Bảo vệ môi trường gắn với sản xuất nhiệt điện than của EVN
Hiện nay, EVN có 12 nhà máy nhiệt điện than đáp ứng vận hành tương đương với công suất tối đa (Tmax) hơn 7.000 giờ/năm. Bên cạnh những kết quả đem lại, các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn, thách thức trong việc luôn phải cập nhật công nghệ cũng như đảm bảo các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, trong những năm qua, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đã cố gắng đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Điển hình như tại buổi kiểm tra và làm việc tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận vào ngày 17/3/2021 của Đoàn công tác Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, EVN đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội.
Cụ thể một số kết quả đáng chú ý khi kiểm tra của Đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội như sau: EVN đã hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo pháp luật; triển khai lắp đặt một số bảng điện tử hiển thị công khai thông số quan trắc môi trường. EVN cũng đã tổ chức rà soát và triển khai quan trắc môi trường liên tục với 1 số thông số; đầu tư trang thiết bị bảo vệ môi trường...
"Nhà máy nhiệt điện đẹp như công viên" là cảm nhận chung của nhiều người khi tới NMNĐ Vĩnh Tân 4 (chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam) , tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận
Thực tế, trong thời gian qua, nhằm hướng tới phát triển bền vững, Tập đoàn đã quyết liệt chỉ đạo và quán triệt các đơn vị thành viên thực hiện đồng bộ các giải pháp song hành sản xuất với bảo vệ môi trường.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo về bảo vệ môi trường của EVN luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời. Theo thông tin từ Ban Khoa học công nghệ và Môi trường EVN, giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn đã ban hành hơn 120 văn bản chỉ đạo về bảo vệ môi trường. Các văn bản chỉ đạo phân loại thành 3 nhóm chính bao gồm: các văn bản chỉ đạo về những chính sách, chủ trương, đường lối chung về bảo vệ môi trường; các văn bản phổ biển các văn bản về môi trường từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; các văn bản tác nghiệp đối với những trường hợp công việc, sự vụ cụ thể.
EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường xuyên suốt từ giai đoạn đầu tư, xây dựng dự án tới khi các nhà máy đi vào vận hành; đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý nước tuần hoàn, khí thải, tro xỉ…
Cụ thể, tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN đều được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom và xử lý nước thải đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT đối với nước thải công nghiệp và Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT đối với nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Nước thải sau khi xử lý đáp ứng quy chuẩn được nghiên cứu và tái sử dụng một phần, quay ngược lại quy trình sản xuất.
Hình ảnh rặng san hô tự nhiên khiến nhiều người thích thú
tại Cảng than NMNĐ Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3), Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận
Đối với khí thải các nhà máy nhiệt điện, EVN đầu tư các hệ thống chuyên dụng lọc bụi tĩnh điện, khử NOx, SO2. Trong 5 năm 2016-2020, các kết quả quan trắc các thông số môi trường tại các nhà máy hầu như đều đáp ứng các quy chuẩn việt Nam về khí thải và nước thải. Một số nhà máy nhiệt điện áp dụng công nghệ hiện đại như Vĩnh Tân 4, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng,... có thông số phát thải thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy chuẩn Việt Nam.
EVN và các đơn vị cũng đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm xử lý, tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện. Tỷ lệ tiêu thụ, tái sử dụng tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN đã tăng dần qua các năm. EVN đặt mục tiêu, tới năm 2022, tiêu thụ 100% toàn bộ lượng tro xỉ nhiệt điện phát sinh và đến năm 2025 tiêu thụ toàn bộ lượng tro xỉ tồn trữ tại các bãi chứa tro xỉ.
Đặc biệt, EVN đã chỉ đạo các đơn vị ”phủ xanh” khuôn viên các nhà máy nhiệt điện. Nhờ ý thức trách nhiệm và sự chăm chút của mỗi cán bộ, công nhân viên tới môi trường trong và xung quanh các nhà máy, diện mạo của các nhà máy nhiệt điện đã ngày càng trở nên đẹp hơn, có nhiều nhà máy còn là là điểm tham quan hấp dẫn với nhiều đoàn du khách (trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).
Trong thời gian tới, EVN sẽ chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Lồng ghép biến đổi khí hậu trong các chiến lược phát triển Tập đoàn, các hoạt động kinh doanh, đầu tư dự án điện từng bước giảm thiểu phát thải CO2 trên mỗi kWh điện./.
Bình luận