Bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh biển, đảo
Những thách thức đặt ra
Việt Nam có ba mặt giáp Biển Đông với bờ biển dài 3.260 km, gần 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vậy, an ninh biển đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đối với biển và hải đảo nước ta hiện nay, trên khía cạnh an ninh truyền thống thì nguy cơ lớn nhất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Cùng với đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng là mối lo ngại không nhỏ như nạn khủng bố, cướp biển, vận chuyển ma túy, xuất nhập cư trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên biển.
Về an ninh truyền thống, cho đến nay, trên Biển Đông, chúng ta còn tồn tại bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ chưa giải quyết được và cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei, Đài Loan; phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông như đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế… Những hoạt động này đe dọa và ảnh hưởng không chỉ đối với an ninh quốc phòng của Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực.
Về an ninh phi truyền thống, tình hình an ninh hàng hải khu vực Biển Đông diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh trên biển. Trong thời gian qua, đã nhiều lần tàu vận tải biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công; xô xát trên vùng biển Vịnh Thái Lan giữa ngư dân Việt Nam với tàu Thái Lan và Campuchia; tàu cá Việt Nam bị bắt giữ trên các vùng biển giáp ranh với Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia; nhiều tàu thuyền nước ngoài đã tấn công, đâm, gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngư dân và tàu cá Việt Nam bị Malaysia bắt giữ ngày 27/9/2014
Buôn lậu, gian lận thương mại trên biển với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt cũng là nguy cơ, thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển chưa được triển khai đồng bộ hoặc bị xem nhẹ, dẫn đến thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn đường biển, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải biển, cấp phép lưu hành phương tiện trên biển…
Ngoài ra, việc quản lý lỏng lẻo khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển dẫn đến thực trạng nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; môi trường biển ở một số nơi bị ô nhiễm đến mức báo động; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cũng ngày một tăng.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh biển, đảo
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển bền vững. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, việc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về giữ gìn hòa bình để phát triển kinh tế, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đồng thời bảo đảm an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo tinh thần chỉ đạo nói trên, liên tục trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cố gắng, triển khai một khối lượng lớn công việc nhằm tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Đối với các vùng biển thực sự có chồng lấn giữa nước ta và các nước, các bên liên quan có thể bàn bạc, trao đổi để hợp tác cùng phát triển. Cùng với việc giải quyết một cách căn bản các tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên bộ, tiến tới xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Camphuchia, Việt Nam đã đàm phán đi đến ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử với Campuchia (1982); thỏa thuận khai thác chung với Malaysia (1992); Hiệp định phân ranh giới biển với Thái Lan (1997); Hiệp định phân vịnh Bắc bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá với Trung Quốc (2000); Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia (2003). Việt Nam cũng thực hiện các cơ chế đối thoại và hợp tác về chính trị - an ninh khu vực, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tiếp tục hoạt động mạnh mẽ và được bổ sung với việc lập một số cơ chế mới như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác quan trọng (ADMM+), Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA) và Diễn đàn Biển ASEAN (AMF)… Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia tích cực việc triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002; hợp tác với Philippines triển khai dự án hợp tác nghiên cứu khoa học biển Việt Nam - Philippines, JOMSRE…
Những thỏa thuận và việc làm tích cực liên quan đến biển, đảo nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tăng cường, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thu hẹp bất đồng, tạo không khí thuận lợi cho việc thúc đẩy đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình, cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển đảo.
Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt. Vì vậy, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo. Công tác tuyên truyền biển, đảo cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, đồng thời tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương; phải có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở về nội dung và phương pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng… Qua đó, nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền biển Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong UNCLOS 1982.
Công tác tuyên truyền phải được tiến hành sâu rộng trong và ngoài nước, phải gắn kết giữa lịch sử với hiện tại để người dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; làm cho mỗi công dân Việt Nam thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia. Từ đó đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm làm chủ, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thứ hai, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, đảo và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng ven biển, hải đảo. Tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo như: khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản, du lịch... Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để chúng ta khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam. Các địa phương ven biển, huyện đảo phải có lực lượng dân quân tự vệ vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia./.
Tham khảo từ các nguồn:
1. http://canhsatbien.vn
2. http://bienphongvietnam.vn/cong-tac-bien-phong/quan-ly-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho/424-abcd1.html
3. http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=531
4. http://hocvienhaiquan.edu.vn
Bình luận