Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: Dấu ấn chặng đường 30 năm phát triển lớn mạnh cùng KKT và các KCN thành phố Hải Phòng
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (1993 – 2023) |
Ngày 30/9/2023, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Tiệp, TP. Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Quản lý (1993 – 2023). Sự kiện này đã đánh dấu mốc hết sức quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với tập thể cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong chặng đường 30 năm phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi vì sự nghiệp phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của Thành phố. Song hành cùng chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển KKT Đình Vũ – Cát Hải và các KCN TP. Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã luôn phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác, đồng hành và hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN, KKT Hải Phòng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của đất nước.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng Cờ thi đua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho tập thể Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng |
Tới dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng có ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương; ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hải Phòng; lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng qua các thời kỳ; Đại sứ quán các nước; các tổ chức quốc tế; các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; đại diện các Ban Quản lý KKT, Khu chế xuất (KCX), KCN các tỉnh, thành trong cả nước; các doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp trong KKT Hải Phòng, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng- dấu ấn chặng đường 30 năm phát triển KKT và các KCN
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng báo cáo, đánh giá khái quát tình hình xây dựng và phát triển KKT và các KCN của Hải Phòng trong chặng đường 30 năm qua.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng báo cáo, đánh giá khái quát tình hình xây dựng và phát triển KKT và các KCN của Hải Phòng trong chặng đường 30 năm qua |
Theo đó, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu chế xuất Hải Phòng – 96 (sau này là KCN Đồ Sơn) và thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng tại Quyết định số 358/TTg ngày 15/7/1993 (Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ngày nay) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KCX, KCN. Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội nhằm phát triển TP. Hải Phòng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 32-NQ/TW.
Sau 30 năm xây dựng và phát triển các KCN và 15 năm thu hút đầu tư tại KKT Đình Vũ – Cát Hải, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng với vai trò là "cánh tay nối dài” của các cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong KKT và các KCN TP. Hải Phòng đã không ngừng cố gắng nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong KKT và các KCN trên địa bàn, đảm bảo thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, khoa học – công nghệ vào KKT và các KCN của Thành phố, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do Thành ủy, UBND Thành phố giao, đóng góp hết sức tích cực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Những thành tích đáng tự hào này được minh chứng qua những con số hết sức ấn tượng sau:
(1) Đến nay, đã thành lập được 14 KCN với diện tích 6.080 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 61%; KKT Đình Vũ – Cát Hải với tổng diện tích 22.540ha đã được đầu tư xây đồng bộ, phát triển các KCN, khu đô thi, trung tâm thương mại và cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế.
(2) Thu hút được gần 800 dự án đầu tư vào KKT, các KCN; trong đó, 503 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25 tỷ USD, dự án trong nước (DDI) đạt 13,2 tỷ USD; góp phần đưa Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc về thu hút đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, thu hút vốn đầu tư tăng mạnh, ước đạt trên 11 tỷ USD; 9 tháng năm 2023 đã thu hút được gần 3 tỷ USD, vượt kế hoạch được giao cả năm.
(3) Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo điểm tựa và niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư. Hải Phòng đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các tập đoàn lớn, đa quốc gia. Hiện nay, trong KKT và các KCN của Hải Phòng, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 8,7 tỷ USD, chiếm 41%; Nhật Bản 3,2 tỷ USD, chiếm 15%; Hong Kong 2,6 tỷ USD, chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD, chiếm 12%. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư là các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Vingroup, SK, Chevron, JD, JFE, LG, GE, Sumitomo, AEON, Idemitsu, Tongwei).
(4) Vốn giải ngân vào KKT, KCN liên tục tăng, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Giai đoạn 1993-2003 đạt 6.439 tỷ đồng, chiếm 13,9%; giai đoạn 2004-2013 đạt 162.438 tỷ đồng, chiếm 48,7%; giai đoạn từ năm 2014 đến nay đạt 680.468 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
(5) Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đã đạt 683 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố, gấp khoảng 19 lần giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013, gấp khoảng 81 lần so giá trị sản xuất công nghiệp năm 2003; duy trì tốc độ tăng trên 15%; qua đó đã làm thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội các quận, huyện có KCN trên địa bàn.
(6) Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 của các doanh nghiệp KKT, KCN đạt khoảng 47 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, chiếm 95,2% kim ngạch xuất, nhập khẩu của Thành phố, đứng thứ 5 cả nước, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng Sông Hồng, gấp 22,35 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2013.
(7) Các doanh nghiệp trong KKT, KCN nộp ngân sách lớn cho Thành phố và liên tục tăng qua các năm. Năm 2022 nộp ngân sách đạt 17.842 tỷ đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
(8) Tạo việc làm ổn định cho khoảng gần 200.000 lao động trực tiếp (chiếm 2/3 tổng số lao động toàn Thành phố), thu nhập khoảng 10,2 triệu đồng/tháng, gấp 1,46 lần so mức thu nhập bình quân cả nước.
(9) Quan tâm đầu tư các thiết chế công đoàn, luôn luôn nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân: Trong KKT đã xây dựng 2 khu nhà ở cho công nhân, tạo chỗ ở cho khoảng gần 5.000 chuyên gia, công nhân và dự kiến đến năm 2025 hoàn thành thêm 2 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với gần 8.000 căn, đáp ứng khoảng 26.000 chỗ ở. Kết hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, doanh nghiệp hạ tầng tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể dục, thể thao tại các KCN nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Song song với sự phát triển lớn mạnh của các KCN, KKT, bộ máy tổ chức chính trị của Ban Quản lý cũng ngày một phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể:
Về công tác tổ chức bộ máy của Ban Quản lý, hiện tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng có 7 phòng chuyên môn, 1 trung tâm với 51 biên chế công chức, 18 biên chế viên chức.
Đảng bộ Khu kinh tế Hải Phòng được thành lập tháng 10/1994. Tính đến tháng 6/2023, Đảng bộ Khu kinh tế Hải Phòng phát triển tương đối mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Đảng bộ Khu kinh tế Hải Phòng đã được nâng cấp với 5 đảng bộ trực thuộc với 863 đảng viên.
Tại các KCN, KKT Hải Phòng, đến nay có 24 tổ đầu mối tổ chức đảng doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, KKT, trong đó có 4 đảng bộ doanh nghiệp (50 chi bộ trực thuộc) và 20 chi bộ cơ sở doanh nghiệp, tổng số đảng viên doanh nghiệp là 783 đảng viên.
Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng được thành lập theo Quyết định số 68/QĐ-LĐLĐ ngày 07/6/2005 của Liên đoàn Lao động Thành phố. Đến nay, Công đoàn Khu kinh tế quản lý 288 công đoàn cơ sở; tổng số lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp có công đoàn thuộc công đoàn Khu kinh tế là 159.221 lao động.
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Khu kinh tế Hải Phòng trực thuộc Thành đoàn Hải Phòng, với 16 chi đoàn cơ sở, 1.372 đoàn viên là người lao động trong KCN, KKT.
Ghi nhận những cố gắng vượt bậc của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong sự nghiệp phát triển các KCN, KKT của Thành phố, trong 30 năm qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành ủy, UBND Thành phố và các tổ chức chính trị TP. Hải Phòng tặng thưởng nhiều phần thưởng hết sức có ý nghĩa, đó là Huân chương Lao động Hạng III, Huân chương Lao động Hạng II, Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc sắc… cho tập thể và cá nhân Ban Quản lý. Đồng thời trong 7 năm liên tục (2005-2012) Đảng bộ Khu kinh tế đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Công đoàn cơ quan đạt Công đoàn cơ sở xuất sắc.
Ông Lê Trung Kiên khẳng định, sau 30 năm xây dựng và phát triển, KKT và các KCN của Hải Phòng đã tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; là động lực phát triển vùng Bắc Bộ; cơ bản hoàn thành trách nhiệm đặt nền móng đầu tiên cho cho việc thu hút FDI, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, đô thị hóa; đặc biệt, đã dần hình thành các khu đô thị công nghiệp hướng biển; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hệ thống cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế.
Cũng theo ông Kiên, những thành tích mà Ban Quản lý đã gặt hái được trong 30 năm qua là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các bộ, ngành Trung ương; của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ; sự phối hợp kịp thời và hỗ trợ hiệu quả của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương; ý chí quyết tâm vượt khó, cống hiến hết mình của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quan quản lý Khu kinh tế qua các thời kỳ; đặc biệt là sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trong KKT và KCN trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh, để nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và tăng tốc phát triển mạnh mẽ KKT và các KCN của Hải Phòng, trong thời gian tới Ban Quản lý tiếp tục quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức và phát triển mạnh các tổ chức chính trị, xã hội trong đơn vị. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập trung thu hút tập đoàn, nhà đầu tư lớn của Mỹ và các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản.
Hai là, tập trung xây dựng mới các KCN theo các mô hình KCN chuyên ngành như: sản xuất chất bán dẫn; chíp; cơ khí chế tạo; điện, điện tử, các dự án sử dụng năng lượng tái tạo… gắn với chuyển đổi số, xây dựng mô hình KCN sinh thái, bền vững với môi trường gắn với kinh tế tuần hoàn trong KCN.
Ba là, đầu tư, xây dựng các thiết chế công đoàn, trong đó chủ trọng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bốn là, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được Khu kinh tế Nam Hải Phòng để mở rộng không gian phát triển; hoàn thành từ 10-12 bến thuộc Cảng quốc tế Lạch Huyện; xây dựng Khu phi thuế quan Xuân Cầu trở thành khu phi thuế quan lớn hàng đầu Việt Nam và tạo nên sản phẩm độc đáo trong khu vực Đông Nam Á, các khu công nghiệp mới là điểm tựa mới cho phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả các KCN, KKT TP. Hải Phòng
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng qua các thời kỳ đã phát huy cao vai trò nhiệm vụ được phân cấp, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT và các KCN, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Hải Phòng trong 30 năm qua.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp hết sức quan trọng và có ý nghĩa của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển KKT và các KCN TP. Hải Phòng |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gắn bó với Hải Phòng trong hoạch định, xây dựng, phát triển các KCN, KKT trong suốt 30 năm qua; từ những ngày đầu quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư những KCN đầu tiên. Cá nhân Bộ trưởng cũng là người trực tiếp chứng kiến sự thay đổi và phát triển lớn mạnh của Thành phố và đồng hành với Thành phố trong suốt 30 năm qua.
Về xây dựng một “tầm nhìn 30 năm tới” cho Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, để Hải Phòng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của vùng, việc phát triển KCN, KKT trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, trong đó tập trung vào các trọng tâm sau tầm nhìn 30 năm tới:
Thứ nhất, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. “Hiện nay, Thành phố đang xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế Nam Hải Phòng, với hạt nhân là khu thương mại tự do để khai thác thế mạnh của kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi đánh giá đây là hướng đi mới, mạnh dạn, có tầm nhìn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng phối hợp để nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định .
Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...
Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Hải Phòng cần có cơ chế riêng trong xúc tiến các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.
Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT của Hải Phòng thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic; tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển; nghiên cứu sớm hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước nói chung và tại TP. Hải Phòng nói riêng phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đứng thứ 6 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo TP. Hải Phòng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng qua các thời kỳ |
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cần tiếp tục phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động
Thay mặt TP. Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng hoan nghênh và đánh giá cao những đóng hết sức quan trọng và có ý nghĩa của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong sự nghiệp phát triển KKT và các KCN của Thành phố trong 30 năm qua; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đối với sự phát triển của Thành phố, đặc biệt là trong thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu cho ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu chỉ đạo hoạt động của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong chặng đường sắp tới |
Để tiếp tục xây dựng và phát triển KKT và các KCN trở thành trụ cột kinh tế vững chắc của của Thành phố, ông Lê Tiến Châu đề nghị trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cần tiếp tục phát huy vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động, dẫn dắt, định hướng phát triển của KKT Đình Vũ - Cát Hải hiện tại; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong thực hiện chiến lược trọng tâm của TP. Hải Phòng là thành lập KKT Nam Hải Phòng, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ - Cát Hải và triển khai xây dựng thêm các KCN mới đã được quy hoạch.
“Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phải là xương sống trong mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố với 3 trụ cột chủ yếu là: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; trở thành động lực mới, nguồn lực mới phát triển Thành phố nói riêng và của khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo TP. Hải Phòng, nhấn mạnh Ban sẽ tận dụng mọi cơ hội, lợi thế của Hải Phòng tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đồng thời nghiên cứu, triển khai phát triển KKT và các KCN Hải Phòng xứng tầm trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và của cả nước.
Ông Kiên khẳng định, trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cần phải đổi mới trong việc xây dựng, phát triển và quản lý KKT và các KCN hiện có; tập trung trí, lực để phát triển các KCN đã được quy hoạch, đặc biệt xây dựng thành công Khu kinh tế Nam Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng trao tặng Bằng khen của UBND TP. Hải Phòng cho các cá nhân tiêu biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong KKT và các KCN Hải Phòng |
Cũng ngay tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Quản lý (1993 – 2023), tập thể và cá nhân Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp tiêu biểu trong KKT và các KCN Hải Phòng đã vinh dự và tự hào được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý, đó là Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Hải Phòng trao tặng; đồng thời Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng trao bức trướng tặng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng 30 năm Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập và Phát triển. Những phần thưởng có ý nghĩa tinh thần to lớn này chính là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với tập thể Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong KKT và các KCN Hải Phòng, góp phần tạo động lực quan trọng để tập thể Ban Quản lý và các nhà đầu tư trong các KCN, KKT quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng và phát triển KKT và các KCN của Thành phố ngày một phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn trong chặng đường phía trước./.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng trao tặng Bằng khen của UBND TP. Hải Phòng cho các tập thể doanh nghiệp tiêu biểu trong KKT và các KCN Hải Phòng
|
Bình luận