Bình quân một năm có khoảng 15.820 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, trong 1 năm rưỡi, báo cáo của Bộ Y tế với Tổng Liên đoàn lao động cho biết, đã có 9.397 nhân viên y tế bỏ việc |
Trả lời báo chí về làn sóng nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
"Đặc biệt là báo cáo của Bộ Y tế với Tổng Liên đoàn lao động về số lượng 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022)", Thứ trưởng chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2020-2021 phát sinh nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người khó khăn.
Trong số 39.552 cán bộ, công chức, viên chức khu vực công nghỉ việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, có hơn 4.000 công chức, trên 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục là hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người... |
Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị các đơn vị báo cáo lại số liệu nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng 2022. Thời điểm này, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Kết quả là trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao.
"Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Tỷ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%", Thứ trưởng Thăng đưa số liệu dẫn chứng.
Thứ trưởng nhận định, ngoài y tế còn có giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập, có thể phân thành các nguyên nhân có khách quan, chủ quan.
Lý giải nguyên nhân khách quan, Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có thị trường lao động phát triển thị trường lành mạnh, khu vực công sang khu vực tư, xuất khẩu lao động đều là liên thông. Nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực công- tư có sự cạnh tranh lao động…
Theo các quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức, các nghị định của Chính phủ, nghị quyết Trung ương, nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ quản trị như doanh nghiệp, nhiều đơn vị có chế độ ký hợp đồng, thì việc ra vào khu vực công -tư là thường xuyên…
Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng chỉ rõ: (i) Trung ương, Chính phủ có nhiều nghị quyết về nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ, chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống; (ii) Công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia chưa tốt, nhiều người có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi sang làm việc tại khu vực tư với nhiều chính sách thu hút; (iii) Thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động; (iv) Do chủ quan, môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực; (v) Còn hạn chế trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
"Ngoài ra, nghỉ việc, chuyển việc còn vì lý do cá nhân, muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp…", Thứ trưởng nêu thêm nguyên nhân./.
Bình luận