Bộ Công Thương cần phân cấp mạnh mẽ hơn
Nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ
Tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương ngày 25/09/2017, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ và ngành Công Thương tại các địa phương đang quản lý hơn 28 trên 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã) và 1.216 điều kiện kinh doanh trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28).
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị |
Năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ và đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính. Trong năm 2017, Bộ đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo phương án này, Bộ đã bãi bỏ và đơn giản hóa 36 thủ tục hành chính (tương đương với tỷ lệ là 30%) thuộc các lĩnh vực kinh doanh, như: rượu, thuốc lá, điện lực, công nghiệp nặng, năng lượng, kiểm định và xuất nhập khẩu và bãi bỏ, đơn giản hóa 20 thủ tục hành chính khác ngoài phương án trong lĩnh vực điện lực.
“Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng thủ tục hành chính đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa được 56/452 thủ tục hành chính (tương đương với 12,4% tổng số thủ tục hành chính của Bộ”, ông Tân nói.
Bên cạnh việc bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tránh nguy cơ sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cũng đã triển khai 56 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó so 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 và 45 nhóm dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3), tương ứng với 155 thủ tục hành chính (155 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4). tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tránh nguy cơ sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
“Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1659/QĐ-BCT, ngày 10/05/2017 ban hành kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương năm 2017. Theo kế hoạch, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến (trong đó, có 14 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và 8 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3)”, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết.
Cắt giảm, đồng thời không làm phát sinh mới thủ tục hành chính
Liên quan đến việc lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Xuân Thành, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, giảm thủ tục hành chính không đơn thuần chỉ là cắt giảm bớt, mà còn là kiểm soát để không phát sinh mới những thủ tục không hợp lý.
Theo ông Thành, cần xem xét các đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, bởi nếu nhiều nơi giải quyết và mỗi nơi đều thực hiện “một cửa”, thì bản chất đấy không còn là “một cửa” nữa.
“Theo Nghị định số 37, với nội dung báo cáo về chương trình thực hiện khuyến mại may rủi, sau khi doanh nghiệp thực hiện xong, doanh nghiệp chỉ phải báo cáo Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số 07 lại phát sinh một thủ tục đó là, ngoài báo cáo với Bộ lại phải báo cáo cả sở công thương”, Ông Thành dẫn ví dụ.
Cũng theo ông Thành, có những loại giấy tờ có thể đơn giản cho doanh nghiệp nếu cơ quan quản lý có thể trích xuất, công nhận thông tin lẫn nhau. Ví dụ trong quan lý website thương mại điện tử, để có thông tin về giấy đăng ký kinh doanh, chỉ cung cấp mã số doanh nghiệp, hay giấy chứng nhận tên miền cũng chỉ cần truy xuất trên các Cổng thông tin là có, thay bằng buộc doanh nghiệp phải nộp đi nộp lại bản sao giấy các chứng nhận này như hiện nay...
Cải cách thủ tục hành chính bên cạnh việc cắt giảm, cần tránh phát sinh những thủ tục mới không phù hợp |
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hồng Trinh - Chánh văn phòng Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam tin tưởng Bộ Công Thương sẽ là một trong những bộ cán đích đầu tiên trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo bà Trinh, ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong thời gian tới Bộ Công Thương cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các sở địa phương thay vì Bộ “ôm” nhiều giấy phép như hiện nay.
“Các sở công thương địa phương, cũng như các doanh nghiệp khá bức xúc vì phải chờ đợi khá lâu để nhận được các giấy phép”, Bà Trinh cho biết.
Bên cạnh đó, bà Trinh đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin, rà soát bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo quy mô doanh nghiệp, quy định chứng nhận công bố hợp quy, hợp chuẩn... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ để doanh nghiệp thực hiện công bộ và tự chịu trách nhiệm mà không cần đợi giấy phép của Nhà nước dưới dạng các chứng nhận, xác nhận đã công bố. Hay cần áp dụng mạnh cơ chế công nhận lẫn nhau, công nhận hậu kiểm, kiểm soát rủi ro...
Ông Đoàn Trọng Thà, Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, với ngành gas là ngành kinh doanh có điều kiện và ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, việc giảm thiểu điều kiện kinh doanh theo Quyết định 3610a/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã loại bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh là mong đợi của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Thà cho rằng, các thủ tục liên quan đến kinh doanh khí hóa lỏng và gas trước đây đã nhiều, nhưng sau khi điều chỉnh thêm hai mặt hàng khí thiên nhiên nén và khí thiên nhiên hóa lỏng thì các giấy chứng nhận đủ điều kiện còn tăng thêm gấp ba lần.
Ông Thà đề nghị các điều kiện về liên quan đến cháy nổ với an toàn mới nên đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP, còn các yêu cầu về số lượg chai, khối lượng bình gas lớn nhỏ không nên quy định vì không ảnh hưởng đến an toàn của người tiêu dùng. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh gas và khí hóa lỏng.
“Cần nhanh chóng banh hành nhanh chóng nghị định mới thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP, vì hiện doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục để kinh doanh theo nghị định này, nếu để làm xong mới ban hành nghị định mới thay thế sẽ làm cho doanh nghiệp tốn kém hơn rất nhiều, gây ra tâm lý mệt mỏi cho doanh nghiệp”, ông Thà kiến nghị.
Trả lời các ý kiến góp ý của đại biểu về vấn đề cần kiểm soát để không làm tăng số lượng thủ tục bất hợp lý, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp đã trả lời thẳng thắn và khẳng định rằng, đó là mục tiêu của cả Chính phủ. “
Thủ tục hành chính là thực sự cần thiết để tạo sự tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, giúp cho thực hiện vấn đề quản lý nhà nước, nắm thông tin. Bởi, có những thủ tục hành chính chỉ mang tính chất thông báo, báo cáo, không đặt ra việc có được làm hay không được làm. Hiện nay, cả Chính phủ đang làm việc đó, Bộ Công thương đang làm việc đó. Cái gì được làm thì cần đáp ứng điều kiện đến đâu, minh bạch các điều kiện ấy ra với thủ tục đơn giản. Cái gì không được làm cũng phải nêu rõ” – Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.
Về vấn đề phân cấp cho các địa phương, ông Tân cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh theo tư duy quản lý mới, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nên sẽ phân cấp mạnh mẽ không chỉ về cấp các loại giấy phép mà còn phân cấp trách nhiệm giám sát, theo dõi địa bàn để nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương.
“Sắp tới đây, việc phân cấp mạnh cho địa phương, trách nhiệm của địa phương đã nặng sẽ càng thêm nặng, nhưng vấn đề phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, giữa Bộ và các cơ quan địa phương để làm sao để xử lý hài hóa để hướng tới mục tiêu chia sẻ thông tin một cách đồng nhất, minh bạch. Điều này, giúp doanh nghiệp được quyền khai thác và chia sẻ thông tin cho phép nhằm mục tiêu quản lý nhà nước, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tự do làm những gì mà pháp luật cho phéo”, ông Tân cho biết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Quyết định 3610a sẽ chuyển trách nhiệm kiểm tra từ cơ quan nhà nước sang doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự đi thử nghiệm, tự công bố chứng nhận hợp quy và tự chịu trách nhiệm với kết quả kiểm tra của mình. Đây là bước chuyển rất lớn, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm./.
Bình luận