Ban hành Kế hoạch thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
Tại bản Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan; xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Về xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Thủ tướng giao :
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch;
- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
- Bộ Y tế chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế...
“Các nghị định trên được hoàn thành vào Quý III/2015”, bản Kế hoạch nêu rõ mốc thời gian.
Các bộ chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của các Bộ.
Về việc xây dựng văn bản hướng dẫn:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cũng sẽ hoàn thành hướng dẫn thực hiện nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể: Giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
- Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng hướng dẫn về thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý; hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định vị trí việc làm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định số lượng vị trí việc làm; hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công chưa xây dựng được vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp xác định số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân các năm trước.
- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì ban hành: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý; sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Thời gian hoàn thành là trong quý III - quý IV/2015./.
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP: Tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp Nghị định quy định về tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên nguyên tắc, đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại. Quy định này nhằm khuyến khích các đơn vị tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao hơn. Theo đó, Nghị định quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo 4 mức độ: Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp). Đặc biệt, về tiền lương, Nghị định quy định các đơn vị sự nghiệp chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị; NSNN không cấp bổ sung; đối với đơn vị chưa tự báo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu). Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo mức chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ quản lý không quá chênh lệch so với người lao động, Nghị định mới quy định, khi phân bổ thu nhập tăng thêm, thì hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị. Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ: Đơn vị được quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật... Tự chủ về tổ chức bộ máy: Đơn vị được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tự chủ về nhân sự: Đơn vị xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ. Đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 05 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (đối với các đơn vị sự nghiệp mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ 05 năm thì tính bình quân cả quá trình hoạt động)./. |
Bình luận