Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam sản xuất thực phẩm sạch
Thông này được ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định tại Diễn đàn An toàn thực phẩm Việt Nam – Australia 2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, tổ chức ngày 11/11, tại Hà Nội.
Vẫn “nóng” vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, xác định an toàn thực phẩm là yêu cầu của 90 triệu người dân Việt Nam và hàng trăm triệu người trên thế giới, những năm qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục là vấn đề “nóng” trên các nghị trường và phương tiện thông tin đại chúng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và uy tín sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cũng cho rằng: việc buôn bán, sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn triệt để; việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, chất bảo quản trong thịt gia súc vẫn còn ở mức cao, gây bất an cho người tiêu dùng.
“Người Việt Nam hiện không chỉ đòi hỏi nhu cầu thực phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn đối với các mặt hàng thực phẩm trong nước, mà còn cần đến các sản phẩm sạch nhập khẩu từ nước ngoài. Ngược lại, việc xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam qua các nước cũng sẽ phải đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm,” ông Tiệp nói.
Cần giải pháp triệt để
Thông qua diễn đàn, ông Tiệp hy vọng các chuyên gia, nhà quản lý về an toàn thực phẩm của Australia cũng như Việt Nam sẽ có những trao đổi, nhằm nâng cao kinh nghiệm quản lý, xây dựng các mặt hàng thực phẩm sạch, đảm bảo yêu cầu thị trường quốc tế.
Để giải quyết căn bản những vấn đề nổi cộm hiện nay trong vệ sinh an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý triệt để những cá nhân, tổ chức lưu thông buôn bán và cả những người sử dụng chất cấm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2016.
“Chúng ta phải xử lý một cách triệt để, tận gốc vấn đề, để không trở lại việc tồn dư chất cấm, nhằm đảm đảm bảo mức an toàn thực phẩm được nâng lên, chất lượng được đảm bảo, giá thành hạ, năng lực cạnh tranh tăng cao. Làm được vậy, ngành nông nghiệp của chúng ta mới phát triển bền vững trong hội nhập TPP” Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để hội nhập TPP chúng ta phải áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng các quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và sử dụng theo nguyên tắc đảm bảo thời gian cách ly.
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo chuỗi an toàn rất quan trọng, trong đó cần phải có các hợp tác xã, tổ hợp tác đứng ra liên kết với doanh nghiệp, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, có sự ký kết giám sát lẫn nhau.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm chứng nhận sản phẩm an toàn, truy suất nguồn gốc để người tiêu dùng an tâm. Vì một khi người tiêu dùng yên tâm để mua sản phẩm an toàn ở các địa chỉ cơ quan nhà nước chứng nhận an toàn, đây là động lực rất lớn để người sản xuất thực hiện sản xuất những sản phẩm an toàn nhiều hơn.
Về phía đối tác, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định, Australia hiện đang là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp chất lượng với các tiêu chí “xanh, sạch, an toàn”. Có hệ thống quy định về thực phẩm hiện đại, đồng bộ và minh bạch để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng bằng cách giảm thiểu những rủi ro liên quan đến thực phẩm.
“Bằng việc chuyển giao những kiến thức chuyên môn, Australia có thể sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và mang lại những lợi ích về sức khỏe, kinh tế” Đại sứ Hugh Borrowman cho biết.
Đối với các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Australia, bà Marion Healy, Phó Giám đốc Điều hành của Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Australia – New Zealand (FSANZ) khuyến cáo, các công ty của Việt Nam nên phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu của Australia để có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường Australia. Ngoài ra, các cơ quan chức năng hai bên cần có những trao đổi kỹ càng để có thể cung cấp các thông tin rõ ràng cho doanh nghiệp.
Bình luận