Trả lời câu hỏi “tại sao như vậy”, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 nguyên nhân chính tại sao sếp không nên can thiệp quá nhiều vào công việc của cấp dưới.

Để nhân viên thể hiện khả năng

Có thể giai đoạn đầu, công việc sẽ chưa trôi chảy và nhân viên sẽ gặp khó khăn khi không có kinh nghiệm xử lý. Nếu nhiệm vụ không quá gấp gáp và nghiêm trọng, bạn tốt nhất nên để nhân viên của mình tự giải quyết bằng khả năng và thực lực của chính họ. Nếu bạn liên tục can thiệp, không những khiến tình hình càng trở nên rắc rối mà còn đưa nhân viên vào trạng thái thụ động cũng như bạn sẽ không nắm rõ được năng lực của nhân viên đến đâu khi gặp sự cố ngoài ý muốn.

Bày tỏ sự tin tưởng

Nguyên nhân này bắt nguồn từ điều đầu tiên, khi bạn tạo cơ hội để nhân viên đương đầu với thử thách trong công việc hay để nhân viên xử lý sự cố, điều này sẽ giúp họ có thêm kinh nghiệm trong quá trình cọ xát thực tế. Mặt khác,để nhân viên tự giải quyết vấn đề bằng chính kỹ năng ra quyết định, thực lực của họ sẽ giúp nâng cao sự tự tin vì có cảm giác được sếp tin cậy.

Can thiệp quá sâu dễ dẫn đến áp đặt

Tiêu cực rất dễ xảy ra khi cấp trên liên tục xét nét từng tác vụ mà nhân viên thực hiện, từ đó kiểm tra gắt gao và không ngừng yêu cầu nhân viên phải sửa theo ý mình. Điều này vô cùng nhạy cảm khi lâu dần, nhân viên sẽ có cảm giác như đang bị sếp áp đặt công việc và tiểu tiết một cách cực đoan khi sếp luôn muốn kiểm soát mọi thứ bằng quan điểm bảo thủ. Hành động này không những khiến mối quan hệ công việc giữa sếp và nhân viên trở nên xấu đi do bất đồng trong suy nghĩ mà còn ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên khi không được làm việc độc lập theo suy nghĩ và ý tưởng của bản thân. Từ đó làm hiệu quả công việc đi xuống, không đảm bảo tiến trình chung của cả tập thể, doanh nghiệp.

Thể hiện đúng vai trò của cấp trên

Bạn đừng quên rằng vai trò của một vị cấp trên là giao phó, phân bổ công việc đến các bộ phận mình phụ trách và sau đó nghiệm thu đánh giá kết quả chứ không phải là túc trực để can thiệp vào hoạt động độc lập của nhân viên.Điều này chứng tỏ bạn là một người khá cầu toàn khi luôn muốn dùng sự ảnh hưởng của bản thân để đảm bảo sự an toàn cho dự án, chiến lược. Rõ ràng đây không phải là một thói quen phù hợp trong thời kỳ hiện đại khi mà tính chuyên môn hóa ngày càng thể hiện rõ.Nếu tiếp tục giữ thói quen này không những làm bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp khi không hiểu rõ vai trò của một người quản lý mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong mắt nhân viên.

Dành thời gian tập trung cho công việc của mình

Cuối cùng và không kém phần quan trọng đó chính là đừng nên quá ôm đồm công việc không cần thiết mà bỏ bê nhiệm vụ của mình. Rõ ràng những vị sếp luôn bận rộn và có nhiều tác vụ cần phải được giải quyết, do đó việc bạn can thiệp quá sâu vào công việc đáng ra mà nhân viên phải làm sẽ khiến bạn tiêu tốn thời gian và năng lượng, không thể hoàn thành những khâu quan trọng bậc nhất quyết định tính thành công của dự án, chiến dịch mà đáng lẽ đây mới là điều bạn cần làm.