Bài học kinh nghiệm xây dựng thành công khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu quôc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn

Chuyển biến tích cực sau 15 năm phát triển KKT cửa khẩu

Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (KKT cửa khẩu) trải qua chặng đường 15 năm thành lập và phát triển với biết bao khó khăn và thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước về KKT và KCN trên địa bàn; cùng với đó, Ban Quản lý nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, đã giúp cho KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển KKT của khẩu, góp phần làm thay đổi diện mạo KKT cửa khẩu khang trang, hiện đại và kinh tế, xã hội trong KKT cửa khẩu nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung ngày một phát triển khởi sắc.

Về phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong KKT cửa khẩu luôn đạt mức cao và chuyển dịch theo hướng tích cực, bình quân giai đoạn 2008-2012 tăng 14%/năm, giai đoạn 2011 - 2023 tăng 7,67%/năm.

Các cấp, các ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định pháp luật và nhận thức về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết về xây dựng, phát triển KKT cửa khẩu của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã ngày càng hiệu quả, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường.

Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng ngày càng được nâng cao, đã hoàn thành 198 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và hồ sơ điều chỉnh cục bộ. Công tác giải phóng mặt bằng đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đổi mới phương thức thực hiện.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu được quan tâm đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2008-2023, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 12.200 tỷ đồng để để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu tại các khu vực cửa khẩu và TP. Lạng Sơn. Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đã làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị, góp phần xây dựng KKT cửa khẩu hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai thực hiện. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động ổn định và phát triển, đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong KKT cửa khẩu. Hoạt động kinh doanh bến bãi đỗ xe tại các khu vực cửa khẩu đã có chuyển biến rõ rệt, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được tăng cường. Các cơ quan chức năng đã chủ động nắm bắt những vấn đề phát sinh từ phía Trung Quốc và chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đề ra các giải pháp kịp thời, linh hoạt, tạo thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn... Giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được Chính phủ lựa chọn là một trong các KKT cửa khẩu trọng điểm, để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước. KKT cửa khẩu đã trở thành vùng động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Công tác quản lý môi trường, an ninh, trật tự khu vực biên giới đảm bảo sạch đẹp, an toàn, văn minh.

Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lạng Sơn với phía Quảng Tây (Trung Quốc) ngày càng được tăng cường và mở rộng về mọi mặt. Trên cơ sở những thỏa thuận hợp tác đã đạt được, các cấp, các ngành liên quan đã tích cực triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực như: Hợp tác kinh tế; mở, nâng cấp cửa khẩu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu...

Bài học kinh nghiệm xây dựng thành công khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Kiểm tra hàng hóa tại trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn

Rào cản trong quá trình triển khai KKT cửa khẩu

Trong quá trình triển khai xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KKT cửa khẩu và các KCN trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý và phát triển các KKT và KCN trên địa bàn, cụ thể:

Hiện nay các chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến các vấn đề pháp lý như: Đất đai, môi trường, lao động, quy hoạch, xây dựng… còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, các chỉ tiêu dự báo quy hoạch chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực cửa khẩu mặc dù đã được quan tâm, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Một số dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng còn gặp khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách liên quan, đến nay, chưa hoàn thành các thủ tục để triển khai thực hiện. Hệ thống bến, bãi đỗ xe còn thiếu, đặc biệt là tại các cửa khẩu trọng điểm của tỉnh như: Hữu Nghị, Tân Thanh. Trong quá trình triển khai thực hiện còn có nhiều dự án vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng, cập nhật danh mục vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; cơ chế, chính sách bồi thường còn bất cập.

Bài học kinh nghiệm xây dựng thành công khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Cột mốc biên giới cửa khẩu Bình Nghi, tỉnh Lạng Sơn

Mặt khác, phạm vi KKT cửa khẩu rộng, bao trùm cả TP. Lạng Sơn, một số xã, thị trấn của các huyện: Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Quan được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi trong KKT, trong khi nhiều khu vực cửa khẩu khác thuộc địa bàn Tỉnh nhưng ngoài phạm vi KKT cửa khẩu cần được ưu tiên phát triển nhưng không được thụ hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi của KKT cửa khẩu. Các cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư vào KKT cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu chưa có tính đặc thù, vượt trội, chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hiệu quả quảng bá hình ảnh và xúc tiến đầu tư còn thấp cũng ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu. Môi trường đầu tư chậm được cải thiện, thiếu sức hấp dẫn, suất đầu tư còn lớn so với các tỉnh lân cận.

Nguồn vốn dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng, các dự án trọng điểm còn hạn chế, đặc biệt KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 KKT cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, tuy nhiên khả năng bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư thực hiện các dự án. Kết quả huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn thấp, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, ý thức chấp hành quy định còn có mặt hạn chế.

Trong giai đoạn 2020-2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến các hoạt động thương mại biên giới, làm giảm mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu và nguồn thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cửa khẩu trong thu ngân sách nhà nước của Tỉnh. Tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng cấm, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù trong 2 năm gần đây cơ bản đã được ngăn chặn trên các đường mòn qua biên giới, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Giai đoạn trước năm 2020, tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê diễn ra liên tục, đã tác động đến tình hình an ninh trật tự trên khu vực biên giới. Mạng lưới y tế trong KKT cửa khẩu hiện nay chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Công tác kiện toàn tổ chiức bộ máy, biên chế, rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổng số biên chế công chức Ban Quản lý được giao là 24 người, với chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay dẫn đến tình trạng quá tải công việc, giảm chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, trụ sở làm việc của Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn qua 20 năm sử dụng đã xuống cấp và không đảm bảo tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP, ngày 27/12/2017 của Chính phủ.

Quy chế phối hợp quản lý nhà nước tại KKT cửa khẩu, KCN giữa Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với các sở, ban, ngành, UBND các huyện và TP. Lạng Sơn đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với KKT cửa khẩu, KCN; thiết lập và duy trì tương đối tốt mối quan hệ giữa Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tại khu vực cửa khẩu gồm nhiều lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ theo quy định riêng của ngành, lĩnh vực, nên công tác phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh tại khu vực cửa khẩu đôi khi chưa linh hoạt, kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Bài học kinh nghiệm xây dựng thành công khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Quang cảnh tại trạm kiểm soát biên phòng Phò Nhùng, tỉnh Lạng Sơn

Những bài học kinh nghiệm phát triển KKT cửa khẩu

Trong quá trình 15 năm thành lập và phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển thành công KKT cửa khẩu đó là:

Một là, nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy; quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội và đồng thuận của nhân dân, nhất là trong quá trình xây dựng định hướng phát triển KKT cửa khẩu cần coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự phản biện của tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; thường xuyên tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, gắn với việc tăng cường chủ động tuyên truyền về xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hai là, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cũng như kiến nghị với Trung ương cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với KKT cửa khẩu trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế, để vận hành và khai thác hiệu quả việc đầu tư các khu chức năng trong KKT cửa khẩu .

Ba là, cần tăng cường huy động các nguồn vốn từ việc khai thác quỹ đất, thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài Tỉnh, để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng quan trọng, cấp thiết cho KKT cửa khẩu, các khu vực cửa khẩu.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác lập, triển khai các loại quy hoạch; lựa chọn các đơn vị tư vấn lập quy hoạch bảo đảm đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện (nghiên cứu thuê chuyên gia nước ngoài) để lập các quy hoạch có chất lượng. Thực hiện nghiêm quản lý quy hoạch, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện, kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Năm là, xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu phải gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.

Bài học kinh nghiệm xây dựng thành công khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn