ThS. Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa

International Hospital Doctor Khoa, Ho Chi Minh City

Tóm tắt

Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quản lý tài chính theo hướng tự chủ tại một số quốc gia có tính tương đồng về hệ thống y tế công, như: Trung Quốc và quốc gia có hệ thống y tế phát triển, như: Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho các bệnh viện công lập (BVCL) tại Việt Nam.

Từ khóa: quản lý tài chính, bệnh viện công lập, y tế

Summary

This article studies the experience of financial management towards autonomy in several countries with similar public health systems, such as China and countries with developed health systems, such as the United States and the Czech Republic. From there, draw the lessons for public hospitals in Vietnam.

Keywords: financial management, public hospitals, healthcare

GIỚI THIỆU

Hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện công lập không chỉ là vấn đề ở một quốc gia mà còn là vấn đề mang tính quốc tế. Các quốc gia có chế độ xã hội, chính trị, trình độ phát triển kinh tế khác nhau, nhưng đều có yêu cầu chung về hệ thống bệnh viện phục vụ lợi ích cộng đồng, đặc biệt là vấn đề tài chính hướng tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn về quản lý tài chính theo hướng tự chủ tại Trung Quốc - quốc gia có hệ thống y tế công tương đồng với Việt Nam, Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc - hai quốc gia thực hiện quản lý tự chủ tài chính BVCL hướng tới cổ phần hóa, tư nhân hóa để rút ra những bài học cho BVCL ở Việt Nam là cần thiết.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Kinh nghiệm tại Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia điển hình đại diện cho các nước có hệ thống bệnh viện tư, tự hạch toán. Tuy nhiên, nếu nói ở Mỹ, hầu như chỉ có các tổ chức tư nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận cung ứng các dịch vụ y tế là sai lầm mặc dù đây là hình thức chiếm tỷ trọng đáng kể, song không phải là áp đảo. Tại Mỹ còn có nhiều bệnh viện thuộc nhà thờ, thuộc các quỹ, thuộc trường học... Song điều đáng chú ý ở Mỹ là, các hình thức sở hữu không cứng nhắc: có thể dễ dàng chuyển từ bệnh viện công thành bệnh viện tư hoặc ngược lại.

Hệ thống bệnh viện tại Mỹ hoàn toàn dựa vào khoản thanh toán từ các quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và thu viện phí trực tiếp hoặc thu phí đồng chi trả bảo hiểm y tế. Nhà nước chỉ cung cấp tài chính cho bệnh viện qua: chương trình bảo hiểm sức khoẻ cho người cao tuổi (Medicare) và cho người nghèo (Medicaid). Ngoài ra, Nhà nước trực tiếp tài trợ cho nghiên cứu y khoa và đào tạo bác sỹ. Với cách tổ chức trên đã khuyến khích tính hiệu quả trong y tế. Không thể phủ nhận một điều rằng, Mỹ là quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực áp dụng các tiến bộ y khoa vào thực tiễn.

Một phần đáng kể là khoảng 15% (tương đương 40 triệu người) không có bảo hiểm y tế (BHYT) tại Hoa Kỳ (Brook Robert H. và cộng sự, 2022). Hơn thế nữa, nhiều người biết đến nhưng rất nghiêm trọng, đó là vấn đề “bảo hiểm thấp”. Các khoản chi tiêu trong khám chữa bệnh tại Mỹ là khá cao và tăng nhanh liên tục. Một số nhân tố tạo ra sự tăng nhanh là:

Thứ nhất, công dân tự quyết định chi cho bảo vệ sức khoẻ là bao nhiêu từ tổng chi tiêu trong gia đình, nên khoản chi này được hưởng ưu tiên cao hơn so với khi nhà chính trị quyết định phân chia các khoản chi tiêu ngân sách.

Thứ hai, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu về phát triển công nghệ y học, vì vậy việc áp dụng công nghệ tiên phong là đắt nhất.

Thứ ba, mức thu nhập của bác sỹ cao. Thu nhập của bác sỹ Hoa Kỳ gấp khoảng năm lần so với thu nhập trung bình quốc gia.

Thứ tư, chi phí khám chữa bệnh cao bởi một số dịch vụ mang tính hoang phí không cần thiết, thậm chí có hại. Giá viện phí đắt lên hơn so với mức hợp lý. Cả bác sỹ lẫn bệnh nhân đều đẩy chi phí đắt đỏ sang cho hãng bảo hiểm, còn hãng bảo hiểm đẩy tổng số bảo hiểm sang cho người trả tiền thông qua phí bảo hiểm cao hơn.

Thứ năm, thường xuyên xảy ra các vụ kiện tụng về sơ xuất y tế, trong đó các tòa án thường tuyên những khoản bồi thường cao, gây áp lực thêm lên chi phí để bù đắp các chi phí liên quan. Và, chính các vụ kiện tụng thúc đẩy nhà cung cấp dịch vụ đặt thêm nhiều xét nghiệm và tư vấn thừa vô dụng để tự bảo vệ chính mình chống lại những cáo buộc khả dĩ và sai sót.

Nhìn chung, theo Brook Robert H. và cộng sự (2022), quản lý tài chính của các bệnh viện tại Hoa Kỳ ở các khía cạnh sau:

- Nguồn thu của bệnh viện (BHYT) của các công ty bảo hiểm tư nhân hoặc các chương trình BHYT của Nhà nước; Các khoản thanh toán từ bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc các chi phí không được bảo hiểm chi trả; Các khoản tài trợ và quyên góp từ các tổ chức từ thiện, các cá nhân, và các doanh nghiệp.

- Chi phí của cơ sở y tế bao gồm: lương, phúc lợi, và chi phí đào tạo cho bác sĩ, y tá, và các nhân viên y tế khác; chi phí mua sắm thiết bị y tế, dược phẩm, và các vật tư y tế khác và chi phí quản lý và vận hành: bảo trì cơ sở vật chất, quản lý hồ sơ bệnh nhân, và các chi phí hành chính khác.

- Quản lý nợ: Các bệnh viện thường vay nợ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ y tế, và các dự án mở rộng. Quản lý nợ hiệu quả là yếu tố quan trọng để đảm bảo tài chính ổn định, trong đó việc phát hành trái phiếu bệnh viện là một phương thức phổ biến để huy động vốn dài hạn.

- Quản lý rủi ro tài chính: Các bệnh viện phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính, bao gồm biến động doanh thu từ bảo hiểm, chi phí y tế tăng cao, và thay đổi trong chính sách y tế. Quản lý rủi ro tài chính bao gồm việc dự đoán và lập kế hoạch cho các tình huống bất ngờ (phát sinh vụ việc pháp lý, bồi thường…), đồng thời duy trì quỹ dự trữ để đối phó với các biến động tài chính.

- Cải thiện hiệu quả hoạt động: Qua việc bệnh viện đầu tư và cải tiến công nghệ y tế tiên tiến, nâng cấp cơ sở vật chất, và các dự án nghiên cứu để cải thiện chất lượng dịch vụ. Áp dụng các biện pháp tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí, và cải thiện chất lượng dịch vụ để giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Sử dụng công nghệ thông tin và quản lý dữ liệu để theo dõi và cải thiện hiệu suất tài chính và hoạt động.

Kinh nghiệm tại Cộng hòa Séc

Cộng hòa Séc có Hệ thống chi trả y tế công lập (SHI) dựa trên tư cách thành viên bắt buộc của mọi công dân trong một trong số các quỹ bảo hiểm y tế phi lợi nhuận, là các cơ quan nhà nước gần như độc lập, đóng vai trò là người trả tiền và người sử dụng dịch vụ y tế. Hệ thống SHI được tài trợ chủ yếu thông qua các khoản đóng góp của cơ quan dưới dạng thuế trả lương bắt buộc do quỹ bảo hiểm y tế quản lý; các nguồn tài trợ là thuế nói chung và các khoản chi trả từ người khám chữa bệnh. Gói lợi ích cơ bản do SHI chi trả tại Cộng hòa Séc rất rộng và bao gồm gần như tất cả các dịch vụ y tế. Năm 2018, Cộng hòa Séc có 192 bệnh viện chăm sóc cấp tính với 63.622 giường bệnh, 10,3% trong số đó dành riêng cho việc chăm sóc bệnh nhân dài hạn (Overman, S., 2019). Trong số 192 bệnh viện, 25 bệnh viện nhà nước trung ương sở hữu (30% số giường), thì có 66 bệnh viện thuộc sở hữu của các khu vực (46% số giường) và 28 bệnh viện thuộc sở hữu của các thành phố trực thuộc Trung ương (7,5% số giường), các bệnh viện còn lại thực hiện hình thức hợp tác công - tư (Sadera, Moses Selelo, 2018). Chính quyền khu vực chịu trách nhiệm đăng ký bệnh viện các cơ sở chăm sóc sức khỏe không thuộc sở hữu hoặc điều hành của Nhà nước Trung ương. Nhiều điều luật và quy định xác định các yêu cầu kỹ thuật, nhân sự và vệ sinh mà tất cả các nhà cung cấp phải đáp ứng để được phép cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các nhà cung cấp ngoài nhà nước chỉ có thể cung cấp các dịch vụ y tế, khi họ đã được đăng ký bởi những người có liên quan chính quyền tại khu vực có bệnh viện công lập.

Năm 1998, Cộng hòa Séc bắt đầu một quá trình phân quyền sâu rộng trong hành chính công. Trong suốt 5 năm, quyền hành pháp đã chuyển dần từ các cơ sở do Nhà nước quản lý thành 14 vùng mới được thành lập. Điều này đã gây ra những hậu quả quan trọng đối với việc quản lý các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng khác.

Trước năm 2003, hầu hết các bệnh viện ở Cộng hòa Séc thuộc sở hữu của Nhà nước và do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, quản lý nhà nước ở cấp cơ sở được bãi bỏ vào cuối năm 2002 và được thay thế bằng hệ thống của các chính quyền khu vực. Mặc dù gần một nửa số BVCL cấp quốc gia sau đó đã được chuyển giao thành quyền sở hữu khu vực, một số nhỏ hơn các bệnh viện hiện thuộc sở hữu và điều hành bởi các thành phố trực thuộc Trung ương và những bệnh viện khác đã được tư nhân hóa. Hầu hết các bệnh viện thuộc sở hữu khu vực được chuyển đổi thành công ty cổ phần, đến năm 2010 vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn bởi các khu vực và tiếp tục được cung cấp tài chính chủ yếu thông qua các hợp đồng với quỹ bảo hiểm y tế. Cải cách hành chính công là động lực chính cho việc thay đổi hình thức hợp pháp của nhiều bệnh viện. Nó cũng gây ra sự thay đổi chủ sở hữu của 2 bệnh viện trong nghiên cứu điển hình này. Cải cách hành chính là một phần của quá trình chuyển đổi từ loại hình quản trị công cộng sản sang hình thức dân chủ của quản trị công. Giai đoạn đầu tiên của hệ thống hành chính công mới là sự ra đời của 14 khu vực. Giai đoạn thứ hai là bãi bỏ các huyện, chuyển giao năng lực và tài sản đối với các khu vực mới thành lập cùng các thành phố tự trị. Tóm lại, quá trình chuyển đổi này là một phần của quá trình lớn hơn bắt đầu vào năm 1989 và việc thay đổi quyền sở hữu của các bệnh viện thuộc sở hữu của các quận, huyện trước đây chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình này. Bệnh viện huyện đại diện cho nhóm lớn nhất bệnh viện năm 2001 (81), có số giường cao nhất (49,6%) và nhập viện (51,4%), cũng như sử dụng nhiều lao động nhất (45,7%) (Sadera, Moses Selelo, 2018). Tuy nhiên, xu hướng tiêu cực chung của kết quả kinh tế kém vẫn tiếp tục. Những vấn đề nổi lên, như thâm hụt đã dẫn đến việc nhiều bệnh viện không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà cung cấp, trong đó cuối năm 2002 tạo ra mối đe dọa từ các nhà phân phối dược phẩm để ngừng cung cấp. Do đó, việc nâng cao hiệu quả của các cơ sở này trở thành một nhiệm vụ trọng tâm đối với chủ sở hữu.

Bộ Y tế tại Cộng hòa Séc hiện đang áp dụng việc tập trung hóa các dịch vụ chuyên biệt vào các cơ sở được lựa chọn sẽ cung cấp những dịch vụ tiên tiến nhất chăm sóc trong các bệnh ung thư, tim mạch, chấn thương và mạch máu não. Sự phát triển được thúc đẩy bởi các quỹ cơ cấu từ EU đang được đầu tư vào công nghệ và thiết bị mới. Quỹ bảo hiểm chuyển giao tài chính vào các trung tâm mới này và không mua các quy trình nâng cao và các dịch vụ từ các bệnh viện không được chỉ định. Quy định của Bộ Y tế không bao gồm đầy đủ việc chăm sóc liên tục giữa các trung tâm xuất sắc và phần còn lại của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Từ cả 2 hình thức bệnh viện trong nghiên cứu điển hình này đều không phải là một trung tâm được chỉ định, cả hai đều có thể xử lý việc giảm một số khoản hoàn trả, cũng như chấp nhận bệnh nhân cần được chăm sóc theo dõi từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Hệ thống Séc không cho phép bất kỳ quyền quản lý nào từ chối những bệnh nhân như vậy, vì bệnh nhân có thể chọn nhà cung cấp của họ và nhà cung cấp được yêu cầu để chấp nhận các hình thức khám chữa bệnh.

Kinh nghiệm tại Trung Quốc

Hệ thống BVCL ở Trung Quốc gồm 3 tuyến dịch vụ chủ yếu:

- Trạm y tế thôn bản: làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ ngoại trú để điều trị các bệnh thông thường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và các dịch vụ tiêm chủng.

- Bệnh viện xã, phường, thị trấn: cung cấp các dịch vụ ngoại trú điều trị các bệnh thông thường và tiểu phẫu đơn giản.

- Bệnh viện huyện: cung cấp các dịch vụ nội trú và ngoại trú, kể cả các phẫu thuật phức tạp.

Với chính sách tài chính cho y tế của Nhà nước: giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho các cơ sở y tế; đẩy mạnh phương thanh toán theo dịch vụ (đặc biệt là phí sử dụng dịch vụ) và đưa vào áp dụng cơ chế đồng thanh toán cho những người có bảo hiểm nhà nước hoặc bảo hiểm lao động. Hệ thống bệnh viện công của Trung Quốc hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu nhập từ phí sử dụng dịch vụ. Các khoản thưởng cho cán bộ bệnh viện cũng là cách khuyến khích tăng nguồn thu từ cung cấp dịch vụ càng nhiều càng tốt.

Trung Quốc là quốc gia có mức viện phí khá cao, trong khi đó thì bảo hiểm y tế lại giảm. Cụ thể: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế từ 71% năm 1981 xuống còn 21% tổng dân số vào năm 1993. Số bảo hiểm y tế này lại tập trung vào vùng thành thị mà chủ yếu cho nhóm dân cư khá giả (Allen, P. và cộng sự, 2021). Thực tế này đã gây ra tình trạng mất công bằng trong chăm sóc sức khoẻ: gánh nặng viện phí chuyển từ nhóm có thu nhập cao sang nhóm có thu nhập thấp, từ người khoẻ mạnh sang người ốm yếu, từ độ tuổi lao động sang người già và trẻ em. Mức viện phí cao đồng thời cũng là rào cản đối với người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Một cuộc điều tra tiến hành năm 1992-1993 tại Trung Quốc cho thấy, 60% bệnh nhân được bác sỹ ký giấy chuyển viện không nhập viện do giá viện phí cao; 40% số người ốm nặng đều nói rằng, họ đã không tìm kiếm các dịch vụ y tế vì chi phí quá cao (Pauline Allen, 2018).

Một trong những mục tiêu chính của cuộc cải cách y tế gần đây nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2009 đã nhằm giảm bớt tình trạng thiếu khả năng chi trả và khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Cải cách bệnh viện công được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng, cùng với bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, các tổ chức y tế cơ sở và một hệ thống y tế thiết yếu. Trong bối cảnh đó, thí điểm cải cách quản lý bệnh viện công đã chính thức bắt đầu vào năm 2010. Một số bệnh viện đã tích cực tham gia vào những cải cách này, trong khi những cơ sở y tế khác khác đã phản ứng một cách thụ động. Vào tháng 2/2010, 16 thành phố (từ miền Đông, miền Tây, miền Trung Trung Quốc) đã được công bố là địa điểm thí điểm tự chủ và Bắc Kinh được công bố là địa điểm thí điểm vào năm 2011. Từ năm 2011 đến năm 2020, các cải cách chủ yếu được thúc đẩy bởi bệnh viện địa phương tại mỗi cấp đã áp dụng các biện pháp cải cách khác nhau (Pauline Allen, 2018). Đã có một số bệnh viện nỗ lực hướng tới tư nhân hóa hoàn toàn, nhưng hầu hết bệnh viện đã áp dụng cải cách quản trị theo hướng dẫn của chính phủ và đã bắt đầu thay đổi cấu trúc quản trị của họ.

Đến năm 2020, giống như nhiều quốc gia khác, bệnh viện công có một quy chế pháp lý độc đáo trạng thái giữa thị trường và Nhà nước. Vì những cải cách mới nhất, ban quản lý bệnh viện có thể đưa ra nhiều quyết định hơn tại địa phương, mặc dù có sự giám sát của Trung tâm Quản lý và phát triển bệnh viện (CHM). Quyền sở hữu bệnh viện ở Trung Quốc chia thành hai cấp độ chính quyền sở hữu cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân viên và quyền quản lý. Quyền sở hữu vật chất thường thuộc về các nhà đầu tư đối với các cơ sở tư nhân và với nhà nước đối với các bệnh viện công. Quyền tự chủ thực sự về quản lý chưa đạt được triệt để ở hầu hết bệnh viện Trung quốc, tuy nhiên quyền quản lý có thể bán hoặc cho thuê đối với tất cả hoặc một phần chức năng hoạt động của bệnh viện cho các nhà hoạt động tư nhân hoạt động theo định hướng thị trường mà vẫn cho phép nhà nước lựa chọn giữ quyền sở hữu bệnh viện.

Có hai sự khác biệt đáng kể giữa các BVCL của Trung Quốc và các bệnh viện công tự chủ ở các nước khác. Đầu tiên, vấn đề kinh phí quyết định đến hoạt động của cơ chế tự chủ BVCL. Tất cả các bệnh viện ở Trung Quốc cần để tìm 90% thu nhập của họ từ các hoạt động tạo ra doanh thu, thay vì tài trợ từ Chính phủ Trung ương. Điều này có nghĩa rằng, các bệnh viện tự chủ ở Trung Quốc vẫn có nghĩa vụ thu phần lớn viện phí, lệ phí từ các thủ tục phức tạp nhiều hơn giá vốn, như giá cho thủ tục cơ bản được thiết lập dưới chi phí. Như đã lưu ý trước đó, điều này tạo ra các động cơ bất lợi để các bệnh viện kiểm tra, điều trị vượt tuyến cho bệnh nhân. Thứ hai, các BVCL ở Trung Quốc có thể phân phối lợi nhuận đáng kể cho nhân viên. Khi cơ cấu tài trợ được kết hợp với chính sách độc đáo của Trung Quốc về phân phối chênh lệch thu chi, các vấn đề đã phát sinh. Có một động lực rất mạnh để nhân viên tiếp tục kê đơn quá mức và kiểm tra quá mức, vì cá nhân họ sẽ thu được lợi nhuận do bệnh viện thu được. Trong tình huống này, các BVCL tại Trung Quốc đang hướng tới tối đa hóa lợi nhuận như mục tiêu của các doanh nghiệp. Tóm lại, các BVCL tự chủ có thể đề xuất và điều chỉnh giá dịch vụ và giá dịch vụ y tế có thể được điều chỉnh dựa trên chi phí thực tế và nhu cầu thị trường. Các bệnh viện phải công khai giá dịch vụ để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Chính phủ và các cơ quan quản lý có trách nhiệm Giám sát hoạt động của các bệnh viện tự chủ để đảm bảo các bệnh viện tuân thủ các quy định và không lạm dụng quyền tự chủ để tăng giá dịch vụ một cách không hợp lý và đánh giá hiệu quả mô hình tự chủ để điều chỉnh chính sách phù hợp.

Mô hình BVCL tự chủ ở Trung Quốc có nét tương đồng kinh nghiệm của các quốc gia khác, như: mô hình bệnh viện tư nhân và các cơ chế BHYT đa dạng của Hoa Kỳ và mô hình bệnh viện công tự chủ với sự giám sát chặt chẽ từ nhà nước ở châu Âu.

TÌNH HÌNH TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA CÁC BVCL TẠI VIỆT NAM

Theo báo cáo của Chính phủ (2022) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đến năm 2022, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo các nhóm, trong đó có 253 đơn vị đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Tuy nhiên, Báo cáo nêu rõ 5 khó khăn, vướng mắc liên quan đến tự chủ tài chính của các BVCL hiện nay:

Một là, Luật Ngân sách nhà nước quy định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng của Luật này. Như vậy, mọi nguồn tài chính của đơn vị đều phải được lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước phải tuân thủ quy định của Luật này. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay rất phức tạp và không thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Hai là, nguồn tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện nay vừa phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và vừa phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công nên sẽ phải thực hiện theo nhiều quy trình, thủ tục. Báo cáo của Chính phủ đánh gía điều này sẽ hạn chế mức độ tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của đơn vị, đặc biệt là đối với nguồn thu được để lại cơ sở sử dụng theo quy định.

Ba là, toàn bộ các tài sản được hình thành từ bất kỳ nguồn nào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đều được xác định là tài sản công và sẽ phải quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, các tài sản sẽ phải thực hiện việc mua sắm trên cơ sở định mức sử dụng tài sản công và thông qua đấu thầu mua sắm theo quy định hiện hành (điều này nếu áp dụng mua sắm thuốc, vật tư, hoá chất sinh phẩm sử dụng 1 lần sẽ không phù hợp). Trường hợp họat động hình thành tài sản thuộc diện quản lý của Luật đầu tư công thì còn phải áp dụng thêm quy định của pháp luật về đầu tư công.

Bên cạnh đó, do vướng mắc quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công nên cơ sở khám, chữa bệnh không thể thực hiện vay vốn vì không có tài sản để đảm bảo tiền vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công lại không áp dụng với các khoản vay của đơn vị sự nghiệp công lập trong khám, chữa bệnh.

Bốn là, Luật Đấu thầu quy định quản lý nhà nước về đấu thầu, trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, như đã đề cập, do toàn bộ nguồn tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quản lý theo quy định của pháp luật về ngân sách và đầu tư công, nên toàn bộ việc mua sắm phải được thực hiện theo cơ chế đấu thầu với một quy trình, thủ tục gồm nhiều bước. Qua phản ánh của các cơ sở thì thông thường một gói thầu sẽ kéo dà từ 6 đến 8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ 1 năm. Điều này dẫn đến việc các cơ sở mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc đấu thầu, nhưng vẫn không đảm bảo tính kịp thời trong cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế cho người bệnh.

Năm là, theo quy định của Luật Đất đai hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công phải trả tiền thuê đất (đối với các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) trong khi giá dịch vụ chưa được kết cấu chi phí này vào giá và ngân sách không cấp tiền cho chi phí này. Diện tích đất chủ yếu sử dụng phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Qua báo cáo của các đơn vị, số tiền phải bỏ ra thuê đất là lớn lớn trong khi nguồn thu giảm sút nên rất khó khăn khi thực hiện tự chủ.

BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM

Trên cơ sở nghiên cứu và khảo sát kinh nghiệm thực tiễn về tự chủ tài chính đối với BVCL của một số quốc gia là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Séc - đại diện cho các loại mô hình kinh tế khác nhau và thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, tác giả đề xuất một số bài học sau về quản lý tài chính đối với các BVCL trong điều kiện tự chủ:

Thứ nhất, nghiên cứu mô hình quản lý bệnh viện công - tư với sự tham gia của BHYT của Hoa Kỳ; mô hình BHYT toàn dân của châu Âu và mô hình tự chủ dưới sự giám sát chặt chẽ của Trung Quốc để bổ sung, đánh giá xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển bệnh viện của nước ta trong giai đoạn mới. Đồng thời, chiến lược phát triển bệnh viện công lập cần tiếp tục được lồng ghép, làm rõ hơn nội hàm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và quy hoạch tổng thể phát triển của ngành y tế dự báo khoa học về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh, xu hướng diễn biến các loại bệnh và khả năng tài chính của nhà nước, thu nhập của người dân và năng lực tiếp cận những tiến bộ công nghệ y học.

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho bệnh viện công lập, cùng với thực hiện đa dạng các hình thức sở hữu của bệnh viện, các loại hình hoạt động của bệnh viện, như: hoạt động phi lợi nhuận; hoạt động vì lợi nhuận và chia xẻ phi lợi nhuận. Trên cơ sở đó tạo điều kiện tiền đề từng bước hình thành thị trường dịch vụ y tế.

Thứ ba, mở rộng tự chủ tài chính đối với BVCL được thực hiện dựa trên những điều kiện nhất định, bằng các hình thức và lộ trình thích hợp. Căn cứ vào khả năng tự bảo đảm kinh phí hoạt động của đơn vị để giao quyền tự chủ tài chính cho từng nhóm BVCL từng giai đoạn cụ thể. Quá trình mở rộng tự chủ tài chính đối với bệnh viện công lập, tiến hành đồng bộ với việc hoàn thiện chính sách BHYT, chính sách phân phối thu nhập, chính sách quản lý giá dịch vụ y tế.

Thứ tư, tăng cường vai trò của Chính phủ với trách nhiệm định hướng mở rộng tự chủ tài chính và những điều kiện cần thiết để BVCL thực hiện quyền tự chủ trên thực tế, bằng hệ thống đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể, minh bạch. Đồng thời, Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát tự chủ, nhằm phát hiện những mặt hạn chế, bất cập để kịp thời khắc phục và hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ tài chính đối với BVCL.

Thứ năm, cần có sự phân định rõ ràng giữa quản lý nhà nước về tài chính của BVCL và tách bạch giữa người cung cấp dịch vụ y tế với người mua các dịch vụ đó. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị của BVCL trên cơ sở thiết lập cơ cấu quản trị có sự tham gia của các thành viên bên ngoài bệnh viện là những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quản lý tài chính trong ban điều hành BVCL. Đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, minh bạch hoạt động tài chính cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của BVCL.

Thứ sáu, thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 22/2023/TT-BYT, ngày 17/11/2023 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ yếu tố giá cả và việc tuân thủ quyết định thanh toán phí dịch vụ y tế.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết trong mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, xã hội hóa hoạt động sự nghiệp BVCL, đổi mới quản lý tài chính hướng tới tự chủ tài chính từ kinh nghiệm hợp tác công – tư, cổ phần hóa bệnh viện công lập từ các quốc gia./.

Tài liệu tham khảo

1. Allen, P., Qi, C., Hufeng, W. (2021), Public hospital autonomy in China in an international context, The International journal of health planning and management, 29(2),141-159.

2. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

3. Brook Robert H, Elizabeth A McGlynn and Paul G Shekelle (2022), Defining and measuring quality of care: a perspective from US researchers, Journal International journal for quality in health care, 12(4), 281- 295.

4. Chính phủ (2022), Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

5. Jonathan D.London (2019), Toward a New Politics?, Politics in Contemporary Vietnam, 184-195.

6. Pauline Allen, Qi Cao, Hufeng Wang (2018), Public hospital autonomy in China in an international context, The International journal of health planning and management, 23.

7. Minh Võ và Karl Löfgren (2018), An Institutional Analysis of the Fiscal Autonomy of Public Hospitals in Vietnam, Asia & the Pacific Policy Studies, 6(1), 90-107.

8. Overman, S. (2019), Great expectations of public service delegation: A systematic review, Public Management Review, 18(8), 1238-1262.

9. Sadera, Moses Selelo (2018), Assessment Of Financial Control Practices In Public Hospitals In Kenya. A Case Of Narok District Hospital, School of Business & Economics, MMARAU Repository.

9. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 122/2013/QĐ-TTg, ngày 10/01/2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.

Ngày nhận bài: 12/6/2024; Ngày phản biện: 24/6/2024; Ngày duyệt đăng: 01/7/2024