Ngày 18/01/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 448/VPCP-QHĐP gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xử lý kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị Chính phủ địa phương.

Theo bảng tổng hợp, thì tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 05/01/2022 đã có 88 kiến nghị của các địa phương có liên quan tới chức năng nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng giao Bộ trả lời.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trả lời 88 kiến nghị của địa phương
Nhiều địa phương mong mỏi sớm có quy định về việc tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư thành một dự án độc lập

Theo thống kê, có rất nhiều địa phương mong mỏi sớm ban hành quy định tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư thành một dự án độc lập.

Nhiều địa phương cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời, phân bổ nguồn vốn chương trình cho giai đoạn 2021-2025 để địa phương có nguồn lực đầu tư thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Hà Nội kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đầu tư cơ bản.

Còn TP. Hồ Chí Minh đề nghị sớm có hướng dẫn chi tiết về phê duyệt cục bộ quy hoạch khu công nghiệp (KCN).

Hải Phòng đề nghị sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện; đề nghị sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Đà Nẵng đề nghị quan tâm, xét xét ủng hộ những đề xuất về cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù khi Thành phố trình Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực; Thống nhất chủ trương cho phép Đà Nẵng lập Đề án xây dựng Khu phi thuế quan tại TP. Đà Nẵng để thành phố có cơ sở triển khai xây dựng Đề án và đề xuất các cơ chế, chính sách đi kèm.

Thanh Hóa có 4 đề xuất, trong đó có đề xuất sửa đổi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý KCN và KKT. Theo tỉnh này, để được bổ sung KCN mới hoặc mở rộng KCN hiện có thì tỷ lệ lấp đầy tối thiểu các KCN đã được thành lập hoặc của KCN dự kiến mở rộng phải đạt từ 60% trở lên, quy định này sẽ kìm hãm sự phát triển của các tỉnh trong giai đoạn phát triển mạnh, cần phát triển thêm các KCN để thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh này đề nghị không quy định tỷ lệ lập đầy tối thiểu 60% tại Nghị định số 82 khi thành lập mới KCN hoặc mở rộng KCN hiện có.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của các địa phương, có văn bản trả lời địa phương đồng gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/02/2022.

Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét./.