Kinh nghiệm thu hút FDI ở một số nước trong khu vực ASEAN+3 và giá trị tham khảo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh của Việt Nam
Từ khóa: FDI, kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư, chính quyền địa phương, cấp tỉnh
Summary
For developing countries like Vietnam, attracting foreign direct investment (FDI) is considered one of the key tasks that plays an extremely important role in supplementing capital sources for development. The article analyzes the experience of attracting FDI capital of the most successful countries in the ASEAN+3 region, namely Singapore, Indonesia, Japan, and China, to distill lessons for Vietnam's local governments in general and Thanh Hoa province in particular in investment promotion activities.
Keywords: FDI, experience, investment promotion, local government, provincial level
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đến nay, việc triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 11/9/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, đã thu được một số kết quả nhất định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2010-2021, bình quân vốn FDI thực hiện hàng năm chiếm khoảng 22%-23% vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính lũy kế đến hết năm 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Tuy nhiên, trong xu thế hướng đến tăng trưởng bền vững, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, đòi hỏi học tập kinh nghiệm nước ngoài để có tư duy hành động đúng hướng cho hiệu quả xúc tiến đầu tư thu hút FDI đạt hiệu quả cao là rất cần thiết.
KINH NGHIỆM THU HÚT FDI CỦA MỘT SỐ NƯỚC
Kinh nghiệm của Singapore
Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút FDI có chất lượng. Năm 2022, Singapore đứng thứ 8 trên toàn cầu về FDI vào và đứng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương trước các cường quốc kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc, với số điểm lần lượt là 1,2 và 0,2. Theo báo cáo của Cơ quan Xúc tiến đầu tư Singapore (EDB), 9 tháng đầu năm 2023, Singapore đã thu hút được 114,2 tỷ USD vốn FDI, tăng 20,6% so với năm 2022. Các dự án FDI của Singapore trong năm 2023 tập trung vào các lĩnh vực, như: Sản xuất chiếm 53% tổng vốn đầu tư (60,9 tỷ USD); Thương mại chiếm 24% tổng vốn đầu tư (27,8 tỷ USD); Dịch vụ chiếm 23% tổng vốn đầu tư (25,5 tỷ USD). Trong đó, 3 quốc gia có mức đầu tư FDI lớn nhất vào Singapore là: Hoa Kỳ với 34,7 tỷ USD; Trung Quốc với 23,2 tỷ USD; Nhật Bản với 12,9 tỷ USD. Sức mạnh kinh tế của Singapore nằm ở cơ chế thương mại mở, môi trường chính trị và luật pháp ổn định, chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, thuế suất cạnh tranh, môi trường quản lý minh bạch và khung pháp lý hiệu quả. Những đặc điểm nổi bật của chính sách thu hút vốn FDI của Singapore như sau:
Thứ nhất, Singapore chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư trong sạch, ổn định. Singapore không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi các luật chung, như: luật hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành. Thực hiện các thủ tục nhanh gọn và theo chế độ một cửa, đơn giản và thuận tiện, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thị trường. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gồm: hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông... đồng bộ và hiện đại và tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo lượng cung lao động được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, Singapore tạo lập được môi trường hỗ trợ, thu hút đầu tư và triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư. Cụ thể: (i) Hệ thống thuế được xem là “đơn giản và thân thiện với nhà đầu tư”, Singapore áp dụng chính sách ưu đãi rất đặc biệt, đó là: Khi kinh doanh có lợi nhuận, nhà đầu tư được tự do chuyển lợi nhuận về nước; Nhà đầu tư có quyền cư trú nhập cảnh (đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch); Nhà đầu tư nào có số vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 USD Singapore trở lên và có dự án đầu tư, thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore; (ii) Singapore quy định mức thuế doanh nghiệp cao nhất chỉ là 17%; (iii) Singapore đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (DTA) với hơn 70 quốc gia trên thế giới, qua đó giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, Singapore thực hiện chính sách thu hút vốn FDI có chọn lọc và có trọng điểm. Singapore xác định việc thu hút vốn FDI tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Theo đó, Singapore thành lập Hội đồng Phát triển Kinh tế (EDB), chuyên nghiên cứu yêu cầu của các nhà đầu tư định hướng vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Hiện nay, EDB thực hiện cách tiếp cận theo cụm để thu hút vốn FDI, tăng cường các liên kết và tác động lan tỏa của nguồn vốn.
Kinh nghiệm của Indonesia
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, năm 2022, tổng đầu tư trong nước và nước ngoài của Indonesia đạt hơn 84 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra và đã tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm mới trên khắp Indonesia. Trong đó, dòng vốn FDI vào Indonesia đạt 45,6 tỷ USD, chiếm 54,2% tổng đầu tư tại Indonesia năm 2022 và tăng 44,2% so với năm 2021 (VCCI, 2023). Như vậy, năm 2022, Indonesia là một trong những quốc gia có tốc độ tăng FDI cao nhất thế giới nhờ sự ổn định chính trị, cũng như không ngừng nỗ lực cải cách hệ thống quy định, luật pháp và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư. Theo đó, các chính sách hỗ trợ thu hút FDI hữu hiệu của Indonesia có thể kể đến như:
Một là, Indonesia triển khai linh hoạt và có hiệu quả các chính sách thuế hỗ trợ thu hút đầu tư được quy định: (i) Đối với thuế lợi tức, nếu công ty có mức lãi ròng 10 triệu Rupi trở xuống đánh thuế 15%, trên 10 triệu đến 50 triệu Rupi đánh thuế 25% và trên 50 triệu Rupi đánh thuế 35%. (ii) Indonesia có chính sách miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng được Ủy ban đầu tư phê duyệt trong danh mục quy định; Nhà đầu tư nước ngoài khi mua những mặt hàng phục vụ sản xuất mà Indonesia sản xuất sẽ được hoàn thuế nhập khẩu đã đánh vào vật liệu, nguyên liệu sản xuất ra chúng. (iii) Các khoản thu từ lãi suất cho vay, cho thuê, phí tài nguyên, phí kỹ thuật, phí quản lý bị đánh thuế 15% trên doanh thu. (iv) Indonesia cho phép mọi ngành công nghiệp, trừ các ngành trong danh mục loại trừ và trong kho ngoại quan được tiếp cận tự do thị trường nội địa.
Hai là, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, kết nối các vùng miền với nhau. Indonesia tính toán tạo sự hài hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, theo đó phân bố thu hút các dự án FDI cần sử dụng nguồn lực giá rẻ có thể sẽ trải ra đều hơn trên các địa phương do tính kết nối về cơ sở hạ tầng gia tăng. Còn các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa, thì sẽ tập trung sản xuất tại một địa phương, thay vì dàn trải nhiều địa bàn để có thể vận chuyển hàng hóa một cách thuận tiện đến mọi miền do giao thông đã thuận lợi.
Ba là, điều hành linh hoạt trong quản lý ngoại hối. Tại Indonesia doanh nghiệp nước ngoài được phép chuyển ra nước ngoài các khoản thu nhập sau thuế, vốn, chi tiền cho cá nhân, khấu hao tài sản cố định... Ngoài ra, chính phủ Indonesia từng bước hạ thấp lãi suất tiền gửi ngân hàng trung ương làm cho tiền gửi ngân hàng và lãi suất cho vay giảm xuống. Điều đó khuyến khích các doanh nghiệp hăng hái đầu tư hơn...
Kinh nghiệm của Trung quốc
Trung Quốc hiện là điểm đến đầu tư quan trọng thứ 2 trên thế giới của các nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ. Điểm nổi bật trong thu hút FDI của Trung Quốc chính là thông qua hình thức hợp đồng sản xuất liên doanh 100% vốn đầu tư nước ngoài vào các khu vực đặc biệt. Những đặc điểm nổi bật của chính sách thu hút vốn FDI của Trung Quốc có thể kể đến như:
Một là, xây dựng chính sách thuế linh hoạt theo loại hình đầu tư. Trung Quốc ban hành nhiều loại thuế riêng cho các hình thức đầu tư, như: hợp tác, liên doanh, 100% vốn nước ngoài, chính sách đặc thù cho 14 thành phố ven biển. Theo đó, công ty ở hình thức liên doanh đóng thuế lợi tức chia theo tỷ lệ 30% cho Trung ương và 10% cho địa phương; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thuế lợi tức giao động theo tỷ lệ từ 20% đến 40% cho Trung ương và cố định mức 10% cho địa phương. Trung Quốc, thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như: máy móc, thiết bị, bộ phận rời, vật liệu được đưa vào góp vốn liên doanh hoặc các máy móc, thiết bị, vật liệu cho bên nước ngoài đưa vào khai thác dầu khí, đưa vào xây dựng phát triển năng lượng, đường sắt, đường bộ, đưa vào khu chế xuất 14 thành phố ven biển; các vật liệu bộ phận rời nhập để sản xuất hàng xuất khẩu. Miễn thuế xuất khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu được sản xuất ở các khu chế xuất và 14 thành phố ven biển.
Hai là, triển khai phân cấp mạnh cho các địa phương về thẩm định dự án và cấp giấy phép đầu tư. Các dự án FDI sau khi có giấy phép đầu tư, các thủ tục liên quan đến triển khai dự án được giải quyết mau lẹ. Theo đó, các vấn đề giải phóng mặt bằng, cấp điện, nước, giao thông, môi trường được giải quyết dứt điểm. Thực hiện chính sách “một cửa” để tạo điều kiện thu hút FDI thuận lợi.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Vốn FDI thu hút vào Nhật Bản trong những năm qua có những tăng trưởng nhất định, mang tới sự phát triển công nghệ, có khả năng làm thay đổi bản chất của công việc. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong thu hút vốn FDI ở điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới gồm:
- Nhật Bản đã bãi bỏ quy định và đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm đơn xin thị thực và thủ tục nhập khẩu theo những cam kết trong các FTA thế hệ mới.
- Tự do hóa chính sách nhập cư là chìa khóa để thúc đẩy FDI vào Nhật Bản. Kể từ khi Luật Kiểm soát nhập cư và Công nhận người tị nạn sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2019, Nhật Bản đã mở rộng cửa chấp thuận cho lao động nước ngoài vào làm việc. Vốn FDI vào Nhật Bản cũng được thúc đẩy thông qua lĩnh vực du lịch.
- Để thực hiện tốt quan hệ lợi ích kinh tế trong thu hút đầu tư FDI, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập hệ thống tổ chức quản lý linh hoạt để thực hiện mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp và người lao động.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong thu hút FDI. Về phương thức giải quyết xung đột giữa doanh nghiệp và người lao động, Nhật Bản luôn ưu tiên giải pháp đối thoại, cụ thể là thông qua hình thức thương lượng tập thể.
- Thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới, Nhật Bản căn cứ các nội dung trong thỏa thuận sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU, các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hóa cho 48 thành phố lớn của Nhật Bản. Đây là lợi ích quan trọng của việc thực hiện các FTA thế hệ mới trong thu hút vốn FDI vào Nhật Bản.
GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP TỈNH CỦA VIỆT NAM VÀ TỈNH THANH HÓA NÓI RIÊNG
Bài học rút ra đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh
Xuất phát từ kinh nghiệm của Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Trung quốc trong thu hút FDI, các chính quyền địa phương cấp tỉnh của Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm quý báu như sau:
Thứ nhất, chính quyền địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù và kiện toàn môi trường đầu tư kinh doanh. Các chính sách cần hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để áp dụng có chọn lọc, cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh, như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế và chính sách. Đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi chính sách, thống nhất xuyên suốt và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
Thứ hai, đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện. Đẩy mạnh phát triển và liên kết vùng.
Thứ ba, tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý, để tăng cường sự liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung một số ngành, nghề cụ thể, nhằm thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Gia tăng giá trị sản xuất thuộc về thế mạnh điều kiện tự nhiên - xã hội của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực theo xu hướng phát triển của quốc gia.
Thứ tư, rà soát lại việc thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Theo đó, hướng đến ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ năm, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ. Việt Nam đang ưu tiên thu hút 3 nhóm dự án thuộc: lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; dự án có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; dự án thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thứ sáu,chính quyền địa phương cấp tỉnh cần lưu ý triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; cải cách hành chính, thực thi có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư hoạt động thông suốt.
Giá trị tham khảo cho tỉnh Thanh Hóa
Năm 2022, Thanh Hóa thu hút 143 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD, đang đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong lĩnh vực này. Những dự án tầm cỡ khu vực và quốc gia, đã tạo vị thế và sức hút đầu tư cho Thanh Hóa nói chung, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) nói riêng, trong hành trình thu hút thêm những dự án mới. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài những năm gần đây của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những hạn chế cơ bản khiến thu hút nguồn vốn FDI của Thanh Hóa chưa đạt mong muốn là những hạn chế về mặt bằng “sạch” với quy mô lớn để đón các dự án có nhu cầu đầu tư, sản xuất ngay. Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) tại KKTNS phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Với 8 KCN ngoài KKTNS, hiện chỉ mới có 5 KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa hoàn chỉnh. KCN Bãi Trành (Như Xuân), KCN Ngọc Lặc, KCN Thạch Quảng hiện chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng khiến doanh nghiệp nước ngoài còn e ngại khi có ý định đầu tư.
Trong giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3-6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong Top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Bên cạnh việc coi trọng các địa bàn, đối tác truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô-oét, Đài Loan, Thanh Hóa sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Nga, Hoa Kỳ, các nước châu Âu. Đồng thời, khai thác hiệu quả mối quan hệ từ các tập đoàn lớn tại các nước phát triển như: G7, G8, OECD...
Tiếp thu bài học kinh nghiệm rút ra cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, Thanh Hóa trong xu thế thu hút vốn FDI của quốc gia, để có thể gia tăng các lợi thế Tỉnh cần thiết lập cơ chế đặc thù cho việc tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” tạo điều kiện thuận lợi cho tăng thu hút đầu tư. Trong đó, bên cạnh việc lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cũng cần ưu tiên nguồn ngân sách xứng đáng để đầu tư những KCN đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với diện tích lớn./.
TS. Thái Vân Hà, ThS. Lê Quốc Anh
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, Nxb Thống kê.
3. Đỗ Thị Thu (2021), Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, truy cập từ http://mof.gov.vn/dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-va-van-de-phat-trien-kinh-te.html
4. Minh Hằng (2023), Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, truy cập từ https://baothanhhoa.vn/kkt-nghi-son/gia-tang-loi-the-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai/178775.htm
5. Ngọc Hà (2018), Kinh nghiệm thu hút FDI thế hệ mới nhìn từ Trung Quốc, truy cập từ https://enternews.vn/index.php/kinh-nghiem-thu-hut-fdi-the-he-moi-nhin-tu-trung-quoc-132855.html.
6. Tổng cục Thống kê (2022). Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022: “kỳ vọng khởi sắc”, Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/04/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-2022-ky-vong-khoi-sac-2/
7. VCCI (2023), Điều gì khiến Indonesia có thể trở thành “thế lực kinh tế mới”?, truy cập từ https://aecvcci.vn/tin-tuc-n11506/dieu-gi-khien-indonesia-co-the-tro-thanh-the-luc-kinh-te-moi.htm.
Bình luận