Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2021
Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh lân cận tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình (Ban Quản lý) với phương châm “chống dịch như chống giặc” đã huy động tất cả nguồn lực cùng chung sức đồng lòng phòng, chống dịch; tích cực, chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong các KCN.

Bám sát tình hình thực tiễn, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã tập trung tổ chức thực hiện thành công mục tiêu kép”: Vừa tập trung cao cho công tác kiểm soát có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong KCN, vừa kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phục hồi hoạt động SXKD. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong các KCN ngày càng được nâng lên.

Trong năm, khi các quy định mới của pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, lao động có hiệu lực thi hành, Ban đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong các KCN, trình UBND tỉnh ban hành thay thế quy chế cũ, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành, tạo điều kiện cho công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành được chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả hơn.

Công tác kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực được tăng cường. Ban đã phối hợp với các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện dự án, đề xuất phương án xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, thực hiện không đúng mục tiêu đầu tư. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác bảo vệ môi trường, vi phạm trật tự xây dựng trong các KCN. Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư trong các KCN.

Triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu phòng chống dịch bệnh Covid-19

Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2021
Khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

Ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý các KCN đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tỉnh tới các KCN và các doanh nghiệp trong các KCN. Cùng với đó xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng chống Covid-19 và phương án xử lý tình huống khi có ca mắc Covid-19 trong KCN cũng như kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong KCN.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo từng doanh nghiệp trong KCN tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch với phương châm “5K + vắc xin”, “4 tại chỗ”, kiên trì thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; yêu cầu các công ty tăng cường rà soát, quản lý người về từ vùng có yếu tố dịch tễ phức tạp theo văn bản số 246/BCĐ-VP6 ngày 22/10/2021 của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở Y tế.

Hướng dẫn các doanh nghiệp trong các KCN đăng ký tiêm vắc xin cho toàn bộ người lao động; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Tỉnh tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho cán bộ đầu mối làm công tác phòng, chống dịch và cán bộ y tế tại doanh nghiệp; phân công cán bộ, công chức, viên chức chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, kịp thời xử lý tình huống dịch phát sinh, thường xuyên báo cáo lãnh đạo (nhóm trưởng) phụ trách để có phương án chỉ đạo xử lý theo quy định.

Các Tổ công tác của Ban đã làm việc với tất cả các doanh nghiệp có lao động đến từ Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa và các tỉnh có yếu tố dịch tễ phức tạp, yêu cầu các công ty phải thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình hoạt động, số lao động đến làm việc tổng hợp báo cáo Ban để theo dõi và quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong KCN.

Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp trong các KCN tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, UBND Tỉnh và các hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện thông điệp 5K; thực hiện check in/check out thông qua quét mã QR code trên điện thoại thông minh; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn Covid tại nơi làm việc; thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống Covid và phương án ứng phó với các tình huống phòng chống dịch Covid của doanh nghiệp; triển khai thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm trên các phần mềm “kcnvietnam.vn” và “ninhbinh.atalink.com” theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng định kỳ 2 lần/tháng; lao động nước ngoài được cách ly 100% theo đúng quy định, các trường hợp F1, F2 được cho nghỉ việc hoặc cách ly theo quy định. Tăng cường xét nghiệm các đối tượng có ng cơ theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo. Đến thời điểm hiện tại, công tác phòng chống dịch trong các KCN đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, các doanh nghiệp KCN giữ vững ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người lao động trong KCN

Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2021
Nhà máy ô tô Thành Công tại KCN Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư; kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó báo cáo UBND Tỉnh và các đơn vị chức năng liên quan triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ động đề xuất Sở Y tế ưu tiên tiêm Vắc xin Covid-19 cho đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN. Đến nay đã có trên 98,2% lao động trong các KCN được tiêm vắc xin (42.667/43.451 lao động), trong đó: 40.078/43.451 lao động tiêm đủ 2 mũi đạt trên 92,24%; có 2.589 lao động mới tiêm mũi 1 chiếm 5,96%; còn 784 lao động chưa tiêm chiếm 1,8% (lý do: một số là lao động mới tuyển dụng, một số là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, chưa đủ điều kiện tiêm do sợ không đảm bảo sức khỏe). Đối với một số trường hợp F0, F1, F2 tại các doanh nghiệp trong các KCN, Ban Quản lý đã tích cực, chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với địa phương liên quan tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện các biện pháp cách ly y tế cần thiết, rà soát, truy vết xác minh các trường hợp có yếu tố dịch tế liên quan.

Nhằm hỗ trợ cho người lao động trong KCN gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ban đã tích cực, chủ động phối hợp với Công đoàn các KCN triển khai sâu rộng các chính sách hỗ trợ người lao động tới các doanh nghiệp. Theo số liệu của các công đoàn cơ sở, từ đầu năm đến nay Ban đã gửi 108 hồ sơ về Phòng Lao động, thương binh và xã hội các huyện và thành phố Ninh Bình, 28 người lao động được chi trả 40,680 triệu đồng tiền hỗ trợ; 17.053 người lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ với tổng số tiền được hỗ trợ hơn 36 tỷ đồng. Công Đoàn các KCN cũng trao 24 suất quà trị giá 12 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị cách ly do dịch Covid-19 thuộc đối tượng F1, F2.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan xây dựng Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021, năm 2022 và các năm tiếp theo trình UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt. Trong đó chú trọng tới các biện pháp phục hồi sản xuất tại các doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng vào năm 2022 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển

Mặc dù tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh. Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị Tỉnh nói chung và các doanh nghiệp trong các KCN nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN vẫn diễn ra bình thường, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa trong KCN. Phấn khởi hơn là các doanh nghiệp KCN có sự ổn định về đơn hàng hơn so với năm 2020, một số chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020.

Kết quả, ước năm 2021, các doanh nghiệp KCN đạt được những chỉ tiêu quan trọng sau: Doanh thu ước đạt 69.448 tỷ đồng, tăng 3.047 tỷ đồng (tương đương 4,6%) so với năm 2020, đạt 115,7% kế hoạch năm 2021; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.503 triệu USD, tăng 31 triệu USD (tương đương 2,1%) so với năm 2020, đạt 100,2% kế hoạch năm 2021; thu ngân sách ước đạt trên 10.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho 2.864 lao động, đạt 190,9% kế hoạch. Hiện nay lao động làm việc trong các KCN có 43.451 người (trong đó lao động trong nước là 43.128 người, lao động nước ngoài 323 người).

Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn, năm 2022 Ban tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được phân cấp; thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ trọng tâm, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách với trọng tâm về cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh.

Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút những dự án lớn tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn tới. Bám sát chương trình thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình, các Chỉ thị, Nghị quyết về việc hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, để xúc tiến thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế cao, giá trị gia tăng cao.

Tăng cường hỗ trợ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất-kinh doanh. Phấn đấu các doanh nghiệp KCN hoàn thành tốt một số chỉ tiêu cơ bản trong năm 2022 như sau: Doanh thu đạt trên 65.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD; thu ngân sách đạt trên 10.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho trên 3.000 lao động.

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, người lao động trong Ban và công nhân lao động trong các KCN.

Chú trọng bảo vệ môi trường, tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trong các KCN. Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, phòng chống dịch an toàn hiệu quả, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.