Dự thảo Nghị định thay thế cho 05 văn bản sau: Nghị định số 172/2013/NĐ-CP; Nghị định số 128/2014/NĐ-CP; Nghị định số 69/2014/NĐ-CP; Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg; Quyết định số 74/2013/QĐ-TTg.

Đối tượng áp dụng Nghị định, gồm: doanh nghiệp nhà nước; nhóm công ty trong đó công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước; kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Đối với việc thành lập doanh nghiệp, điều kiện để thành lập đó là: Có ngành, lĩnh vực, địa bàn hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 6 Nghị định này; Có Hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 6 Nghị định này và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc thành lập doanh nghiệp nhà nước phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn đặc thù hoặc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nếu có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp nhà nước khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng

Bên cạnh đó, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể được hình thành theo 02 phương thức:

(1) Nhóm công ty tự phát triển đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định và được cấp có thẩm quyền công nhận là tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Trong trường hợp này, bộ/UBND cấp tỉnh lập báo cáo đề nghị công nhận tập đoàn kinh tế/tổng công ty, gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính (trong trường hợp nhóm công ty thuộc bộ) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(2) Lựa chọn doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt để thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong trường hợp này, việc hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước theo quy trình, thủ tục đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; việc hình thành tổng công ty nhà nước theo quy trình, thủ tục đối với doanh nghiệp nhà nước do bộ/UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.

Về việc bán doanh nghiệp nhà nước, thì sử dụng hình thức đấu giá. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp.

Về việc chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV trở lên, doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo các điều kiện như đối với doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước đáp ứng đầy đủ các điều kiện cổ phần hóa và điều kiện chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV trở lên thì phải ưu tiên lựa chọn hình thức cổ phần hóa; chỉ lựa chọn hình thức chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV trở lên lên trong trường hợp cần giới hạn số lượng nhà đầu tư tham gia góp vốn do liên quan đến quốc phòng, an ninh. Hình thức chuyển đổi là bán một phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tại phương án chuyển đổi, doanh nghiệp phải xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng phần vốn nhà nước, đảm bảo phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ và thị trường. Đồng thời, xác định rõ phần vốn nhà nước dự kiến chào bán được chia thành từng lô, mỗi lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty và đảm bảo số lượng thành viên không quá 50 người theo quy định tại Điều 47, Luật Doanh nghiệp.

Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, doanh nghiệp được thực hiện theo 4 hình thức: Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước giữa các bộ, UBND cấp tỉnh; Chuyển giao một phần vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp nhà nước; Chuyển giao dự án, công trình đầu tư công từ cơ quan, tổ chức quản lý dự án, công trình đầu tư công về doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều chuyển tài sản nhà nước; Chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và tổ chức, doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Đáng lưu ý, các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định này chỉ áp dụng đối với việc chuyển giao không thanh toán. Việc chuyển giao có thanh toán thực hiện theo các quy định pháp luật về bán doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Về quản lý điều hành trong nhóm công ty, đó là: (1) Quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ; (2) Thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong toàn nhóm công ty; thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong toàn nhóm công ty không trái với quy định pháp luật; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường; (3) Phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều lệ của các doanh nghiệp thành viên./.