Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xác định giá trị của doanh nghiệp cổ phần hóa chưa chính xác
“Các tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như: tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành; nguồn thu từ cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm…”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, diễn ra hôm nay (ngày 17/5), theo Tạp chí Tài chính.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tiến độ cổ phần hoá rất chậm (ảnh: Tapchitaichinh.vn) |
Cũng theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy, xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác, mà rủi ro lớn nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất. Nộp tiền thuê đất một lần, thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác. Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, gây thất thoát…
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất, dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, nên ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa... |
“Việc sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng như: xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết… Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao, nên tiến độ chưa đạt yêu cầu. Đây cũng là vấn đề cần tìm giải pháp…”, ông Phớc nêu vấn đề.
Ngoài ra, để khắc phục những bất cập, tồn tại trong cổ phần hoá, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Tài chính đề nghị các chuyên gia cho ý kiến về phương án sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách chính xác; xác định giá trị quyền sử dụng đất, trong đó, giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không, hay tính tiền thuê đất trả hàng năm và giữ đúng mục đích sử dụng đất theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trước khi cổ phần hóa...?
Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến, từ đó nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành các quy định phù hợp để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.../.
Bình luận