2014: Năm chật vật, khó khăn với xuất khẩu chè
Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá XK chè thấp nhất thế giới
Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, tổng lượng chè XK đạt 109.630 tấn với giá trị XK đạt 186.195.392 USD, giảm 5,4% về lượng và 0,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, so với 2013, cả năm 2014 lượng chè XK sẽ sụt giảm tới 10%, trong khi giá trị XK tăng khoảng 6%.
Mặc dù kim ngạch XK giảm nhưng giá chè XK lại tăng nhẹ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với cùng kỳ năm trước, giá chè XK bình quân 9 tháng đầu năm đạt 1.693 USD/tấn, tăng 6,03%. Khối lượng chè XK sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 67,64% về khối lượng và tăng 94,40% về giá trị. Trái ngược với tình trạng đó, XK chè sang Indonesia có tốc độ giảm mạnh nhất, giảm 57,16% về khối lượng và giảm 58,28% về giá trị.
Theo ước tính của Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), tổng lượng chè XK cả năm khoảng 135.000 tấn, trị giá 235 triệu USD, giảm gần 10% về lượng nhưng tăng khoảng 6% về giá trị so với năm trước.
Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, bà Nguyễn Ánh Hồng, Tổng Thư ký Vitas đánh giá, 2014 là một năm chật vật, khó khăn với ngành chè. Các DN XK phải đối mặt với nhiều rào cản tại các thị trường, nhất là trong đáp ứng yêu cầu về an toàn chất lượng sản phẩm. Điểm “le lói” duy nhất cả năm là giá chè XK tương đối ổn định, dẫn tới giá trị XK cả năm tăng nhẹ.
Điều này là bởi năm nay lượng chè xanh có giá XK cao được xuất đi nhiều hơn. Ước cả năm, chè xanh chiếm tới 60% trong tổng lượng chè XK, tăng hơn 10% so với năm trước. Các thị trường NK chủ yếu của chè Việt vẫn là Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Pakistan, Indonesia, Malaysia…
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Mặc dù tính chung từ đầu năm đến nay, giá XK chè có tăng nhẹ nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá XK chè thấp nhất thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên chè VN gặp khó. Nhiều năm trước, đã rộ lên thông tin VN có sử dụng chè bẩn (chè trộn bùn) tại Yên Bái. Gần đây nhất, cuối tháng 9/2014, một số cơ quan truyền thông tại Đài Loan (Trung Quốc) thông tin rằng chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm dioxin tại Lâm Đồng, nên phía Đài Loan đã “ách” các lô hàng lại tại cảng, không thông quan.
Hiệp hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 2 tháng qua các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang bị “kẹt” 70 container chè thành phẩm (trị giá 140 tỉ đồng) tại cảng không thể nhập vào Đài Loan, do cơ quan chức năng sở tại không thông quan. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các vùng trồng chè nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung ở Lâm Đồng không hề bị nhiễm dioxin.
Nguyên nhân do đâu?
Thực trạng trên là bởi chất lượng chè XK Việt Nam chưa đảm bảo, nhiều sản phẩm còn chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị sản xuất, XK chè cũng là lý do quan trọng khiến giá chè XK ngày càng bị “dìm” xuống.
Việt Nam hiện có khoảng 500 cơ sở chế biến chè với những quy mô khác nhau nhưng hầu như chưa có sự liên kết nào giữa các cơ sở này để tạo ra giá bán thống nhất với các đối tác nước ngoài. Giá XK tùy thuộc vào mối quan hệ của từng đơn vị với các đối tác khiến cho giá bán ra thiếu đồng nhất và ổn định.
Hơn nữa, ngành chè vẫn tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chè không cao, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp… Tất cả những điều này khiến chè Việt XK không tìm được chỗ đứng cho mình tại các thị trường “khó tính” và thường xuyên có giá XK đì đẹt ở “top” cuối thế giới.
Mổ xẻ” câu chuyện về ngành chè VN, một số chuyên gia nhận định bản thân người trồng chè vẫn chưa có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất chè nghiêm ngặt, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc từ khâu kỹ thuật. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất đã và đang gặp khó khi xuất sang thị trường châu Âu, tạo nên ảnh hưởng không tốt từ phía nhà nhập khẩu. Nếu việc này không được cải thiện, ngành chè sẽ tiếp tục bị thui chột.
Việc quảng bá hình ảnh chè Việt sẽ vô tác dụng. Vấn đề chè bẩn cũng được cho là hệ quả của sự quản lý lỏng lẻo, thiếu liên kết, trong khi doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè vốn dĩ đã quá nhỏ lẻ, làm ăn chụp giật khi liên tục tranh giành một cách tàn khốc vùng nguyên liệu đang thiếu (công suất chế biến chè hiện đã vượt quá nguồn nguyên liệu tới... 2,5 lần).
Bên cạnh đó, bản thân thị trường nội địa cũng không mấy mặn mà với việc tiêu thụ sản phẩm chè. Nếu bán được chè trong nước, doanh nghiệp không việc gì mất công đi XK. Thói quen uống chè của người Việt Nam hầu như chỉ rơi vào một bộ phận đặc thù, không phải là số đông. Lượng chè tiêu thụ nội địa chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn. Doanh nghiệp chè Việt, vì thế buộc phải “bơi” giữa biển mênh mông và cứ thế tiếp tục cuộc cạnh tranh không cân sức mà không biết lúc nào sẽ dừng lại?
Cứu cánh cho ngành chè
Để cải thiện tình trạng nói trên, ngày 17/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức tổ chức Lễ ra mắt Ban chỉ đạo phát triển chè bền vững, với các thành viên là đại diện từ nhiều đơn vị, bộ ngành khác nhau như Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vitas…
Bà Nguyễn Ánh Hồng đánh giá, thành lập Ban chỉ đạo là một trong những giải pháp quan trọng tháo gỡ khúc mắc cho ngành chè. Ban chỉ đạo có sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành liên quan nên sẽ có sự chỉ đạo sâu sát, rõ rệt hơn tới mọi hoạt động. Đặc biệt, Ban chỉ đạo sẽ làm cho công tác kết nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan địa phương, nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện được thuận lợi, thông suốt.
“Hầu hết doanh nghiệp trong ngành chè đều đang chờ đợi xem Ban chỉ đạo sẽ triển khai mọi việc như thế nào. Về lâu dài, nếu hoạt động theo đúng định hướng, mục tiêu đặt ra, Ban chỉ đạo sẽ dần giúp ngành sản xuất chè Việt Nam đi vào quy củ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị XK chè trên thị trường thế giới”, bà Hồng nói.
Trả lời báo giới, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đồng thời là Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển chè bền vững cho biết, từ nay đến năm 2020, ngành chè dự kiến duy trì khoảng 140.000 ha đồng thời quy hoạch phát triển vùng chè an toàn tại các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Yên Bái và triển khai VietGAP để nâng cao chất lượng chè nhằm tăng năng suất cũng như chất lượng chè phục vụ nhu cầu tiêu thu trong nước và XK.
Trước mắt, Ban chỉ đạo sẽ tập trung rà soát công tác cơ cấu giống chè trên cả nước để các địa phương có định hướng phát triển; tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng dự án phát triển giống chè đến năm 2020, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng chè; đánh giá lại các mô hình phát triển chè bền vững, nhất là tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng sẽ đề xuất các địa phương điều chỉnh lại quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến và rà soát chặt các cơ sở chế biến đảm bảo tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp chế biến ký kết hợp đồng với nông dân trồng chè./.
Bình luận