Sáng 01/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị. Giải trình thêm về các băn khoăn của đại biểu quốc hội xung quanh dự án luật, thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội và cùng với cơ quan thẩm tra báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các ý kiến của các đại biểu đã nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội ngày 1/6

Kỳ sau sẽ sửa tiếp 14 luật liên quan

““Khi xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch thì đã xác định đây là một luật khó và đã phải trải qua 3 kỳ họp, nên để sửa đổi cho đồng bộ 13 Luật trên 25 luật có liên quan, thì kỳ này ta sửa 13 Luật, nhưng có 2 Luật phát sinh trong quá trình rà soát, đó là Luật An toàn thực phẩm và Luật phòng chống thiên tai, thì Luật An toàn thực phẩm đã đưa vào danh sách sửa đổi thuộc 13 Luật này, còn Luật Phòng chống thiên tai để lại. Do vậy, lần này sửa 13 Luật liên quan đến luật Quy hoạch và Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay sẽ sửa tiếp các Luật liên quan", Bộ trưởng cho biết.

Tại Điều 59 khoản 5 giao Chính phủ tiếp tục rà soát xem còn luật nào có điều khoản liên quan đến quy hoạch cần sửa thì trình Quốc hội cho sửa tiếp, kể cả những nội dung không quy định tại Phụ lục 3 mà thấy cần sửa cũng báo cáo lại Quốc hội cho sửa đồng bộ, nhất quán với Luật Quy hoạch.

Về sự cần thiết ban hành luật, Bộ trưởng Dũng cho biết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, kết cấu chung, nội dung đa số đại biểu Quốc hội thống nhất cao. Duy nhất có ý kiến cuối cùng nói về tên gọi đúng là rất dài, nhưng như báo cáo của Ủy ban Kinh tế là để tránh trùng lặp với luật ban hành vào cuối năm nay tên cũng giống hệt như thế, chỉ khác về số luật nên nếu liệt kê đầy đủ khi thực hiện sẽ dễ dàng hơn.

“Đúng thực tế là nó (tên gọi – PV) có hơi dài nhưng trong thực hiện sẽ thuận tiện hơn, xin báo cáo Quốc hội cho phép giữ tên gọi như vậy”, Bộ trưởng Dũng đề nghị.

Sẽ chuyển từ chi sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch sang chi cho đầu tư

Về Luật Đầu tư công, thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Dũng cho biết, sẽ tiếp thu và báo cáo lại sẽ thay đổi từ "xây dựng thành lập quy hoạch" để đúng với kinh phí lấy từ đầu tư ra.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc chuyển tiếp khi chuyển từ chi sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch sang chi cho đầu tư, chi từ nguồn đầu tư và bổ sung khoản 3 Điều 57, để hướng dẫn việc bổ sung vốn để cho công tác lập quy hoạch này.

Còn về đánh giá tác động đến việc ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn hay không? Việc bổ sung việc chi cho đầu tư từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Chính phủ đã dự tính đối với cả giai đoạn 2016 - 2020.

“Hiện nay chúng ta còn 2 năm nữa để chuẩn bị lập lại tất cả các quy hoạch cho thời kỳ quy hoạch tới thì sẽ lấy từ dự phòng 10% của các bộ, ngành và 10% của dự phòng ngân sách của Trung ương. Hiện nay chúng ta đang còn 2 khoản 10% này, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm cũng như kế hoạch tài chính 5 năm và 3 năm, mà vẫn đủ để đảm bảo thực hiện cho trích phần đầu tư từ ngân sách đầu tư này, không ảnh hưởng đến Quốc hội đã phê chuẩn”, Bộ trưởng khẳng định.

Còn về các kế hoạch của giai đoạn tiếp theo thì sẽ lập kế hoạch chi cho công tác lập quy hoạch này ở các giai đoạn tiếp theo.

Sẽ tiếp tục rà soát và cũng có các quy định chặt chẽ để đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch không được tùy tiện

Liên quan đến Luật Xây dựng, có nhiều ý kiến liên quan, Bộ trưởng đề nghị, Quốc hội cho phép cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát lại một lần nữa theo tinh thần những gì trùng lặp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác thì loại bỏ.

“Còn những gì hợp lý và không có trùng lắp chúng ta sẽ giữ lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên tắc.

“Còn giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, qua ý kiến của các đại biểu chúng tôi thấy sẽ tiếp thu để bỏ ngay từ lần này mà không chờ sửa các luật khác liên quan đến giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch nữa. Sửa ngay từ Luật Xây dựng lần này”, Bộ trưởng đề nghị.

Về việc điều chỉnh quy hoạch, để đảm bảo không tùy tiện trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Dũng khẳng định, sẽ tiếp tục rà soát và cũng có các quy định chặt chẽ để đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch không được tùy tiện trong quá trình thực hiện.

Về một số luật như đã báo cáo về phạm vi không liên quan đến quy hoạch như một số điều liên quan đến điện lực, hóa chất và trẻ em, Bộ trưởng cho biết, sẽ báo cáo lại với Chính phủ để sửa đổi khi sửa đổi các luật này.

Riêng về Luật Hóa chất, Bộ trưởng cho biết, việc bổ sung khoản 5 Điều 10 về một số cơ sở hóa chất, các địa điểm bố trí các khu công nghiệp sẽ thay đổi đến cả nội dung, nhưng thực chất thì đây là những điều đã quy định sẵn từ khoản 4 của Điều 8 Luật Hóa chất, nhưng tại luật sửa đổi lần này, liên quan đến quy hoạch, đã bỏ Điều 8 này đi.

“Nhưng nội dung này lại rất cần thiết cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, do vậy chúng tôi xin chuyển nguyên nội dung đó đưa vào Điều 10, chứ không có nội dung mới khi sửa Luật Hóa chất lần này”, Bộ trưởng giải trình.

Về danh mục hóa chất nguy hiểm, Bộ trưởng cho biết, đã được quy định tại các văn bản dưới luật, cũng để sửa đổi, bổ sung kịp thời trong thực tiễn. Mặt khác, việc bổ sung danh mục liên quan đến hóa chất, thay đổi nội dung của Luật Hóa chất, nên phải sửa đổi tổng thể khi sửa Luật Hóa chất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành Luật để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch tại các luật trên để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030.

Việc ban hành luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tuy nhiên các nội dung này hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ sản xuất kinh doanh hóa chất, thuốc lá, dược...)./.