Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, theo nghiên cứu, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao, tuy nhiên, đây cũng là những người có thu nhập bình quân thấp, bấp bênh, nhất là những vùng thuần nông. Đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về khắc phục tình trạng được mùa mất giá…
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Nội dung chất vấn trên được đại biểu nêu ra tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra hôm nay (ngày 15/8).

Trả lời mối quan tâm trên của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, theo số liệu thống kê, thì tỷ lệ người dân nông thôn là 27%, nghĩa là trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn cũng rất lớn.

"Cần có những giải pháp cho những người nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo đó, đảm bảo là người người dân vẫn còn giữ đất, nhưng trong thời gian không sử dụng, thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân…", ông Hoan giải đáp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về khắc phục tình trạng được mùa mất giá…
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta

"Hiện nay, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này…", Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) chất vấn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa, bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh, thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi, thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương, thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.

Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp, hoặc chuyện doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc.

"Do đó, trong thời tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn…", ông Hoan cho hay./.