7 khía cạnh của tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau, di sản tinh thần vô giá là Tư tưởng Hồ Chí Minh - một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong đó, tư tưởng đổi mới sáng tạo là bộ phận cơ bản cấu thành của tư tưởng Hồ Chí Minh, là giá trị bao trùm các quan điểm toàn diện sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Do đó học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trước hết cần học tập và làm theo tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh.
Tư tưởng đổi mới sáng tạo trên hành trình tìm đường cứu nước
Tư tưởng đổi mới sáng tạo được hình thành rất sớm khi Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đổi mới trong lựa chọn con đường cứu nước, cứu dân với hướng đi mới, phương pháp tiếp cận mới, phương thức hành động mới. Dù rất khâm phục tấm lòng yêu nước thương dân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám nhưng Người không tán thành con đường Đông Du, cải lương, bạo động… của các bậc sĩ phu đáng kính mà quyết định đi sang phương Tây, đến Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu, châu Phi để tìm hiểu bản chất của Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa thực dân, Chủ nghĩa đế quốc, tìm hiểu các cuộc cách mạng ở các nước… rồi "về giúp đồng bào mình".
Bước ngoặt lịch sử trong tiến trình vận động và phát triển Tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh là khi Nguyễn Ái Quốc trực tiếp nghiên cứu Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (1920). Sau cuộc gặp gỡ lịch sử này, Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước trở thành Người Cộng sản. Từ đây tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh gắn chặt với quá trình tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới, nhất là Cách mạng tháng mười Nga, tìm ra "Đường cách mệnh" nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, gắn chặt độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội.
Thể hiện đặc biệt quan trọng trong tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh là Người đã phát hiện ra quy luật ra đời của Đảng Cộng sản trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đó là: Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp không chỉ chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân mà còn với phong trào yêu nước của dân tộc. Nét độc đáo trong tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh thể hiện trong việc Người tổ chức ra Hội Thanh niên cách mạng đồng chí, tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước tiêu biểu. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình trực tiếp huấn luyện giáo dục đồng thời gửi nhóm nòng cốt trong Hội Thanh niên cách mạng đồng chí sang đào tạo tại Liên Xô. Các thành viên của Hội sau khi được huấn luyện, đào tạo sẽ về nước đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền "Đường cách mạng", thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào yêu nước. Hội Thanh niên cách mạng đồng chí ra tờ báo "Thanh niên", cơ quan ngôn luận và đấu tranh, với nhiệm vụ cơ bản là tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí. Số đầu Báo Thanh niên xuất bản ngày 21/06/1925, và xuất bản đều đặn hằng tuần. Sau gần 90 số, Báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, tuyên truyền "Đường cách mệnh", kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận chính trị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930.
Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí - sản phẩm của tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh - đã hoàn thành sứ mệnh là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo.
Thông qua các văn kiện lịch sử này, tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh trong "Đường cách mệnh" đã được cụ thể hóa và chính thức trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đó là làm "Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản".[1]
Tư tưởng đổi mới sáng tạo trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với xu hướng, tính chất của thời đại mới được mở ra sau thắng lợi của Cách mạng tháng mười Nga vĩ đại, sát hợp với thực tiễn và đáp ứng khát vọng độc lập tự do của nhân dân ta nên đã chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Từ năm 1930, lịch sử cách mạng Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mang lại độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Trong thời kỳ 1930 -1945, thực hiện cuộc cách mạng tư sản dân quyền đánh đổ đế quốc, phong trào giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh đã được thể hiện nổi bật trong những quyết định lịch sử của Hội nghị Trung ương 8 khóa I ngày 5/8/1941 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba khắp thế giới về nước triệu tập và trực tiếp lãnh đạo Hội nghị. Tại Hội nghị này, Ban chấp hành Trung ương đề ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử: Tạm thời rút khẩu hiệu phản phong, tập trung cho mục tiêu đánh đổ đế quốc giành độc lập. Thành lập mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh: "Thực hiện chủ trương liên hợp hết thầy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn. Việt Minh chủ trương tập hợp hết thảy mọi tinh thần độc lập chân chính của giống nòi kết thành một khối cách mạng vô địch, đặng đập tan xiềng xích của Nhật, Pháp, quét sạch mưu mô xảo trá của một nhóm Việt gian phản quốc... Coi quyền lợi của dân tộc cao hơn hết thảy. Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập''.[2] Ra chủ trương củng cố lực lượng vũ trang khởi nghĩa Bắc Sơn, xây dựng và phát triển các tiểu tổ du kích, các đội tự vệ, cứu quốc quân.
Ở các đơn vị cơ sở trong cả nước, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 còn đề ra chủ trương tăng cường xây dựng củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đạt mục đích yêu cầu thời kỳ này là: "Làm cho Đảng xứng đáng là đội tiên phong có tổ chức của giai cấp vô sản. Làm cho Đảng thành một đảng thật quần chúng, có cơ sở vững vàng trong quần chúng. Thực hiện sự thống nhất toàn Đảng. Thực hiện và tăng cường sự cố kết cách mệnh của các đảng viên. Đoàn kết được hết thảy các lực lượng phản đế, chỉ huy các lực lượng ấy trong cuộc đấu tranh giải phóng sắp tới"[3].
Thông qua việc thực hiện chủ trương này theo "phương châm tổ chức của Đảng ta lúc này là Rộng rãi, Thực tế và Khoa học"[4], năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp và của đội ngũ cán bộ đảng viên đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1945, toàn Đảng có 5.000 Đảng viên, hơn một nửa còn trong nhà tù của đế quốc Pháp, nhưng Đảng ta vẫn lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi.
Tư tưởng đối mới sáng tạo trong kháng chiến, kiến quốc
Trong giai đoạn 1945-1954, tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh được thể hiện: Nổi bật trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp khởi thảo. Bản Tuyên ngôn đã lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, với đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kết thúc vĩnh viễn chế độ phong kiến ở Việt Nam; khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam và ý chí đanh thép của toàn thể nhân dân Việt Nam "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập".
Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh tiếp tục được thể hiện sâu sắc trong một loạt chủ trương: Tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; phát động phong trào bình dân học vụ để xóa "giặc dốt" và phát động phong trào tăng gia, tiết kiệm, hũ gạo cứu đói để chống "giặc đói"; tổ chức Tuần lễ Vàng để động viên toàn dân xây dựng nền tài chính quốc gia; tiến hành đàm phán với Chính phủ Pháp để ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước 14/09/1946 nhằm tranh thủ thời gian hòa bình mà nỗ lực xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh được kết tinh trong Đường lối Kháng chiến trường kỳ, trong đường lối kiến quốc, trong vừa kháng chiến vừa kiến quốc, trong chủ trương đẩy mạnh đánh địch trên các mặt trận, đến Chiến dịch Tây Bắc 1953-1954 thì đồng thời tiến hành mặt trận ngoại giao tại Geneva… Phương châm chiến lược toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến đã tạo ra sức mạnh tổng hợp của Việt Nam chiến thắng thực dân Pháp xâm lược.
Tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh đã phát triển đến một đỉnh cao mới được kết tinh trong đường lối xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đường lối cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và đường lối Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ tìm hiểu quá trình vận động phát triển của tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng của Người, chúng ta cần tập trung tìm hiểu tư tương đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh qua bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho Đảng ta, cho nhân dân ta, cho nhân dân thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ở đầu bản Di chúc, Bác đã căn dặn, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, công việc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược. Người xác định "Đây là việc cần kíp bức xúc để ổn định cuộc sống cho nhân dân" từ chiến tranh sang hoà bình. "Đây là công việc cực kỳ to lớn phức tạp và khó khăn". Người căn dặn: "Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm".
Từ đây, chúng ta nhận thức được rằng trong hòa bình xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân phải là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện, tiền đề của đổi mới, là trọng trách của Đảng ta trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên Người căn dặn công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đảng, Đảng phải tự xây dựng và chỉnh đốn mình. Lời dặn đầu tiên về Đảng là giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng từ Trung ương tới chi bộ. Người chỉ rõ mục đích của chỉnh đốn Đảng là "làm cho mỗi Đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân". Người khẳng định: "Làm được như vậy thì dù việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi". Điều này là cực kỳ hệ trọng vì Đảng ta là Đảng lãnh đạo, là Đảng cầm quyền. Sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tùy thuộc vào năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ đây chúng ta cần nhận thức sâu sắc thước đo quan trọng hàng đầu trong đánh giá cán bộ đảng viên là toàn tâm toàn ý làm tốt những nhiệm vụ Đảng giao. Để Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, Người căn dặn cán bộ Đảng viên phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, tính tiên phong và sự gương mẫu.
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, mục tiêu lý tưởng của Đảng, của sự nghiệp cách mạng là: Mọi người đều được sống trong tự do ấm no hạnh phúc. Do đó Người căn dặn Đảng ta phải có kế hoạch, có cơ chế chính sách để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội để không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, giới phụ nữ, rất chú ý quan tâm giáo dục để số chị em tệ nạn xã hội hoàn lương. Muốn công cuộc đổi mới thành công, Người căn dặn Đảng ta phải coi trọng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng con người mới, nhất là giáo dục bồi dưỡng thanh niên là tương lai của dân tộc, là lớp kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Tuy không trực tiếp đề cập đến quan niệm đổi mới nhưng trong bản Di chúc thiêng liêng của Người, tư tưởng đổi mới sáng tạo đã thể hiện sáng rõ. Chúng ta hoàn toàn sáng tỏ quan niệm về đổi mới, công cuộc đổi mới khi Người viết: "Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới tốt tươi". Về tính chất của đổi mới, Người viết: "Cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến khổng lồ". Về sức mạnh của đổi mới, Người viết: "Với sự tham gia nhập cuộc của khối quần chúng nhân dân đông đảo". Về lực lượng lãnh đạo đổi mới, Người chỉ rõ trọng trách tập hợp nhân dân phát huy vai trò của nhân dân thuộc về Đảng bằng công tác giáo dục, công tác tổ chức. Đảng phải ra sức dựa vào dân, giữ mối liên hệ mật thiết với dân. Về phương thức lãnh đạo phát huy sức mạnh của nhân dân, Người khẳng định: "Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân".
7 khía cạnh của tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh
Nhìn lại tiến trình hình thành, phát triển của tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh từ khi Người ra đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân đến trước khi Người đi xa vào thế giới của những người hiền, chúng ta có thể nhận thức sáng tỏ hệ giá trị đổi mới sáng tạo là giá trị bao trùm, linh hồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện trên những khía cạnh sau:
- Thứ nhất: Quan niệm về đổi mới: là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Do vậy, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Công cuộc đổi mới "là cuộc chiến đấu chống lại những cái gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi".[5]
- Thứ hai: Mục tiêu của đổi mới: Đổi mới phải vì nước vì dân, ích nước, lợi nhà: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".[6]
- Thứ ba: Tính chất của đổi mới
+ Tính tất yếu của đổi mới: Đổi mới phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn. Kết quả đổi mới phải đấp ứng được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
+ Đổi mới là một quá trình, một sự nghiệp lâu dài, một cuộc đấu tranh phức tạp, khó khăn, gian khổ đỏi hỏi phải kiên định, kiên trì, kiên quyết tiến hành đổi mới không ngừng.
+ Tính chất cách mạng và khoa học của đổi mới: Phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Nhận thức đúng bản chất của vấn đề. Có ý chí có năng lực để thay cũ đổi mới.
- Thứ tư: Nguyên tắc, phương châm, phương pháp đổi mới: Tư duy đổi mới, hành động đổi mới, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Thực tiễn là thước đo hiệu quả một chủ trương đổi mới, một chính sách, một cơ chế đổi mới, một tổ chức đổi mới. Công cuộc đổi mới phải tiến hành toàn diện và đồng bộ. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới đồng bộ toàn diện cả chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại…
- Thứ năm: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới theo quy luật phủ định biện chứng, kế thừa và phát triển.
+ Có những quan niệm cũ trước đây là đúng nhưng nay đã trở lên lạc hậu, lỗi thời, cản trở phát triển ta dứt khoát thay đổi.
+ Có những quan niệm cũ, quan niệm sai làm sai, ta phải sửa sai, nhận thức lại cho đúng và làm đúng.
+ Có cái cũ tốt nay có phần không phù hợp, ta kế thừa những giá trị tốt, loại bỏ phần lạc hậu lỗi thời.
+ Cái mới khi mới xuất hiện có khi không được nhiều người công nhận, nhưng ta nhận thức cái mới ra đời có xu hướng phát triển tốt, ta phải bảo vệ, tạo các điều kiện cần thiết cho cái mới phát triển và nhân rộng.
- Thứ sáu: Sức mạnh của đổi mới là nhân dân: Cách mạng, sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp của nhân dân.
- Thứ bảy: Đảng là người lãnh đạo công cuộc đổi mới, do đó trước hết Đảng phải tự đổi mới và chỉnh đốn để Đảng vững mạnh cả chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Phải không ngừng tự đổi mới để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhằm xây dựng đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, động viên, giáo dục và tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN.
PGS.TS Đào Duy Quát,
Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực
Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương
[1] Văn kiện Đảng toàn tập. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Tập 2. Trang 2.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Tập 7. Trang 461.
[3] Văn kiện Đảng toàn tập. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Tập 7. Trang 206.
4 Văn kiện Đảng toàn tập. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Tập 7. Trang 207.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB chính trị quốc gia sự thật Hà Nội 2011. Tập 15. Trang 61.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB chính trị quốc gia sự thật Hà Nội 2011. Tập 4. Trang 65.
Bình luận