Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, yêu cầu Bộ Nội vụ chỉ trúng yếu kém
“Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Nội vụ đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn trong tất cả các khâu lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách…”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, tại cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” với Bộ Nội vụ, diễn ra hôm nay (ngày 13/7), theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Bộ đã triệt để tiết kiệm, chống lãng phí (ảnh: Quốc hội) |
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; số lượng tổ chức và số lượng lãnh đạo, quản lý giảm nhiều. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Nội vụ đã giảm tổ chức bộ máy và số lượng đơn vị sự nghiệp từ 31 xuống còn 25 đơn vị; giảm 41 đầu mối tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; biên chế sự nghiệp năm 2021 được giao giảm 235 người (15,23%) so với năm 2015, vượt chỉ tiêu theo quy định…
Qua nghiên cứu Báo cáo của Bộ Nội vụ, đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá, Bộ Nội vụ là một trong các đơn vị thực hiện tương đối tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra, trong việc tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Báo cáo của Bộ Nội vụ mới chỉ đề cập đến các văn bản để triển khai thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong khi đó Bộ Nội vụ còn phải tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản khác liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do vậy, đề nghị Bộ bổ sung thêm nội dung về việc tham mưu, ban hành các văn bản này…
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ rà soát nội dung về đánh giá kết quả thực hiện quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đảm bảo tính thống nhất của các nhận định, đánh giá; làm rõ thêm các lý do của việc biên chế sự nghiệp y tế giảm mạnh trong thời gian qua; làm rõ tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ trong giai đoạn 2016 – 2021 thông qua các minh chứng, số liệu cụ thể…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục bổ sung đánh giá về những ưu, khuyết điểm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (ảnh: Quốc hội) |
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục cập nhật, bổ sung nhận định, đánh giá về những ưu, khuyết điểm, phản ánh những cách làm hay, sáng tạo trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021; chỉ rõ, đúng, trúng những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong lĩnh vực này…
Ông Phương còn yêu cầu Bộ Nội vụ bổ sung chi tiết về các giải pháp khắc phục, các phụ lục còn thiếu, đảm bảo tính thống nhất, tránh trùng lắp, mâu thuẫn về số liệu giữa các báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chịu trách nhiệm về tính chuẩn xác của các báo cáo.
“Đề nghị Bộ Nội vụ rút kinh nghiệm những hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra; tiếp tục thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tốt hơn trên hai lĩnh vực: trong nội bộ Bộ Nội vụ và trong công tác tham mưu quản lý nhà nước của Bộ…”, ông Phương lưu ý./.
Bình luận