Bộ Y tế cần kiên trì thực hiện hoạt động đấu thầu thuốc tập trung
Năm 2017, Bộ Y tế vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội giao
Theo thông tin từ Bộ Y tế, năm 2017 ngành y tế đã hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân: giao 25,5%, đạt 25,7%; chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế giao 82,2%, đạt 86,4%. Đạt 11/11 chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với đó, lần đầu tiên, ngành y tế đã đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Việc đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn… vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua bảo hiểm y tế, phần tăng thêm do bảo hiểm xã hội thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ bảo hiểm y tế được tốt hơn, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên. Mặt khác khuyến khích người dân mua bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 86,4% năm 2017.
Cũng trong năm 2017, ngành y tế tiến hành đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách. Theo đó, trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã hoàn thành đợt mua sắm tập trung cấp quốc gia đầu tiên giúp tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch.
Ngành y tế cũng lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sỹ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được khai trương vào ngày 24/03/2017, hệ thống đã được áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/06/2017, 63 tỉnh/thành phố với 12.877 đơn vị.
Đến nay, hệ thống đã ghi nhận: 8.713.381 đối tượng. Đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vắc xin và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân, cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng. Hệ thống thực hiện quản lý quá trình, toàn diện các công tác tiêm chủng cho cán bộ trực tiếp và cán bộ quản lý 4 tuyến từ Trung ương đến trạm y tế xã.
Đặc biệt, năm 2017, Việt Nam tự hào trở thành một trong bốn nước Châu Á có thể tự sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành y tế còn tồn tại một số hạn chế. đó là hệ thống cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng tăng, cơ cấu bệnh tật thay đổi, biến đổi khí hậu, già hoá dân số... Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ còn chậm do phải đảm bảo mức độ tăng phù hợp của chỉ số giá tiêu dùng... Tỷ lệ thuốc, thiết bị y tế sản xuất trong nước còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng lạm dụng kháng sinh, bán thuốc không theo đơn....
Tiếp tục đấu thầu tập trung để giảm tiền thuốc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương ngành y tế trong năm 2017 đã có rất nhiều cố gắng nỗ lực và cần kế thừa, phát huy để có những bước tiến căn bản trong năm 2018. Cùng với đó, Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:
Trước hết, ngành y tế cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa biên chế, tổ chức bộ máy với thực hiện tự chủ bệnh viện. Tỷ lệ điều dưỡng viên/bác sĩ ở Việt Nam còn thấp so với trung bình của thế giới. Cần tăng tỷ lệ này lên,nhưng không cần tăng biên chế nếu các bệnh viện, như: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K mới tự chủ được mà thực tế cho thấy nhiều trạm y tế có thể hoàn toàn tự chủ được. Khi tự chủ, tính giá dịch vụ y tế, chất lượng lên, bệnh nhân đến nhiều, thì không chỉ có thu nhập mà quan trọng tay nghề, chuyên môn nâng lên.
Thậm chí có những trạm y tế mời được bác sĩ tư nhân cùng hợp tác, thậm chí khám chữa bệnh trong trạm. Tinh thần là sử dụng toàn bộ nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực trên địa bàn để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, không phân biệt công hay tư.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế cần tiếp tục đấu thầu tập trung để giảm tiền thuốc cho người bệnh
Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Y tế phải khẩn trương xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ trong y tế dự phòng giống như điều trị, khám chữa bệnh; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các phác đồ điều trị; thu gọn các danh mục dịch vụ, thuốc theo đúng thông lệ quốc tế để dễ hiểu, dễ thanh toán.
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng yêu cầu cập nhật dữ liệu y tế của người bệnh từ trạm y tế cơ sở đến bệnh viện tất cả các tuyến (yêu cầu các chương trình phần mềm tập huấn, làm đồng loạt ở các trạm y tế cơ sở đầu tiên. Sau đó, Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện phải cập nhật đầy đủ bệnh án điện tử. Điều này, không chỉ phục vụ thanh toán bảo hiểm y tế, mà sau này những thông tin này sẽ cập nhật vào hồ sơ sức khoẻ từng người.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần kiên trì thực hiện hoạt động đấu thầu thuốc tập trung. Khi vướng mắc ở đâu thì báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hướng đến mục đích cuối cùng là giảm giá thuốc. Hiện tại, thị trường thuốc Việt Nam đang là trên 4 tỷ USD/năm, giả sử giảm được 10% thì tiết kiệm rất nhiều tiền cho người bệnh (trong đó có những người rất nghèo), vì vậy nhất định phải giảm giá thuốc xuống./.
Bình luận