Sáng 04/04/2017, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 đã được chính thức công bố.

54% người dân phải hối lộ mới xin được việc trong cơ quan nhà nước

Theo kết quả PAPI 2016, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương không có chuyển biến đáng kể. Đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng vào nhà nước ngày càng trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.

Tỷ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng lên trong năm 2016.

Bên cạnh đó, khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỷ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011. Tỷ lệ người dân cho rằng cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng.

Đơn cử tại Thái Nguyên, 85% người được hỏi cho biết phải lót tay mới xin được việc làm trong khu vực công, tại Bình Dương, gần 80% phụ huynh cho biết phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn...

Tham nhũng vẫn là vấn đề đáng quan ngại tại Việt Nam

Trong khi tình trạng vòi vĩnh khu vực công ngày càng phổ biến, thì quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng của cán bộ nhà nước lại “ổn định” ở mức thấp. Chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác, tỉ lệ này bằng 0% ở hầu hết các tỉnh, thành.

Riêng ở Quảng Ngãi, hầu hết những người đã bị vòi vĩnh cho biết họ đã tố giác hành vi đó của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên kết quả phân tích sâu câu hỏi tại sao người bị vòi vĩnh không tố giác cho thấy, 48,2% số người đã bị vòi vĩnh đưa hối lộ cho rằng có tố giác cũng không đem lại kết quả gì, 17,4% lo ngại bị trù úm, 10,1% cho rằng thủ tục tố giác quá rườm rà, 9,6% cho biết họ không biết tố giác thế nào.

Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25,6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (23,7 triệu đồng). Tại Tiền Giang, người dân cho biết họ chỉ tố giác nếu số tiền lên tới 50 triệu đồng.

Nhận định về vấn đề này,nhóm nghiên cứu PAPI vẫn cho rằng, những quyết tâm gần đây của bộ máy nhà nước trong việc giảm thiểu tinh trạng vị thân, chú trọng phát hiện những trường hợp tuyển vào bộ máy nhà nước bằng quan hệ cá nhân có thể là điểm sáng hi vọng trong thời gian tới.

Theo đó, trước mắt, để rằng cường hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, các cấp chính quyền cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương được đánh giá cao hơn trong việc đảm bảo công bằng tuyển dụng công chức.

Hà Nội thuộc nhóm tỉnh/thành phố điểm số thấp

Trong số 16 địa phương đạt điểm đánh giá cao nhất của PAPI năm 2016 không có tên của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không những vậy còn nằm trong nhóm tỉnh/thành phố có điểm thấp của cả nước. Trong khi đây là những địa phương có điều kiện phát triển thuận lợi và là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Theo PAPI 2016, trong số 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất có 8 địa phương khu vực Đông Bắc bộ (gồm Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Binh); 5 địa phương duyên hải miền Trung (gồm Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Định), và 3 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Cần Thơ, Bến Tre và Đồng Tháp).

Đáng lưu ý là các tỉnh/thành phố Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất qua 06 năm liên tiếp, từ 2011 đến 2016.

Trong đó, các tỉnh trong nhóm điểm thấp nhất tập trung phần lớn ở khu vực miền núi phía Bắc và phía Nam. Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu có tên trong nhóm đạt điểm thấp nhất cùng với Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Kiên Giang.

Đặc biệt, Lai Châu vẫn đứng trong nhóm này từ 2011 đến 2016. Song không phải địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội không thuận lợi nào cũng đứng trong nhóm điểm thấp nhất.

Năm 2016, Hà Nội có tên trong nhóm có điểm số thấp cùng với Khánh Hòa, Quảng Ninh và Bình Dương, trong khi đây là những địa phương có điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Đối với Bình Dương, 2016 là năm thứ hai liên tiếp người dân địa phương đánh giá chưa cao về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước.

Phát biểu tại lễ công bố, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng, với dữ liệu PAPI năm 2016 và 5 năm tới, Chính phủ có thêm nguồn thông tin tham khảo để theo dõi và đánh giá những nỗ lực hiện nay trong việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân”./.

Báo cáo PAPI 2016 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.063 người dân về hiệu quả của quá trình tương tác với các cấp chính quyền nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trong một năm qua, từ đó các cấp chính quyền có thể nắm bắt được phần nào kỳ vọng của người dân đối với nền quản trị và hành chính công của đất nước. Đây là báo cáo thường niên thứ sáu kể từ khi khảo sát PAPI được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011.