ThS. Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa

International Hospital Doctor Khoa, Ho Chi Minh City, Vietnam

Tóm tắt

Trong bối cảnh mới hiện nay, hệ thống bệnh viện công lập đang đứng trước những yêu cầu đổi mới sâu sắc, đẩy mạnh đổi mới về mặt tổ chức, quản lý nhà nước (QLNN) đối với các bệnh viện công lập nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, sử dụng hiệu quả nguồn lực công và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Bài viết tập trung làm rõ thực tiễn QLNN đối với các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới QLNN đối với các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế trong bối cảnh mới hiện nay.

Từ khóa: bệnh viện công lập, quản lý nhà nước, chăm sóc sức khoẻ, Bộ Y tế

Summary

In the current context, the public hospital system is facing profound innovation requirements in terms of promoting organizational and state management for public hospitals to ensure the quality of medical services, effective use of public resources and meeting the health care needs of the people. This article focuses on clarifying the practice of state management for public hospitals under the Ministry of Health, thereby proposing some solutions to innovate state management for public hospitals under the Ministry of Health in the current context.

Keywords: public hospital, state management, health care, Ministry of Health

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cùng với quá trình phát triển chung của đất nước, hệ thống các bệnh viện công lập được hình thành, phát triển khá mạnh mẽ, đến nay, đã hình thành một hệ thống các bệnh viện công lập bao phủ theo các tuyến, các địa bàn, kể cả địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu cơ cấu lại các bệnh viện công lập theo cơ chế thị trường, cần đổi mới tổ chức, quản lý hệ thống các các bệnh viện công lập nói chung, các bệnh viện công lập thuộc Bộ Y tế nói riêng.

THỰC TRẠNG QLNN ĐỐI VỚI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ

Kết quả đạt được

Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện các chức năng QLNN về y tế, bao gồm các lĩnh vực: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản; QLNN các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi QLNN của Bộ theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 95/2022/NĐ-CP, ngày 15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Những nội dung chính về QLNN trong khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định tại Điều 5 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; trong đó,đối với các bệnh viện công lập thuộc Bộ Y tế tập trung vào các nội dung: xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, thi hành chính sách pháp luật về bệnh viện; quy hoạch hệ thống bệnh viện; quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí về chuyên môn, kỹ thuật; xây dựng quản lý hệ thống bệnh viện, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; thanh tra kiểm tra... Việc xây dựng và phát triển các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong nhiều năm qua đã được định hình và thường xuyên được kiện toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình cụ thể từng giai đoạn phát triển của đất nước, đảm bảo sự tuân thủ của các bệnh viện công lập đối với các quy định pháp luật. Theo Dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tính đến năm 2023, Bộ Y tế có 33 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và 1 Viện có giường bệnh. Ngoài ra, có 7 bệnh viện là cơ sở thực hành trực thuộc các trường đại học y - dược trực thuộc Bộ Y tế. Nhìn chung, công tác QLNN đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bao gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách và pháp luật. Các nội dung thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về công tác y tế nói chung và tổ chức và hoạt động của bệnh viện công lập bám sát định hướng và hướng dẫn cũng như thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác y tế, hoạt động của các bệnh viện công lập nói riêng, như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua đã xác định, đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 giao Chính phủ thống nhất QLNN về y tế và phát triển sự nghiệp y tế, hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh qua việc ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh và ban hành các quy định QLNN về y tế và quy hoạch ngành y tế. Bộ Y tế cũng đã xác định tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ y tế và các quy định về an toàn, vệ sinh qua việc ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BYT, ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện (trong đó có các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế).

Thứ hai, công tác quản lý tài chính và ngân sách. Nguồn tài chính của các bệnh viện công lập chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp y tế. Hiện nay, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ tài chính, các bệnh viện đang thực hiện các nội dung điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) phù hợp với thu nhập của người dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình của Chính phủ, giảm gánh nặng cho nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng kết cấu chi phí quản lý và khấu hao cần được cơ cấu vào giá dịch vụ KCB, đảm bảo mức thu hợp lý, đáp ứng hoạt động chuyên môn của bệnh viện. Hiện nay, cơ cấu giá dịch vụ KCB áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và người bệnh KCB BHYT mới xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương, do đó để bảo đảm cho việc KCB, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Thứ ba, quản lý nhân lực y tế. Nguồn nhân lực y tế có vai trò rất quan trong tại các bệnh viện, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt được một số thành tựu đáng kể qua việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đã ban hành các thông tư, văn bản quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; xây dựng và ban hành Đề án đào tạo cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tiếp tục. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến năm 2023, cả nước có 7 trường đại học tham gia đào tạo cử tuyển với số lượng 1.448 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Với hình thức đào tạo theo địa chỉ, cả nước có 13 trường đại học tham gia, đáp ứng 71% nhu cầu cử người đi học của các địa phương (H. My, 2023). Các văn bản quy định chính sách ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù đã phát huy hiệu quả, bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực y tế và tạo bước đột phá, cung cấp đội ngũ nhân lực y tế với các trình độ, chuyên ngành đa dạng, tạo sự thay đổi về chất nguồn nhân lực y tế trên cả nước. Số lượng và chất lượng nhân lực y tế tăng qua các năm.

Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và tác động của các chính sách khuyến khích góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực y tế. Thống kê về nhân lực của ngành Y tế cho thấy, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 35.000 nhân viên y tế, trong số đó lực lượng bác sĩ chiếm trên 96.200 người. Bên cạnh đó, số lượng y tá và hộ lý chiếm hơn 105.000 người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Hiện nay, đội ngũ nhân lực y tế đa chuyên ngành, có chuyên môn tốt có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao và lấy người dân làm trung tâm là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu y tế đang thay đổi tại Việt Nam. Một trong những kết quả phát triển nhân lực y tế trong những năm qua là số lượng cán bộ, nhân viên y tế đã tăng đáng kể qua các năm. Năm 2010, có khoảng 7,3 bác sĩ/10.000 dân. Đến năm 2023, số lượng này tăng gấp đôi với 13,3 bác sĩ/10.000 dân (H.My, 2023).

Việc bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống y tế trong việc thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với việc tăng cường số lượng, chất lượng nhân lực y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, ngày 15/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT, ngày 17/02/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Tăng cường giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ được trong tuyển dụng viên chức: đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên tự thực hiện tuyển dụng viên chức của đơn vị theo quy định pháp luật; phân cấp cho người đứng đầu đơn vị chưa được giao tự chủ thực hiện tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế phê duyệt kết quả tuyển dụng.

Thứ tư, quản lý công nghệ và cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học. Bộ Y tế đã xây dựng bộ tiêu chuẩn định mức kỹ thuật nhằm đánh giá đúng và đủ chi phí để tính toán giá dịch vụ y tế chính xác, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và thu nhập của người dân. Trên cơ sở đó, hoàn thiện và đẩy mạnh hợp tác xã hội hóa trang thiết bị y tế, đảm bảo nguồn thu dịch vụ đối với các BVCL. Huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác xã hội hóa y tế để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ tốt công tác khám và điều trị bệnh.

Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cũng đã phát huy kết quả tốt qua việc thực hiện Nghị quyết số 08/2007/QH12, ngày 12/11/2007 và Nghị quyết số 18/2008/QH12, ngày 03/6/2008 của Quốc hội cho phép sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đầu tư cho y tế, tạo bước đột phá trong đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg, ngày 2/4/2008 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 và Quyết định số 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013". Nội dung đầu tư gồm: (1) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng; (2) Mua sắm trang thiết bị; (3) Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện, cho các cơ sở y tế, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn, góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành y tế nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Y tế khuyến khích và hỗ trợ các bệnh viện công lập tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, hỗ trợ các bệnh viện công lập trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và kỹ thuật tiên tiến từ quốc tế.

Thứ năm, về kiểm tra và giám sát: Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan có chức năng của Quốc hội, Chính phủ và thanh tra Bộ Y tế thực hiện chức năng QLNN về công tác thanh tra y tế. Thanh tra y tế cũng đã thực hiện chức năng chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi QLNN của Bộ Y tế đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp về tổ chức, nhân sự, tài chính của các quận ủy, thành ủy, đảng ủy khối nơi đơn vị đóng trên địa bàn.

Một số tồn tại, hạn chế

- Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật và quy định về quản lý bệnh viện công lập đã được hoàn thiện đáng kể, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của các bệnh viện. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật và các quy định còn chưa quyết liệt, chưa chủ động và thiếu giải pháp đồng bộ. Việc ban hành văn bản QPPL hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn chậm, chưa kịp thời.

- Ngân sách nhà nước dành cho y tế đã được tăng cường, cùng với việc áp dụng các chính sách bảo hiểm y tế giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý tài chính còn thiếu minh bạch và hiệu quả ở một số bệnh viện, dẫn đến lãng phí và sử dụng không đúng mục đích. Nhiều bệnh viện còn gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách.

- Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện đã mang lại một số kết quả nhất định, tuy nhiên cũng nảy sinh một số mặt hạn chế, bất cập và tác trong đảm bảo tính hiệu quả, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt là đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tuyến cuối, khi thực hiện tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo. Trong khi đó, các năm 2020-2022, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến KCB tại các bệnh viện công lập giảm, do đó nguồn thu của các bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.

- Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế đã được xây dựng bài bản, phong phú nhưng chưa khắc phục được tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi. Chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc còn chưa đủ hấp dẫn để giữ chân và thu hút nhân tài.

- Trong quá trình thực thi chính sách pháp luật y tế, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế. Tuy vậy, còn tình trạng chưa kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế. Về đánh giá chất lượng bệnh viện, hiện nay, cơ quan QLNN của các bệnh viện công lập thuộc Bộ Y tế ở Trung ương là Cục Quản lý KCB và ở địa phương là các sở y tế tổ chức đánh giá chất lượng bệnh viện là không phù hợp, cần chuyển đổi công việc này cho tổ chức đánh giá độc lập để đảm bảo tính khách quan trong đánh giá chất lượng.

Nhiều bệnh viện đã được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc bệnh nhân, tuy nhiên việc này phát sinh nhiệm vụ bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị còn chưa được thực hiện đồng bộ. Việc tiếp cận các nguồn tài trợ và kỹ thuật tiên tiến từ quốc tế còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động nghiên cứu khoa học còn thiếu sự đầu tư và hỗ trợ đầy đủ.

Những hạn chế bất cập nêu trên chủ yếu do nguyên nhân chủ quan: việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực KCB còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp uỷ đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật chưa thường xuyên; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong hoạt động quản lý chất lượng KCB còn khá phổ biến.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm đổi mới QLNN đối với các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, theo tác giả, cần thực hiện có hiệu quả một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm qua việc rà soát, đánh giá tác động của các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch đã ban hành; nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách, chiến lược quy hoạch, kế hoạch sao cho phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương sáu Khóa XII và tình hình thực tế hiện nay để đảm bảo tính thống nhất, tính phù hợp và tính khả thi của chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; cũng như đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 4276/QĐ-BYT, ngày 14/10/2015 của Bộ Y tế phê duyệt “Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2025” rà soát điều chỉnh các mục tiêu, tiêu chí và các giải pháp phù hợp với các quan điểm của Đảng và bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với bệnh viện: Cần rà soát, tổng kết đánh giá tính phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cơ sở KCB do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo các quyết định[1] đã thực hiện nhiều năm (hơn 20 năm), phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và nhu cầu, yêu cầu về chất lượng KCB của người dân và các tiêu chuẩn theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Ba là, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện bao gồm: tiêu chuẩn các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, tiêu chuẩn năng lực của người hành nghề cho từng khoa phòng... Sau đó, tổ chức triển khai xây dựng Bộ chuẩn năng lực người hành nghề cho các chuyên khoa khác.

Đồng thời, xây dựng và ban hành thông tư quy định về chế độ đào tạo tiền hành nghề, hướng tới việc thi cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề. Nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi của Luật khám bệnh, chữa bệnh;

Bốn là, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy và đội ngũ QLNN về hoạt động KCB trong các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam trong bối cảnh mới, gồm: kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan QLNN về quản lý chất lượng KCB ở Trung ương. Cụ thể xây dựng và ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý KCB và các vụ, cục liên quan. Xây dựng và phê duyệt Bộ giáo trình, tài liệu đào tạo liên tục về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh. Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế theo hướng chỉ giữ lại các bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò ứng phó và hỗ trợ chuyên môn cấp quốc gia; có năng lực thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới; tiếp nhận và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, nghiên cứu thành lập tổ chức chứng nhận/kiểm định chất lượng độc lập của Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện.

Năm là, tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra giám sát quản lý chất lượng KCB của bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế: Cần nghiên cứu, áp dụng mô hình quản lý chất lượng mới, tiên tiến mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng, như: mô hình PDCA, TQM, ISO, 6 Sigma, Lean.

Sáu là, xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra quản lý chất lượng KCB hàng năm, công bố công khai kết quả kiểm tra và sử dụng kết quả kiểm tra để phân loại bệnh viện.

Bảy là, thu hút, khuyến khích, huy động các nguồn lực cho QLNN đối với các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế trong bối cảnh mới: Chủ động, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức quốc tế theo hướng xây dựng các dự án đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong quản lý chất lượng KCB của bệnh viện. Kêu gọi sự tham gia ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động quản lý chất lượng KCB.

Tám là, ứng dụng công nghệ thông tin trong QLNN đối với các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế trong bối cảnh mới. Cụ thể như sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 54/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, bộ tiêu chí gồm 8 nhóm tiêu chí về hạ tầng phần mềm quản lý điều hành, phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, phần mềm chẩn đoán hình ảnh, phần mềm thông tin xét nghiệm, tiêu chí chức năng, tiêu chí bảo mật và an toàn thông tin, phần mềm bệnh án điện tử và được chia làm 7 mức trong đó các cơ sở KCB đạt được từ mức 6 trở lên được gọi là bệnh viện thông minh; bệnh viện đạt được mức 7 là bệnh viện có thể không sử dụng bệnh án giấy.

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện 3 chương trình y tế điện tử gồm: Chương trình 1- Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử, từng bước hình thành trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; Chương trình 2 - Chỉ đạo triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; Chương trình 3 - Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Khẩn trương ban hành chính sách giá dịch vụ công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế theo đúng giá thị trường theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bệnh viện./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2023), Dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

2. Chính phủ (2015), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 19/05/2019 Về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế.

4. Đỗ Đức Kiên (2019), Nghiên cứu tác động tự chủ tài chính đến chất lượng bệnh viện công lập tại Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. H.My (2023), Đa dạng hóa hình thức đào tạo góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế, truy cập từ https://suckhoedoisong.vn/da-dang-hoa-hinh-thuc-dao-tao-gop-phan-nang-cao-so-luong-va-chat-luong-nguon-nhan-luc-y-te-169231122161409147.htm.

6. Nguyễn Huy Quang (2010), QLNN về pháp luật trong lĩnh vực y tế ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sỹ Quản lý Hành chính công, Học viện Hành chính.

7. Ngô Thị Hải Anh (2020), Một số giải pháp tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/05/19/mot-so-giai-phap-tang-cuong-thuc-hien-co-che-tu-chu-doi-voi-benh-vien-cong-lap/.


[1] Quyết định số 32/2005/QĐ-BYT, ngày 31/10/2005 về tiêu chuẩn thiết kế Khoa Chẩn đoán hình ảnh; Quyết định số 33/2005/QĐ-BYT, ngày 31/10/2005 về tiêu chuẩn thiết kế Khoa Cấp cứu; Quyết định số 34/2005/QĐ-BYT, ngày 31/10/2005 về tiêu chuẩn thiết kế Khoa Ngoại bệnh viện Đa khoa và Quyết định số 35/2005/QĐ-BYT, ngày 15/11/2005 về tiêu chuẩn thiết kế Khoa Xét nghiệm thuộc bệnh viện Đa khoa

Ngày nhận bài: 13/6/2024; Ngày phản biện: 22/6/2024; Ngày duyệt đăng: 28/6/2024