Ban hành 3 hình thức công bố hợp quy với thức ăn chăn nuôi truyền thống
Theo đó, trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản; hộ kinh doanh (sản xuất, mua bán, sơ chế) không phải công bố hợp quy đối với thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 3 hình thức công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống
Cụ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức công bố hợp quy đối với thức ăn truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc cho vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản để thực hiện: 1- Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; 2- Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc thừa nhận; 3- Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định.
Đối với thức ăn bổ sung, tổ chức, cá nhân tiến hành công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, việc đánh giá hợp quy phải được thực hiện theo phương thức 5 hoặc phương thức 7 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN, ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
Trường hợp, nếu cơ sở sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản còn hiệu lực thì không phải đánh giá quá trình sản xuất.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2020./.
Bình luận