Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính rườm ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Công tác cải cách thủ tục hành chính được cải thiện

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh rà soát và đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định tại Luật Đầu tư để thay bằng hình thức quản lý khác, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được Bộ Xây dựng quan tâm đặc biệt. Cụ thể: Bộ đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Trong đó, Bộ bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, đồng thời bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng nội dung và phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ có liên quan để triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị; đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.

Trong lĩnh vực phát triển nhà ở, công sở và thị trường bất động sản, Bộ tiếp tục xây dựng hệ thống công cụ để quản lý kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định bền vững, tập trung đôn đốc, phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2); Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp. Cùng với đó, Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. 6 tháng đầu năm 2018, tình hình thị trường bất động sản phát triển ổn định.

Một số nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018

Từ những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý và phát triển ngành những tháng cuối năm 2018, trong đó trọng tâm là:

Tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc; nghiên cứu, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp nước; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án: “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng” và Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng”.

Hoàn thành quy hoạch bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn về xây dựng theo hướng tinh gọn, đồng bộ; hoàn thiện, đưa vào hoạt động hệ thống thông tin điện tử cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng cho các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước; kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động và vệ sinh môi trường của các chủ thể trong khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình; xây dựng, hoàn thiện Đề án “Đổi mới phương pháp luận quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với tình hình mới” và Đề án “Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị”; hoàn thành điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020-2030.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; hoàn thành việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc Bộ và thực hiện đúng lộ trình tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty – công ty cổ phần, các công ty con, công ty liên kết theo lộ trình và phương án được duyệt./.