Cần thay đổi tư duy để tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Nhận định trên của người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát được đưa ra tại Hội nghị “Đánh giá tình hình triển khai Tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015” tổ chức vào ngày 9/7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, đến nay, cả nước có 27 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Có 52/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu.
Hiện nay, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết đã được các địa phương chú trọng. Việc đa dạng hóa các mô hình theo chuỗi liên kết đã góp phần tạo đột phá trong gia tăng giá trị các sản phẩm chăn nuôi…
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, đến nay cả nước có 5,3 triệu con bò, tăng 2,7%; đàn bò sữa đạt 253,7 nghìn con, tăng 26,5%; đàn lợn có 27,2 triệu con, tăng 2,9%; đàn gia cầm có 327 triệu con, tăng 4,0% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất chăn nuôi 06 tháng đầu năm 2015 tăng 3,97% (06 tháng 2014 tăng 1,73%).
Tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù đạt một số kết quả bước đầu, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở một số các địa phương còn chưa đồng bộ và hiệu quả, chưa huy động được nguồn lực đủ mạnh trong quá trình thực hiện.
Cần thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để phát triển ngành chăn nuôi
Nhiều địa phương còn lúng túng chưa phân biệt nội dung và giải pháp thực hiện Đề án với các hoạt động chung, thường xuyên của ngành chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi còn mang nặng tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu Đề án tái cơ cấu.
Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu. Theo đó, phải gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với yêu cầu xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, với hệ thống giống và giết mổ chế biến gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và thu hút đầu tư khu vực tư nhân. Hơn nữa, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách phát triển chăn nuôi và cải cách mạnh thể chế, giảm tối đa các thủ tục hành chính.
Trong khi đó, theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng, trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi thì doanh nghiệp phải đi đầu, nhưng hiện nay, doanh nghiệp trong nước lại không đủ sức.
Bởi, phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay có vốn điều lệ trên dưới 5 tỷ đồng, tương đương 250 nghìn USD - con số này quá nhỏ bé với con số 100 triệu USD của một doanh nghiệp FDI đang đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương.
Bên cạnh đó, nói đến chuỗi sản xuất rất nhiều, nhưng vấn đề liên kết chuỗi như thế nào thì lại không thấy bàn đến. Ông Lịch cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu và có cơ chế để liên kết giữa các bên, phân phối lợi nhuận giữa các khâu.
Cũng theo ông Lịch, hiện nay, nhận thức của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương coi chăn nuôi vẫn không phải là ngành để đẩy mạnh xuất khẩu mà chỉ là ngành sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. Tư duy này cần phải thay đổi nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát đánh giá, Hội nghị lần này như một "Hội nghị Diên Hồng" trong lĩnh vực chăn nuôi, bởi quá trình hội nhập đã đến rất gần, trong khi ngành chăn nuôi trong nước còn rất nhiều yếu kém.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: "Tái cơ cấu ngành chăn nuôi không phải là điều chỉnh cơ cấu mà phải thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cạnh tranh cao về chất lượng và giá trị trong trong tiêu dùng và xuất khẩu".
"Theo đó, nhiệm vụ chính thời gian tới là kiên quyết, cấp bách xây dựng một ngành chăn nuôi đủ sức cạnh tranh, không chỉ là xuất khẩu mà còn đứng vững trên sân nhà. Tiêu chí tái cơ cấu ngành chăn nuôi là không chạy theo số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững", người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết./.
Bình luận