5 trọng tâm làm cơ sở để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023, diễn ra chiều nay (ngày 14/6), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho hay, ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 29). Đây là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng phát triển với những tư duy để mới, tầm nhìn mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhưng cụ thể tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).

10 nhóm giải pháp để đẩy mạnh CNH, HĐH trong giai đoạn đến năm 2030
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết 29 đã đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng là những nội dung trọng tâm làm cơ sở để đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH đất nước góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 trong tháng 6/2023

Thông tin tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29.

Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, có quy mô gồm 1 phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì vào chiều ngày 14/6.

Chuỗi 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào sáng ngày 14/6.

“Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng trên tinh thần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 29; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành theo lộ trình; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết”, Thứ trưởng cho biết.

“Dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Trong dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.

“Các nhiệm vụ, giải pháp giao cho từng cấp, từng ngành kèm theo thời hạn hoàn thành, phân định rõ ràng trách nhiệm, dễ theo dõi, giám sát và đánh giá”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ.

Ông cũng cho hay, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 đó là:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước.

Thứ ba, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường.

Thứ tư, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thứ năm, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH.

Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH, HĐH đất nước.

Thứ bảy, phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH.

Thứ tám, đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững

Thứ chín, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

Thứ mười, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội./.