Nguyễn Thị Hoàng Yến

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tuệ Đức

Tóm tắt

Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về khái niệm AI, đánh giá hiện trạng ứng dụng AI trong công tác kế toán của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất giải pháp tích hợp AI vào quy trình kế toán nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình kế toán.

Từ khóa: trí tuệ nhân tạo, kế toán, doanh nghiệp Việt Nam

Summary

The paper provides an overview of the concept of AI, assessing the current status of AI application in accounting in Vietnamese enterprises. The obtained findings are the basis for proposing solutions to integrate AI into the accounting so that enterprises can optimize accounting process.

Keywords: artificial intelligence, accounting, Vietnamese enterprises

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lĩnh vực kế toán, việc áp dụng AI không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng công việc lặp lại, mà còn đem lại hiệu suất cao hơn thông qua khả năng phân tích và dự đoán dữ liệu. Cụ thể, AI có thể tự động thực hiện các nhiệm vụ như nhận dạng và phân loại hóa đơn, theo dõi chi phí và thu chi, giảm thiểu sai sót và tăng tính chính xác trong quá trình kế toán. Một ưu điểm lớn của AI là khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác. Xuất phát từ thực tế trên cũng như nhận thức được tầm quan trọng to lớn của AI, tác giả quyết định nghiên cứu việc áp dụng AI trong công tác kế toán tại Việt Nam.

ĐỊNH NGHĨA AI

Theo Phạm Huy Hùng (2023), AI là một lĩnh vực khoa học máy tính nhằm phát triển các thuật toán và hệ thống máy tính có khả năng thực hiện các nhiệm vụ thường yêu cầu trí thông minh của con người, chẳng hạn như: nhận thức thị giác, nhận dạng giọng nói, ra quyết định và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Các hệ thống AI này được thiết kế để nhận đầu vào từ môi trường, xử lý thông tin và thực hiện các hành động dựa trên hiểu biết của chúng về dữ liệu mà chúng nhận được, tương tự như cách con người xử lý thông tin (Vuong, 2023). Brown và O'Leary (1995) cho rằng, AI có thể được nhìn nhận từ nhiều quan điểm về trí tuệ, nghiên cứu, kinh doanh và lập trình.

AI trong kế toán là sự kết hợp và áp dụng các công nghệ và thuật toán AI để tự động hóa và cải thiện các quy trình kế toán. Các ứng dụng của AI trong kế toán bao gồm sử dụng máy học để tự động hóa các nhiệm vụ như: xử lý dữ liệu tài chính, dự đoán xu hướng kế toán và thậm chí hỗ trợ trong việc ra quyết định kế toán chiến lược.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để đánh giá một cách cụ thể và toàn diện về hiện trạng ứng dụng AI trong công tác kế toán của các doanh nghiệp tại Việt Nam, tác giả tiến hành cuộc khảo sát bằng cách gửi phiếu đến một mẫu ngẫu nhiên các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam vào tháng 02/2024. Khảo sát thu được tổng cộng 101 phiếu trả lời từ các doanh nghiệp khác nhau trên khắp cả nước. Quá trình khảo sát được thực hiện với mục tiêu tìm hiểu sâu hơn về cách mà các doanh nghiệp hiện đang sử dụng và áp dụng AI trong quy trình kế toán của họ.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát được lựa chọn một cách đa dạng, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, trung bình và nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất, dịch vụ, tài chính, và thương mại. Điều này giúp tăng tính đại diện cho mẫu và đảm bảo rằng kết quả khảo sát phản ánh một cách đúng đắn thực tế đa dạng của thị trường kinh doanh tại Việt Nam.

THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG AI TRONG CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI VIỆT NAM

Bảng 1 chi thấy, trong mẫu dữ liệu được phân tích, số lượng kế toán viên chiếm tỷ lệ lớn nhất, đạt 75,2%. Trong khi đó, tỷ lệ giám đốc tài chính và kế toán trưởng là tương đối nhỏ, lần lượt chiếm 8,9% và 15,8% tổng số mẫu được phân tích.

Bảng 1: Chức vụ

Tần suất

Tỷ lệ (%)

Giám đốc tài chính

9

8,9

Kế toán trưởng

16

15,8

Kế toán

76

75,2

Tổng

101

100,0

Nguồn: Tác giả khảo sát

Trong mẫu dữ liệu nghiên cứu (Bảng 2), doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn nhất (77,2%), còn lại là doanh nghiệp lớn (22,8%).

Bảng 2: Quy mô doanh nghiệp

Tần suất

Tỷ lệ (%)

Doanh nghiệp lớn

23

22,8

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

78

77,2

Tổng

101

100,0

Nguồn: Tác giả khảo sát

Bảng 3 minh họa về tỷ lệ sử dụng các công cụ kế toán trong doanh nghiệp. Có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng phần mềm kế toán như là công cụ chính cho quá trình kế toán của họ, chiếm tỷ lệ 70,3%. Điều này thể hiện sự chuyển đổi từ các phương pháp kế toán truyền thống sang áp dụng của công nghệ thông tin và phần mềm chuyên ngành để tăng cường hiệu suất và độ chính xác.

Công cụ kế toán truyền thống vẫn còn tồn tại, với tỷ lệ sử dụng là 19,8%, nhưng thấp hơn rõ rệt so với phần mềm kế toán. Như vậy, vẫn còn sự chậm trễ trong việc chuyển đổi hoặc một sự kỳ vọng về tính ổn định và đáng tin cậy của các phương pháp truyền thống.

Bảng 3: Công cụ kế toán mà các doanh nghiệp đang áp dụng

Tần suất

Tỷ lệ (%)

Truyền thống

20

19,8

Phần mềm

71

70,3

Ứng dụng AI

10

9,9

Tổng

101

100,0

Nguồn: Tác giả khảo sát

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất là sự xuất hiện của công cụ kế toán sử dụng AI, với 9,9% đối tượng khảo sát sử dụng. Mặc dù tỷ lệ sử dụng công cụ kế toán AI vẫn còn thấp so với các phần mềm kế toán truyền thống, nhưng sự xuất hiện của nó có thể dự báo một xu hướng chung trong tương lai. Điều này có thể mở ra cánh cửa cho một quy trình kế toán hiệu quả hơn và các phương pháp kế toán tiên tiến hơn.

Kết quả khảo sát cũng khẳng định sự nhận thức và sự chấp nhận rộng rãi từ phía doanh nghiệp về giá trị và tiềm năng của AI trong lĩnh vực kế toán trong tương lai. Sự đồng thuận này xuất phát từ những lợi ích mà AI đem lại cho quá trình kế toán. AI có khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu một cách tự động và nhanh chóng, từ đó cung cấp thông tin chính xác và kịp thời để hỗ trợ quyết định kinh doanh. Nó cũng có thể tự động hóa các nhiệm vụ lặp lại và tốn thời gian, giúp giảm bớt công sức và thời gian của nhân viên kế toán.

Nhìn chung, doanh nghiệp đều đồng tình với việc AI là một công cụ hỗ trợ giúp công việc kế toán trở nên nhanh chóng và chính xác hơn. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của con người trong việc hiểu biết và tương tác với dữ liệu, cũng như trong việc đưa ra quyết định và phản ứng linh hoạt đối với các tình huống phức tạp trong lĩnh vực kế toán.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để đẩy mạnh ứng dụng AI trong công tác kế toán tại Việt Nam, qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:

Về phía các tổ chức nghề nghiệp kế toán tại Việt Nam

Tăng cường vai trò của các tổ chức nghề nghiệp để đảm bảo tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, đầu tư mạnh mẽ vào

việc đào tạo và phát triển nhân lực để họ có thể sử dụng công nghệ AI một cách hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu mới trong ngành. Điều này đòi hỏi một chiến lược đào tạo toàn diện, bao gồm cả khía cạnh kỹ thuật và kỹ năng mềm.

Về phía doanh nghiệp

Trước tiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về khối lượng dữ liệu và sự phức tạp của các giao dịch kế toán, các doanh nghiệp cần tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và tích hợp chặt chẽ với các hệ thống quản trị khác như ERP để tạo ra một hệ thống thông tin kế toán toàn diện và liên kết. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tự động hóa các công việc như nhập liệu, xử lý thanh toán và chuẩn bị báo cáo tài chính hàng ngày, từ đó giảm thiểu thời gian và công sức cần thiết cho các công việc lặp lại. Doanh nghiệp cũng phải thường xuyên cập nhật, lưu trữ dữ liệu tài chính và phi tài chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị; sử dụng các phần mềm kế toán đóng gói hoặc tự xây dựng để phù hợp với quy mô doanh nghiệp.

Trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, doanh nghiệp tiến tới sử dụng AI để phân tích dữ liệu và dự báo tài chính. Các thuật toán học máy cũng như quy trình mã hóa đầy đủ có thể giúp phân tích dữ liệu kế toán và tài chính, từ đó đưa ra dự báo chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong tương lai, giúp nhà quản trị ra quyết định chiến lược và kế hoạch tài chính một cách hiệu quả. Doanh nghiệp có thể tham khảo một số phần mềm là: Fast Accounting, Fresa AI, MISA Financial Management, công cụ BI (Business Intelligence) như: Power BI của Microsoft, Tableau... cung cấp các tính năng phân tích cũng như dự báo nhằm dự đoán xu hướng tài chính trong tương lai và phân tích rủi ro, cơ hội để nhà quản trị đưa ra các quyết định chiến lược và tối ưu hoá quy trình quản lý tài chính./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Betül¸ Seyma Alkan (2019), The Impact of Artificial Intelligence on Governance, Economics and Finance, 2.

2. Brown, C. E., O’Leary, D. E. (1995), What Is Artificial Intelligence (AI)?, In Introduction to Artificial Intelligence and Expert Systems.

3. Phạm Huy Hùng (2023), Ảnh hưởng của tuệ nhân tạo (AI) đến lĩnh vực kiểm toán, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 4/2023.

4. Ukpong, E. G., Udoh, I. I., Essien, I. T. (2019), Artificial Intelligence: Opportunities, Issues and Applications in Banking, Accounting, and Auditing in Nigeria, Asian Journal of Economics, Business and Accounting, 10, 1-6.

5. Vuong, Q. H. (2023), Mindsponge Theory, Walter de Gruyter GmbH.

Ngày nhận bài: 07/5/2024; Ngày phản biện: 25/5/2024; Ngày duyệt đăng: 31/5/2024