Trịnh Trung Hiếu

Trung đoàn 50 – Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng

Email: trunghieu291296@gmail.com

Tóm tắt

Tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công đã trở thành một chính sách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Trong đó, việc nâng cao năng lực quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện tự chủ là vô cùng cần thiết. Bài viết đã đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến Hiệu quả năng lực quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trong điều kiện tự chủ tại TP. Hải Phòng, với biến phụ thuộc là Hiệu quả năng lực quản lý tài chính; 5 biến độc lập gồm: Các chính sách của Đảng và Nhà nước; Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, viên chức, người lao động; Năng lực quản lý tài chính của đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý; Sự cải thiện trong quản lý tài chính và tự chủ tài chính; Các yếu tố nội sinh trong thực hiện tự chủ tài chính. Đây cũng là bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng trọng khi thực hiện định hướng nghiên cứu này tại TP. Hài Phòng.

Từ khóa: quản lý tài chính, đơn vị sự nghiệp công, tự chủ tài chính

Summary

Financial autonomy in public service units has become a crucial policy to improve operational efficiency and reduce the burden on the state budget. Improving financial management capacity in public service units under autonomous conditions is extremely necessary. The article proposes a research model of factors affecting the effectiveness of the financial management capacity of public service units under autonomous conditions in Hai Phong City, with the dependent variable being the effectiveness of financial management capacity; 5 independent variables: Policies of the Party and State; Awareness of the leadership, management, civil servants, and employees; Financial management capacity of the leadership and management staff; Improvement in financial management and financial autonomy; and Endogenous factors in implementing financial autonomy. It is also the first but significant step in implementing this research orientation in Hai Phong City.

Keywords: financial management, public service units, financial autonomy

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc thực hiện chính sách tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công. Việc này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ công, đồng thời giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Tự chủ tài chính đòi hỏi các đơn vị phải nâng cao năng lực quản lý tài chính để có thể tự lập kế hoạch, tổ chức và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Do đó, nghiên cứu về năng lực này là cần thiết để đảm bảo rằng, các đơn vị có thể thực hiện thành công chính sách tự chủ.

Trong điều kiện tự chủ tài chính, các đơn vị sự nghiệp công không chỉ phải tự quản lý ngân sách, mà còn phải đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách. Nghiên cứu về năng lực quản lý tài chính giúp xác định các yếu tố cần thiết để nâng cao trách nhiệm giải trình, từ đó tạo niềm tin với cộng đồng và các bên liên quan. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu cầu về minh bạch tài chính ngày càng cao.

Năng lực quản lý tài chính không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại của các đơn vị, mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững trong tương lai. Khi các đơn vị có khả năng lập kế hoạch tài chính tốt, họ có thể đầu tư vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu về năng lực này sẽ giúp các đơn vị nhận diện được điểm mạnh và điểm yếu, từ đó đưa ra chiến lược phát triển phù hợp.

Năng lực quản lý tài chính có tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ mà các đơn vị sự nghiệp công cung cấp. Khi quản lý tài chính hiệu quả, các đơn vị có thể cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ viên chức và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Nghiên cứu này sẽ giúp phát hiện ra những yếu tố nào là cần thiết để cải thiện chất lượng dịch vụ công trong bối cảnh tự chủ tài chính.

Kết quả nghiên cứu về năng lực quản lý tài chính sẽ cung cấp cơ sở thực tiễn để các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các bên liên quan đưa ra những quyết định đúng đắn. Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý tài chính sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng các quy định và hướng dẫn phù hợp, hỗ trợ các đơn vị trong việc thực hiện tự chủ tài chính.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Năng lực quản lý tài chính

Năng lực quản lý tài chính là khái niệm rộng, phản ánh khả năng của một tổ chức trong việc lập kế hoạch, tổ chức, điều hành và kiểm soát các hoạt động tài chính để đạt được mục tiêu đã đề ra. Theo Nguyễn Thị Minh (2019), năng lực này không chỉ đơn thuần là việc sử dụng ngân sách một cách hợp lý, mà còn bao gồm: việc hiểu rõ các quy định pháp lý, chính sách tài chính và khả năng phân tích thông tin tài chính.

Năng lực quản lý tài chính bao gồm 3 yếu tố chính:

- Khả năng lập kế hoạch tài chính: Đây là khả năng xây dựng các kế hoạch tài chính dựa trên dự báo ngân sách, doanh thu và chi phí. Kế hoạch tài chính cần phải linh hoạt để có thể điều chỉnh theo các biến động của môi trường bên ngoài.

- Khả năng điều hành tài chính: Bao gồm việc triển khai các kế hoạch tài chính, quản lý và theo dõi các khoản thu chi. Điều này yêu cầu một hệ thống thông tin quản lý tài chính hiệu quả, đảm bảo rằng các thông tin được cập nhật kịp thời và chính xác.

- Khả năng kiểm soát tài chính: Liên quan đến việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động tài chính đã thực hiện. Việc kiểm soát này bao gồm việc lập báo cáo tài chính, phân tích số liệu và đưa ra các điều chỉnh cần thiết.

Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện tự chủ

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Thể chế hóa chính sách tự chủ tài chính là quá trình chuyển tải các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các quy định cụ thể, rõ ràng. Điều này bao gồm việc xây dựng các văn bản pháp lý hướng dẫn cho việc thực hiện tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công. Theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, các đơn vị này có quyền tự quyết định về nguồn thu, phân bổ ngân sách và quản lý chi tiêu.

Các văn bản này không chỉ xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các đơn vị sự nghiệp công mà còn tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, giúp các đơn vị có thể thực hiện tự chủ tài chính một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc áp dụng và thực thi các quy định này, dẫn đến sự không đồng nhất trong thực hiện giữa các đơn vị.

Thể chế hóa chính sách tự chủ tài chính là bước quan trọng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực hiện. Đã có một số nghiên cứu về vấn đề này. Điển hình như: Trần Văn An (2019) chỉ ra rằng, mặc dù đã có nhiều văn bản pháp lý được ban hành, nhưng sự chưa đồng bộ và rõ ràng trong quy định vẫn là một thách thức lớn. Nguyễn Thị Hạnh (2020) cũng nhấn mạnh rằng việc thiếu các hướng dẫn cụ thể trong thực hiện đã gây khó khăn cho các đơn vị trong việc áp dụng chính sách. Ngoài ra, còn một số nghiên cứu khác của Lê Đình Nam (2021), Đinh Văn An (2020).

Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, viên chức và người lao động

Nhận thức của đội ngũ viên chức, đặc biệt là lãnh đạo và quản lý, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Khi viên chức hiểu rõ về lợi ích của chính sách này, họ sẽ có động lực và sẵn sàng tham gia vào quá trình thực hiện. Lý thuyết về hành vi tổ chức chỉ ra rằng, sự đồng thuận và nhận thức đúng đắn về chính sách sẽ thúc đẩy tinh thần làm việc và sự cam kết của viên chức.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tự chủ tài chính có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực. Bùi Thị Hòa (2020) nhấn mạnh rằng, nếu viên chức thấy rõ lợi ích từ việc tự chủ, họ sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý tài chính. Lê Thị Mai (2021) cho rằng nhiều viên chức lãnh đạo còn thiếu thông tin và kiến thức về lợi ích của chính sách tự chủ, dẫn đến sự e ngại trong thực hiện. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tổ chức các chương trình đào tạo định kỳ có thể cải thiện nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ viên chức. Cùng với đó, có một số nghiên cứu cũng đã thể hiện rõ quan điểm tương tự như: Nguyễn Văn Bình (2022), Nguyễn Hữu Khánh (2020), Hồ Thị Lan (2019).

Năng lực quản lý tài chính của đội ngũ lãnh đạo, quản lý

Năng lực của đội ngũ viên chức lãnh đạo và quản lý là yếu tố quyết định đến khả năng thực hiện tự chủ tài chính. Các viên chức cần có kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính để có thể thực hiện các nhiệm vụ tự chủ một cách hiệu quả. Lý thuyết phát triển năng lực chỉ ra rằng việc đào tạo và bồi dưỡng liên tục cho viên chức là rất cần thiết để nâng cao năng lực quản lý.

Việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các đơn vị là điều cần thiết. Nguyễn Xuân Hòa (2022) cho rằng, một chương trình đào tạo tốt không chỉ giúp viên chức nâng cao kiến thức mà còn tạo ra sự gắn kết trong tổ chức. Agyemang và Broadbent (2015) cho rằng, việc đào tạo và bồi dưỡng là cần thiết để nâng cao năng lực quản lý tài chính của viên chức. Norton và Palmer (2017) nhấn mạnh rằng, các khóa học về quản lý tài chính cần tập trung vào thực tiễn để tăng cường hiệu quả

Sự cải thiện trong quản lý tài chính và tự chủ tài chính

Hiệu quả thực hiện tự chủ tài chính không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị mà còn tác động đến đời sống của viên chức, người lao động. Lý thuyết động lực cho thấy, khi viên chức nhận được những lợi ích từ việc tự chủ tài chính, như mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, họ sẽ có động lực làm việc cao hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thực hiện tự chủ tài chính thành công có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong công việc. Parker (2017) nhấn mạnh rằng, việc tự chủ tài chính cho phép các đơn vị điều chỉnh mức lương và đãi ngộ, từ đó nâng cao động lực làm việc. Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, tự chủ tài chính có thể dẫn đến bất bình đẳng trong thu nhập giữa các viên chức (Farneti và Stein, 2018).

Các yếu tố nội sinh trong thực hiện tự chủ tài chính

Các yếu tố nội sinh như văn hóa tổ chức, tinh thần làm việc và sự tham gia của viên chức đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Lý thuyết văn hóa tổ chức chỉ ra rằng, một văn hóa tích cực sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia của viên chức trong quản lý tài chính.

Khi viên chức cảm thấy được tôn trọng và có tiếng nói trong quyết định tài chính, họ sẽ có động lực hơn trong công việc. Nguyễn Thị Tâm (2020) nhấn mạnh rằng, việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện và khuyến khích sự tham gia của viên chức là rất cần thiết để thực hiện tự chủ tài chính thành công. Các yếu nội sinh, như: văn hóa tổ chức và tinh thần làm việc cũng ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện tự chủ tài chính. Kloot (2009) chỉ ra rằng, văn hóa tổ chức tích cực sẽ thúc đẩy việc áp dụng các chính sách tài chính mới. Gordon và Miller (2019) nhấn mạnh, sự tham gia của viên chức trong quá trình ra quyết định sẽ tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính.

MÔ HÌNH VÀ GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU

Từ cơ sở lý thuyết nói trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao năng lực quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập: Nghiên cứu tại Hải Phòng
Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

H1: Các chính sách của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ tích cực với Hiệu quả năng lực quản lý tài chính.

H2: Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, viên chức, người lao động có có mối quan hệ tích cực với Hiệu quả năng lực quản lý tài chính.

H3: Năng lực quản lý tài chính của đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý có mối quan hệ tích cực với Hiệu quả năng lực quản lý tài chính.

H4: Sự cải thiện trong quản lý tài chính và tự chủ tài chính có mối quan hệ tích cực với Hiệu quả năng lực quản lý tài chính.

H5: Các yếu tố nội sinh trong thực hiện tự chủ tài chính (văn hóa tổ chức, năng lực lãnh đạo và hệ thống thông tin tài chính) có mối quan hệ tích cực với Hiệu quả năng lực quản lý tài chính.

KẾT LUẬN

Bài viết đã đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến Hiệu quả năng lực quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trong điều kiện tự chủ tại TP. Hải Phòng, với biến phụ thuộc là Hiệu quả năng lực quản lý tài chính; 5 biến độc lập gồm: Các chính sách của Đảng và Nhà nước; Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, viên chức, người lao động; Năng lực quản lý tài chính của đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý; Sự cải thiện trong quản lý tài chính và tự chủ tài chính; Các yếu tố nội sinh trong thực hiện tự chủ tài chính.

Năng lực quản lý tài chính là một yếu tố quyết định đến sự thành công của các đơn vị sự nghiệp công trong điều kiện tự chủ. Việc nâng cao năng lực này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ công. Do đó, các đơn vị cần có những biện pháp cụ thể để phát triển năng lực quản lý tài chính, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Thông qua việc đưa ra các giả thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu này sẽ giúp tác giả có những định hướng chính xác phục vụ nghiên cứu với chủ đề “Nâng cao năng lực quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện tự chủ - định hướng nghiên cứu tại TP. Hải Phòng” trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

1. Agyemang, G., Broadbent, J. (2015), The impact of performance management on financial management in public sector organizations, Public Management Review, 23.

2. Đinh Văn An (2020), Đánh giá thực trạng tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, số 5.

3. Farneti, F., Stein, M. (2018), The role of financial management in the public sector, Public Administration, 26(7).

4. Gordon, L. A., Miller, D. (2019), Strategic financial management in public organizations, Financial Accountability & Management, DOI:10.4324/9781003094654.

5. Hồ Thị Lan (2019), Ảnh hưởng của chính sách tự chủ tài chính đến chất lượng dịch vụ công, Tạp chí Phát triển Kinh tế, 8.

6. Kloot, L. (2009), Public sector performance management: The role of accounting, International Journal of Public Sector Management, 30(5).

7. Lê Thị Mai (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

8. Lê Đình Nam (2021), Phân tích các văn bản quy phạm pháp luật về tự chủ tài chính, Luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

9. Lê Hữu Thịnh (2021), Quản lý tài chính trong điều kiện tự chủ tại các trường đại học, Tạp chí Giáo dục, 16.

10. Nguyễn Văn Bình (2022), Quản lý tài chính và những thách thức đối với các đơn vị sự nghiệp công, Tạp chí Tài chính, 12.

11. Nguyễn Thị Hạnh (2020), Nâng cao năng lực quản lý tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công, Tạp chí Tài chính, số 21.

12. Nguyễn Văn Hải (2020), Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực quản lý tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Quản lý Nhà nước, 14.

13. Nguyễn Văn Hòa (2021), Nghiên cứu về sự tham gia của viên chức trong quản lý tài chính, Tạp chí Quản lý nhà nước, 15.

14. Nguyễn Xuân Hòa (2022), Đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức trong quản lý tài chính, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 23.

15. Nguyễn Hữu Khánh (2020), Nhận thức của viên chức về tự chủ tài chính, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 12.

16. Nguyễn Thị Minh (2019), Năng lực quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công, Tạp chí Tài chính, 16.

17. Nguyễn Thị Tâm (2020), Văn hóa tổ chức và sự tham gia của viên chức trong quản lý tài chính, Tạp chí Quản lý Nhà nước, 14.

18. Norton, M. S., Palmer, A. (2017), Public sector financial management: A study of good practices, International Journal of Public Sector Management, 23(2).

19. Parker, L. D. (2017), The role of accounting in public sector reform, International Journal of Public Sector Management, 33(4).

20. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách nhà nước, số 83/2015/QH13, ngày 25/6/2015.

21. Trần Văn An (2019), Một số giải pháp quản lý tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công, Tạp chí Quản lý Nhà nước, 12.

22. Trần Thị Phương (2022), Tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính, 14.

Ngày nhận bài: 06/10/2024; Ngày phản biện: 01/11/2024; Ngày duyệt đăng: 28/11/2024