Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành F&B đối với sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh
ThS. Hồ Thị Khánh Viên, ThS. Nguyễn Trọng Hiếu, ThS. Nguyễn Hoàng An
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Nghiên cứu này xem xét các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) đối với sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát 247 sinh viên đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại trong lĩnh vực F&B cho thấy, Thái độ, Nhận thức kiểm soát hành vi, Nhận thức rủi ro, Thuận tiện về công nghệ, Mức độ sẵn sàng tác động tích cực đến Quyết định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả này nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống thanh toán thân thiện, tăng cường bảo mật và các biện pháp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.
Từ khóa: thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch kỹ thuật số
Summary
This study examines the key factors influencing cashless payments in the food and beverage (F&B) sector among Ho Chi Minh City's students. The survey results of 247 students who used cashless payments in the F&B sector showed that Attitude, Perceived behavioral control, Perceived risk, Technological convenience, and Readiness level positively impacted the decision to use cashless payments. This result emphasizes the need to build a friendly payment system, enhance security, and measures to build consumer trust.
Keywords: electronic payment, cashless payment, digital transaction
GIỚI THIỆU
Khoa học kỹ thuật phát triển gắn liền với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã thay đổi đáng kể đến hệ thống thanh toán trên toàn thế giới. Từ thanh toán bằng tiền mặt, chuyển sang phương thức quẹt thẻ, đến nay, công nghệ thannh toán đã phát triển cao thông qua ví điện tử, thanh toán bằng mã QR và thẻ không tiếp xúc. Điều này đã nâng cao sự tiện lợi và hiệu quả của các giao dịch tài chính, giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt.
Cùng với sự phát triển tất yếu của thị trường, Việt Nam cũng hướng đến sự phát triển của thanh toán không tiền mặt. Trong năm 2024, Việt Nam thanh toán bằng hình thức kỹ thuật số đến 149 tỷ USD, tương đương hơn 3,800 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2023 (Google, 2024). Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi các giải pháp thanh toán kỹ thuật số, với ví điện tử, mã thanh toán QR-code, thanh toán trực tuyến...
Sinh viên là những người trẻ, dễ làm quen và thích nghi với việc sử dụng những công nghệ và phương thức thanh toán hiện đại. Vì vậy, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tìm hiểu các yếu chính ảnh hưởng đến việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của sinh viên trong lĩnh vực F&B – là lĩnh vực mà họ tiêu dùng hàng ngày.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991) giải thích việc một cá nhân đưa ra quyết định của mình dựa trên 3 yếu tố chính: thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Thái độ phản ánh nhận thức tích cực hoặc tiêu cực của người tiêu dùng. Ở đây, người tiêu dùng sẽ có nhận thức về thanh toán kỹ thuật số, được hình thành bởi tính dễ sử dụng và lợi ích giao dịch (Sharma và cộng sự, 2022). Nhận thức kiểm soát hành vi đo lường sự tự tin của người tiêu dùng khi sử dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, ảnh hưởng đáng kể đến ý định áp dụng. Các nghiên cứu trước đây xác nhận rằng, TPB là một nền tảng dự báo rất phù hợp để xác định các hành vi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở những người tiêu dùng trẻ tuổi (Liu và cộng sự, 2021; Martins và cộng sự, 2019).
Được phát triển từ lý thuyêt chấp nhận công nghệ (TAM), lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) của Venkatesh và cộng sự (2021) kết hợp kỳ vọng hiệu suất, kỳ vọng nỗ lực, mức độ sẵn sàng và các thuận lợi về công nghệ. Để giải thích về hành vi thanh toán không tiền mặt, lý thuyết cho thấy, con người thường xuyên bị thu hút bởi các công nghệ mới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, họ luôn có tính tò mò và sẵn sàng ứng dụng các công nghệ mới trong đời sống dù là các công nghệ đơn giản nhất. Việc thanh toán tiền mặt trong giao dịch hàng ngày được xem như là một thói quen, khi có thay đổi bằng các yếu tố công nghệ làm cho người dùng thấy thích thú hơn. Ngoài ra, các điều kiện thuận lợi trong công nghệ như các nguồn lực, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ pháp lý có sẵn cho phép người tiêu dùng sử dụng thanh toán dễ dàng hơn và dễ chấp nhận hơn (Gupta, 2021).
Ngược lại, lý thuyết rủi ro tập trung vào các rào cản đối với việc áp dụng, nhấn mạnh các rủi ro như bảo mật, quyền riêng tư và tổn thất tài chính (Featherman và Pavlou, 2003). Khi công nghệ quá phát triển mà người dùng chưa hiểu biết hết các công cụ thanh toán, thì dễ dẫn đến lo ngại về gian lận và giao dịch trái phép, từ đó hình thành các rủi ro và rào cản sử dụng dịch vụ (Chawla và Joshi, 2021). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhận thức rủi ro cao hơn sẽ có mối tương quan tiêu cực với việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, các cơ chế xây dựng lòng tin, chẳng hạn như các biện pháp bảo vệ theo quy định và công nghệ mã hóa, có thể giảm thiểu những lo ngại này và tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng vào thanh toán không dùng tiền mặt.
Giả thuyết và mô hình nghiên cứu
Dựa trên các lý thuyết TPB, UTAUT và lý thuyết rủi ro, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành F&B đối với sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh. Mô hình lý thuyết được thể hiện tại Hình.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
![]() |
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Thái độ có tác động tích cực đối với Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt.
H2: Nhận thức kiểm soát hành vi có tác động tích cực đối với Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt.
H3: Nhận thức rủi ro ảnh hưởng có tác động tích cực đối với Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt.
H4: Thuận tiện về công nghệ có tác động tích cực đối với Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt.
H5: Mức độ sẵn sàng ảnh hưởng tích cực đến Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt.
Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả thực hiện khảo sát ý kiến của các sinh viên có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ F&B tại TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu thu thập gồm 247 sinh viên từ ngày 04/11/2024 đến 25/11/2024. Các phản hồi được đo lường trên thang đo Likert 5 mức độ (1 = rất không đồng ý, 5 = rất đồng ý). Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS 26.0, để kiểm định độ tin cậy độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và phân tích hồi quy đa biến (Nghiên cứu sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
Phương trình hồi quy đa biến đề xuất có dạng như sau:
QĐ = β1*TD + β2*KS + β3*RR + β4*SS + β5*CN + εi
Trong đó, QĐ là Quyết định thanh toán không tiền mặt, TD là Thái độ với thanh toán không tiền mặt, KS là Nhận thức kiểm soát hành vi, RR là Nhận thức rủi ro, SS là Mức độ sẵn sàng, CN là Thuận tiện về công nghệ, ε là Sai số.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đánh giá độ tin cậy của thang đo
Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo
![]() |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu
Kết quả đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha ở Bảng 1 cho thấy, biến CN1 bị loại do không đạt yêu cầu. Tác giả tiếp tục thực hiện kiểm định sau khi loại biến. Kết quả cho biết, các thang đo đều nằm trong khoảng chấp nhận được. Hệ số tương quan biến tổng của tất cả các biến quan sát được sử dụng trong nghiên cứu đều đạt yêu cầu (> 0.3), chứng tỏ các thang đo sử dụng trong nghiên cứu là đạt độ tin cậy cần thiết, phù hợp để tiến hành các bước phân tích tiếp theo.
Phân tích EFA
Tác giả tiến hành thực hiện phân tích EFA với 21 biến độc lập. Kết quả cho thấy, hệ số KMO = 0.850 (> 0.5) và kiểm định Bartlett có Sig. = 0.000 (< 0.05), do đó phân tích EFA phù hợp với dữ liệu khảo sát. Tại giá trị Eigenvalue = 1.164 > 1, nghiên cứu rút trích được 5 biến mang ý nghĩa tóm tắt thông tin lớn nhất (Bảng 2). Tổng phương sai trích khi phân tích EFA là 69.229% (> 50%), cho thấy 5 nhân tố được trích có thể giải thích 69.229% sự biến thiên của dữ liệu.
Bảng 2: Kết quả EFA thang đo các thành phần
![]() |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu
Tương tự đối với biến phụ thuộc, kết quả phân tích cho thấy, hệ số KMO = 0.674 (> 0.5), kiểm định Bartlett có Sig. = 0.000 (<0.05) đạt yêu cầu. Hệ số tải của 3 biến quan sát của biến phụ thuộc có hệ số tải nhân tố > 0.5, đủ điều kiện để làm thang đo trong các bước phân tích tiếp theo.
Phân tích hồi quy đa biến
Bảng 3 cho biết, hệ số xác định điều chỉnh R² = 0.634 và Sig. = 0.000, cho thấy về mặt thống kê, mô hình giải thích được 63.4% sự biến thiên của Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt. Giá trị VIF < 2 và hệ số Durbin-Watson = 1.615, nằm trong khoảng cho phép, chứng tỏ mô hình ít có sự tương quan và đa cộng tuyến. Tất cả các biến độc lập đều có ảnh hưởng đáng kể đến Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt.
Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính
![]() |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu
Phương trình hồi quy được viết như sau:
QĐ = 0.169*TD + 0.154*KS + 0.131*RR + 0.187*SS + 0.245*CN + εi
Dựa vào hệ số hồi quy, Thuận tiện về công nghệ (β = 0.245, Sig. = 0.000) có tác động mạnh nhất. Tác động yếu nhất là Nhận thức rủi ro (β = 0.131, Sig. = 0.002).
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Nghiên cứu chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến Quyết định thanh toán không dùng tiền mặt đối với ngành F&B của sinh viên, gồm: Thái độ; Nhận thức kiểm soát hành vi; Nhận thức rủi ro; Thuận tiện về công nghệ; Mức độ sẵn sàng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực F&B của sinh viên, cụ thể như sau:
Thứ nhất, để nâng cao mức độ sẵn sàng, doanh nghiệp nên áp dụng các chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng sử dụng thanh toán không tiền mặt, như giảm giá hoặc hoàn tiền khi thanh toán bằng QR Code, ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử cần không ngừng cải thiện tốc độ giao dịch, giao diện thân thiện và dịch vụ chăm sóc khách hàng để tạo cảm giác an toàn và dễ tiếp cận cho người dùng, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại, từ đó nâng cao mức độ sẵn sàng chấp nhận và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế không tiền mặt.
Thứ hai, cần đầu tư vào hạ tầng thanh toán số trong ngành F&B. Các cửa hàng, dịch vụ nên đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động trơn tru, giảm thiểu gián đoạn giao dịch. Các chiến dịch marketing của đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán nên trực diện, giúp khách hàng nhận diện dễ dàng và các thao tác công nghệ cần đơn giản hóa.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tập trung vào truyền thông về sự tiện lợi, tốc độ và lợi ích dài hạn của thanh toán không tiền mặt. Họ có thể thực hiện các chiến dịch quảng bá nhấn mạnh tính an toàn, giảm thiểu rủi ro tiếp xúc trực tiếp và tích hợp với các chương trình khách hàng thân thiết.
Thứ tư, cần có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp F&B để giúp khách hàng cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi thanh toán không tiền mặt. Các nhà hàng, quán cà phê nên đơn giản hóa quy trình thanh toán, đảm bảo giao diện thân thiện và dễ tiếp cận. Đào tạo nhân viên để hỗ trợ khách hàng khi gặp khó khăn trong quá trình thanh toán cũng là một giải pháp cần thiết. Hệ thống ngân hàng và ví điện tử có thể cung cấp các chương trình hướng dẫn trực tuyến, video minh họa và dịch vụ khách hàng 24/7 để giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng, từ đó nâng cao nhận thức kiểm soát hành vi và giảm thiểu rào cản tâm lý trong việc sử dụng thanh toán không tiền mặt.
Thứ năm, doanh nghiệp cần hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán uy tín để đảm bảo an toàn cho các giao dịch. Các ngân hàng và ví điện tử cần liên tục cập nhật công nghệ bảo mật như mã hóa dữ liệu, xác thực hai yếu tố và cảnh báo giao dịch bất thường để tăng cường lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, minh bạch về chính sách bảo vệ quyền lợi khách hàng, cung cấp cam kết hoàn tiền khi xảy ra giao dịch sai sót sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt./.
Tài liệu tham khảo
1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179–211.
2. Chawla, D., Joshi, H. (2021), Importance-performance map analysis to enhance the performance of attitude towards mobile wallet adoption among Indian consumer segments. Aslib Journal of Information Management, 73(6), 946–966.
3. Davis, F. D. (1989), Perceived Usefulness, Perceived Ease of Use, and User Acceptance of Information Technology, MIS Quarterly, 13(3), 319–340.
4. Featherman, M. S., Pavlou, P. A. (2003), Predicting e-services adoption: A perceived risk facets perspective, International Journal of Human-Computer Studies, 59(4), 451–474.
5. Google (2024), Vietnam E-conomy SEA 2024 Report.
6. Gupta, S. (2021), Startups and the Growing Entrepreneurial Ecosystem. Journal of Intellectual Property Rights, 26(1).
7. Liu, Y., Luo, J., Zhang, L. (2021), The effects of mobile payment on consumer behavior. Journal of Consumer Behaviour, 20(3), 512–520.
8. Martins, J., Costa, C., Oliveira, T., Gonçalves, R., Branco, F. (2019), How smartphone advertising influences consumers’ purchase intention, Journal of Business Research, 94, 378–387.
9. Parasuraman, A. (2000), Technology Readiness Index (Tri): A Multiple-Item Scale to Measure Readiness to Embrace New Technologies, Journal of Service Research, 2(4), 307–320.
10. Sharma, K., Costa, N., Kim, Y., Muramatsu, H., Neto, N., Martins, L., Kong, J., Paschoal, A., Araujo, P. (2022), Sharma et al.Reply, Physical Review Letters, 128.
11. Taylor, S., Todd, P. (1995), Decomposition and crossover effects in the theory of planned behavior: A study of consumer adoption intentions, International Journal of Research in Marketing, 12(2), 137–155.
12. Trần Thị Khánh Trâm (2022), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ở các huyện thuộc Tỉnh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 131(5C).
13. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., Davis, F. D. (2003), User Acceptance of Information Technology: Toward a Unified View, MIS Quarterly, 27, 425-478.
Ngày nhận bài: 20/12/2024; Ngày phản biện: 05/02/2025; Ngày duyệt đăng: 28/02/2025 |
Bình luận