41% doanh nghiệp gặp phiền hà với thủ tục thuế
Doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về thuế dễ dàng hơn
Theo Báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2016, 78% doanh nghiệp đánh giá dễ tiếp cận các văn bản của Trung ương về thuế; 77% đối với các văn bản, công văn của Bộ Tài chính hay Tổng Cục Thuế; 72% đối với văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thấp nhất là các văn bản của cấp tỉnh, khi chỉ có 62% doanh nghiệp được hỏi cho biết dễ tiếp cận với loại văn bản này.
Theo báo cáo, những phương thức tìm hiểu thông tin chính sách, pháp luật thuế được doanh nghiệp đánh giá cao, như: tham gia tập huấn, tham gia đối thoại và truy cập trang thông tin điện tử của cơ quan thuế, lần lượt có 92% và 93% doanh nghiệp hài lòng. Bản thân những phương thức truyền thống, như: gửi công văn, gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại cũng được doanh nghiệp sử dụng và đánh giá tích cực, như gọi điện thoại (81%), trực tiếp tới gặp và gửi công văn (86%).
So với năm 2014, doanh nghiệp đã tiếp cận thông tin về thuế dễ dàng hơn |
So với kết quả điều tra năm 2014, mức độ hài lòng về phương thức tìm hiểu thông tin năm 2016 đã có những chuyển biến đáng lưu ý.
Cụ thể, với phương thức trực tiếp tới gặp hay gọi điện hoặc gửi công văn, khảo sát năm 2014 chỉ lần lượt có 75%, 72% và 67% doanh nghiệp hài lòng. Với những phương thức truy cập trang website, tham dự đối thoại, tham gia tập huấn, tỷ lệ hài lòng lần lượt là 79%, 77% và 78%.
Điều này có thể cho thấy, chất lượng thông tin qua các phương thức cung cấp thông tin khác nhau của của cơ quan thuế đã có những cải thiện được doanh nghiệp ghi nhận.
Báo cáo cũng cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp hài lòng với những thông tin quy định thuế và thủ tục hành chính thuế mà họ đã tiếp cận.
Cụ thể, 87% doanh nghiệp đánh giá “thông tin về thủ tục thuế sẵn có, dễ tìm” và “thông tin doanh nghiệp được cơ quan thuế cung cấp là thống nhất”. 77% doanh nghiệp đánh giá cơ quan thuế cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời và 70% cho biết các thông tin về thủ tục hành chính thuế đơn giản, dễ hiểu. Cũng theo kết quả khảo sát năm 2016, 85% doanh nghiệp đánh giá các biểu mẫu thủ tục hành chính là dễ điền.
Điểm tích cực là, tỷ lệ gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về pháp luật thuế giảm khi quy mô doanh thu của doanh nghiệp gia tăng. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp quy mô lớn thường có chất lượng quản trị doanh nghiệp nói chung, cũng như quản trị tài chính tốt hơn và có bộ phận chuyên trách về thuế, do vậy họ ít gặp vướng mắc hơn. Với những doanh nghiệp có doanh thu càng nhỏ, tỷ lệ gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin chính sách pháp luật thuế càng tăng.
Song, vẫn còn 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục thuế
Báo cáo khảo sát năm 2016 cho thấy, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế của năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2014, song vẫn có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục thuế.
Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, 53%, kế đến là các doanh nghiệp dân doanh, với tỷ lệ 41% và các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 30%.
Xét theo quy mô doanh thu, có thể thấy xu hướng là các doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng cao, tỷ lệ gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục thuế càng cao.
Cụ thể, nếu như 39% các doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 1 tỷ cho biết có gặp phiền hà khi thực hiện thủ tục thuế, thì với các nhóm doanh nghiệp có doanh thu 1-10 tỷ, 10-20 tỷ, con số này là 42%. Ngoại trừ nhóm doanh nghiệp có doanh thu 50-100 tỷ có 40% cho biết gặp phiền hà, thì có tới 49% doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ cho biết họ có gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục thuế.
Điều gây nhiều phiền hà nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế là biểu mẫu hay thay đổi (63%), thời gian giải quyết thủ tục quá dài (33%) và doanh nghiệp thường bị yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ (33%). Ngoài ra, việc cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, tận tình cũng là một trong những yếu tố tăng thêm phiền hà cho doanh nghiệp.
Báo cáo cũng cho thấy có tới 53% doanh nghiệp từng tiếp đón đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trong 1 năm trở lại đây, gần tương tự kết quả khảo sát năm 2014 (52%).
Điều đáng chú ý là, doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng lớn, thì tỷ lệ bị thanh kiểm tra thuế càng cao. Cụ thể, trong khi chỉ 32% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng cho biết có bị thanh kiểm tra thuế, thì với những doanh nghiệp có doanh thu từ 1-10 tỷ đồng, tỷ lệ bị thanh kiểm tra thuế lên tới 53%. Với nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ, 74% cho biết có tiếp đón đoàn thanh kiểm tra thuế trong vòng 1 năm trở lại đây.
Trong số các doanh nghiệp bị thanh kiểm tra thuế, có 80% bị thanh kiểm tra bởi chỉ cơ quan thuế, 9% cho biết có tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra không phải là cơ quan thuế, song cũng thanh kiểm tra thuế doanh nghiệp, như: công an kinh tế, kiểm toán, thanh tra tỉnh, quản lý thị trường, sở tài nguyên môi trường… Bên cạnh đó, cũng có 11% vừa phải tiếp cơ quan thuế, vừa phải tiếp cơ quan khác thanh kiểm tra thuế doanh nghiệp.
Báo cáo cũng cho thấy, vẫn còn 36% doanh nghiệp cho biết cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh, kiểm tra thuế của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp (năm 2014 là 32%). 34% doanh nghiệp thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thanh kiểm tra thuế (năm 2014 là 26%). Cũng có 24% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp (năm 2014 là 26%) và 21% đánh giá niên độ thanh kiểm tra chồng chéo trùng lặp.
Về chi phí không chính thức, có 34% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức, tăng so với năm 2014 (năm 2014 là 32%).
Đặc biệt, càng những doanh nghiệp mới thành lập, tỷ lệ gặp phải hiện tượng chi trả chi phí không chính thức càng cao. Cụ thể, nếu như chỉ 18% các doanh nghiệp thành lập trước năm 1990 quan sát thấy hiện tượng này, thì với những doanh nghiệp thành lập từ 2010 trở lại đây, có tới 36% cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế.
Vậy nếu không chi chi phí không chính thức, doanh nghiệp liệu có bị phân biệt đối xử không? Báo cáo cho thấy, có 39% doanh nghiệp cho biết là có, giảm nhẹ so với tỷ lệ 40% của khảo sát năm 2014. Điều này cho thấy việc thay đổi nhận thức và hành vi của doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất nhiều chông gai./.
Bình luận