn điểm nghẽn về các yếu tố nền tảng trong phát triển, như: thể chế phát triển, nguồn nhân lực, phương thức quản trị; các vấn đề bền vững, các cân đối lớn (như: cân đối tích lũy- tiêu dùng; năng lượng; lương thực; cân đối thu - chi ngân sách; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế...), để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại còn thấp so với yêu cầu; trình độ khoa học, công nghệ còn thấp; năng lực tiếp cận chuyển đổi số còn hạn chế; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu, khả năng tự chủ của nền kinh tế còn thấp.
Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế, khả năng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn là thách thức lớn.
TS. Cao Viết Sinh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần lưu ý thêm các vấn đề bao trùm và bất định là “toàn cầu hóa bị đảo ngược”, tốc độ, cơ cấu thương mại cũng thay đổi theo, thay đổi cả địa chính trị của các nước lớn.
“Xu hướng quay trở về nâng cao năng lực sản xuất nội địa và tự chủ kinh tế nhiều hơn. Ngay cả những nước lớn, như: Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc... cũng ưu tiên nội nhu thay vì hướng xuất khẩu như trước đây?”, vị chuyên gia này cho biết.
Tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 phải từ 6,5% đến 7,5%
Về quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước của QHTTQG cơ bản, TS. Cao Viết Sinh đồng tình với việc xác định các mục tổng quát; các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.
Vị chuyên gia này cho biết, thực tế 30 năm qua (1990-2020), ngưỡng thu nhập cao của thế giới tăng gấp 1,65 lần, từ 7.689 USD vào năm 1990 lên 12.536 USD vào năm 2020.
Nếu trong vòng 30 năm tới (vào năm 2050), ngưỡng thu nhập cao của thể giới tăng như giai đoạn 30 năm trước, tăng khoảng 1,7 lần, thì ngưỡng thu nhập cao của thế giới vào năm 2050 sẽ là 21.300 USD (nếu kinh tế thế giới tăng nhanh, thì ngưỡng thu nhập cao sẽ vào khoảng 23.000 – 25.000 USD).
“Do vậy, với phương án tăng trưởng trong giai 2031-2050 như trên, GDP bình quân đầu người của nước ta (27.000-32.000 USD) sẽ bước vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045 như tầm nhìn Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Nếu ngược lại, chọn mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 thấp hơn sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra?”, TS. Cao Viết Sinh nói và kiến nghị lấy phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 từ 6,5% đến 7,5% là phù hợp.
Những vấn đề trọng tâm, các đột phá cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030
Dự thảo QHTTQG đã đề xuất 5 vấn đề trọng tâm, đột phá cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, đó là: (1) Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; (2) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lương, hiệu quả; (3) Tập trung phát triển một số vùng động lực và cực tăng trưởng; (4) Phát triển các hành lang kinh tế Bắc – Nam và hướng Đông – Tây; (5) Tập trung phát triển một số khu kinh tế gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, nên nghiên cứu điểm nghẽn cần thoát ra là thể chế phát triển, liệu lần này trong Quy hoạch có đặt ra để giải quyết, thúc đẩy thực hiện QHTTQG hay không?
“Một vấn đề nữa là hình thành năng lực sản xuất quốc gia? Ai là trụ cột phát triển kinh tế, doanh nghiệp khu vực kinh tế nào hiện thực hóa Quy hoạch phát triển (doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài)”, nguyên Thứ trưởng nêu vấn đề.
Trước đây, các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế, khởi công nhiều dự án sản xuất hiện thực hóa quy hoạch phát triển, nay hầu như án binh bất động, ít khởi công các dự án lớn? Các tập đoàn tư nhân lớn, tiềm lực mạnh thì ít quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, làm chủ công nghệ, nặng về bất động sản, nghỉ dưỡng… (trừ Vinfast).
TS. Cao Viết Sinh đề xuất bổ sung thêm các nội dung của văn kiện Đại hội Đảng vào phần giải pháp và phần tái cơ cấu nền kinh tế.
Vị chuyên gia này chỉ rõ, mục tiêu phát triển du lịch nêu trong dự thảo do tư vấn du lịch đưa ra thấp hơn nhiều với mục tiêu do Đại hội Đảng đề ra và khác với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, nên kiến nghị tiếp tục sử dụng mục tiêu đã được Đại hội Đảng đề ra là 47-50 triệu khách du lịch quốc tế, du lịch đóng góp 15-17% GDP đưa vào dự thảo.
Về tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành hạ tầng xã hội trong dự thảo, theo TS. Cao Viết Sinh là tương đối nhiều nội dung và quá chi tiết do yêu cầu của các đơn vị tư vấn đưa vào QHTTQG. Ông đề xuất, các bộ, ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát chặt chẽ hơn, chỉ đưa những nội dung “có tầm quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, mang tính chiến lược” như quy định của Luật quy hoạch và Nghị định 37 của Chính phủ.
Dự thảo QHTTQG đưa ra 4 vùng động lực quốc gia trong các vùng kinh tế trọng điểm. Trước đây, nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, bao gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do nguồn lực hạn chế, chưa có cơ chế chính sách phù hợp nên giai đoạn 2011-2020, một số vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước, thậm chí có vùng tăng trưởng chậm lại…
“Lần này dự thảo chọn 4 vùng động lực và trong từng vùng động lực có cực tăng trưởng là hướng đúng, theo phương châm phát triển có trọng tâm, trọng điểm. 4 vùng động lực trong dự thảo chỉ bao gồm 16 tỉnh, thành phố, giảm 8 tỉnh so với trước đây”, TS. Cao Viết Sinh nhận xét.
Về đề xuất 2 hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và 8 hành lang kinh tế Đông – Tây, theo vị chuyên gia này là phù hợp.
“Tuy nhiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc – Nam dựa theo đường cao tốc Bắc – Nam, kết hợp với đường ven biển và ưu tiên trước 3 hành lang kinh tế Đông -Tây là: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh gắn với hành lang Côn Minh; hành lang kinh tế Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyến Á; hành lang kinh tế Lao Bảo – Đông Hà- Đà Nẵng gắn với hành lang kinh tế Đông – Tây thuộc tiểu vùng Mê Công mở rộng. Mặc khác, cũng không phải tập trung phát triển toàn tuyến mà lựa chọn những hành lang có chức năng kết nối các khu công nghiệp, các khu kinh tế với các khu đô thị hiện đại… hình thành hành lang công nghiệp- đô thị để phát huy hiệu quả”, TS. Cao Viết Sinh đề xuất.
Có thể đưa tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng cao hơn so với dự thảo
Khẳng định rằng, việc phân vùng kinh tế - xã hội mang tính kế thừa lịch sử, chưa tạo điều kiện để xây dựng mối liên kết vùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, hiện có vùng quy mô quá lớn, có vùng kéo dài từ Bắc vô Nam, điển hình là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ tỉnh Thanh hóa đến tỉnh Bình Thuận hơn 1.000 km, rất khó hợp tác kinh tế, xây dựng không gian phát triển phù hợp.
“Do vậy, trong tương lai, đề nghị nghiên cứu lại phân vùng phù hợp hơn”, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Trước mắt, vị chuyên gia này ủng hộ phương án chia một số vùng thành 2 tiểu vùng: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc chia thành 2 tiểu vùng: tiểu vùng Tây Bắc và tiểu vùng Đông Bắc; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chia thành 2 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung.
“Như vậy, tiểu vùng Duyên hải miền Trung sẽ có nhiều điều kiện hợp tác liên kết kinh tế với vùng Tây Nguyên nhiều hơn, xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, kết nối liên vùng sẽ rất thuận lợi và cũng tạo điều kiện cho Tây Nguyên có hướng ra biển, tận dụng tối đa các cảng biển ở tiểu vùng Duyên hải miền Trung”, vị chuyên gia này lý giải.
Việc phân bố không gian phát triển theo mục tiêu cho 6 vùng theo Dự thảo như sau:
(1). Vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm tỷ trọng 8,5% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 8-9%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng, tương đương 5.300 USD.
(2). Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ trọng 29,4% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 7,5-8%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 350 triệu đồng, tương đương 13.400 USD.
(3). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm tỷ trọng 14,3% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 7%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 160 triệu đồng, tương đương 6.000 USD.
(4). Vùng Tây Nguyên chiếm tỷ trọng 3,6% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD.
(5). Vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng 32,1% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 8-8,5%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD.
(6). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng 12% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 146 triệu đồng, tương đương 5.500 USD.
Nhìn tổng thể, theo TS. Sinh, việc phân bố như trên là khá hợp lý, tuy nhiên Vùng Đồng bằng sông Hồng, giai đoạn 10 năm 2011-2020, phát triển khá khởi sắc, tăng trưởng cao, đạt 7,21%/năm, cao hơn nhiều so với Vùng Đông Nam Bộ (5,39%/năm).
“Do vậy có thể đưa tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng cao hơn so với dự thảo, có thể là 8-8,5%/năm như Vùng Đông Nam Bộ”, ông Sinh đề xuất.
Vùng Đông Nam Bộ tuy giai đoạn 2011-2020 đạt thấp do ảnh hưởng dịch của Covid-19 và khai thác dầu khí giảm, nhưng qua tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội vùng Đông Nam Bộ đều cho thấy, các địa phương có mức phấn đấu rất cao cho 10 năm tới, như: Bình Dương giai đoạn 2021-2030 dự kiến tăng 8,3%; Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 8-9%, TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 8%.../.
Bình luận