Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO tổ chức khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về khu công nghiệp sinh thái
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) cùng Ban Quản lý dự án KCN sinh thái chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo "Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam, chính sách và các giải pháp thực hiện”, diễn ra ngày 15/9/2022 tại TP. Hồ Chí Minh |
Cơ hội tiếp cận và nâng cao nhận thức về khu công nghiệp sinh thái
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO sẽ tổ chức khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về KCNST vào tháng 10-12/2023.
Mục tiêu của khoá học nhằm nâng cao nhận thức về mô hình KCNST, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến triển khai và thực hiện chính sách về KCNST, xác định và áp dụng các cơ hội sinh thái công nghiệp trong thực tiễn dựa trên nguồn tài liệu hiện có của UNIDO, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Khóa đào tạo được giảng dạy theo hình thức trực tuyến bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế, bao gồm 6 mô-đun với thời lượng 2 giờ cho từng mô-đun (tổng cộng 12 giờ). Mỗi mô-đun đào tạo được thực hiện hai lần, do đó học viên có thể lựa chọn thời gian phù hợp nhất.
Tài liệu đào tạo bao gồm các chủ đề về KCNST và phương pháp tiếp cận, các công cụ cơ bản, cũng như các phương pháp sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) để phổ biến mô hình KCNST phù hợp với cơ chế chính sách cấp quốc gia và địa phương; đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về KCNST cho các KCN ở Việt Nam.
Chương trình đào tạo bao gồm các chủ đề về KCNST, nhằm tăng cường năng lực và đáp ứng nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách, cũng như các đơn vị triển khai KCNST, với sự cân đối giữa bài giảng lý thuyết, ví dụ thực tiễn và bài tập tương tác.
Giảng viên đến từ UNIDO nhận xét phần trình bày của các nhóm tại Chương trình tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và KCN, tháng 8/2022 tại Hải Phòng |
Dự án khu công nghiệp sinh thái góp phần phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững
Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP) do UNIDO triển khai hướng tới mục tiêu xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội tại các doanh nghiệp, từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững. Kết quả cụ thể là cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp thông qua triển khai mô hình KCNST tại các KCN thí điểm; tăng cường vai trò của KCNST trong các chính sách về môi trường, công nghiệp và các cơ chế, chính sách khác có liên quan tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, mô hình KCNST đã chính thức được thể chế hóa trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này đã tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển và triển khai các KCNST, cũng như bổ sung khuôn khổ pháp lý hiện có về các KCN và khu kinh tế.
Bà Melissa Slabbaert đến từ KCN DEEP C, một trong các KCN đang triển khai dự án KCN sinh thái trao đổi với nhà tài trợ, chuyên gia tư vấn của UNIDO và Đoàn công tác của các Bộ, ngành chức năng về phương pháp triển khai các hoạt động kỹ thuật tại KCN DEEP C |
Với vai trò là cơ quan chủ quản, có trách nhiệm giám sát sự phát triển của các KCNST tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNIDO đã và đang triển khai thành công Dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu”. Chương trình do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ với tổng kinh phí là 1.821.800 USD, triển khai thí điểm từ năm 2020 tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Các KCN thí điểm lựa chọn là: KCN Amata, KCN Deep C, KCN Hiệp Phước, KCN Trà Nóc 1&2, KCN Hòa Khánh. Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án.
Hiện nay, Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN trong Dự án thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ thuật, truyền thông và hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính cho việc chuyển đổi.
Thông qua các hoạt động của Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNIDO đã tích cực phối hợp với các bên liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng thử nghiệm các chính sách và hướng dẫn phát triển KCNST cấp quốc gia; đồng thời xây dựng các chỉ số kinh tế, xã hội và môi trường phù hợp với Khung Quốc tế về KCNST, để giám sát hiệu quả việc triển khai KCNST tại Việt Nam.
Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký tham dự khóa đào tạo trước ngày 20/8/2023, xin vui lòng truy cập website: http://khucongnghiepsinhthai-vietnam.vn/event/39
Đoàn khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO thăm quan và chụp ảnh lưu niệm tại Công ty TNHH Vật liệu nam châm Shin- Etsu Việt Nam, là một trong 18 doanh nghiệp trong KCN DEEP C Hải Phòng tham gia vào hoạt động chuyển đổi doanh nghiệp sinh thái |
Bình luận