Bộ Y tế: Chuẩn bị tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP |
Hết ngày 28/4, đã có gần 1,2 triệu trẻ em được tiêm
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nước ta là 1 trong 6 nước đứng ở top đầu tốc độ phủ vaccine.
"Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Tính đến hết ngày 28/4, đã có gần 1,2 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm" Thứ trưởng nói.
Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết ngày 28/4, đối tượng này mới tiêm được xấp xỉ 60% trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành trong quý II này.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vaccine họp và chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hoàn thành tiêm cho các đối tượng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chưa bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ bản xong mũi 1, mũi 2 trong quý II.
"Chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động các đối tượng đi tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 (sau khi có hướng dẫn tiêm mũi 4), và đặc biệt là tuyên truyền vận động để các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế đưa trẻ em đến các điểm tiêm như Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, để chúng ta đẩy nhanh tiến độ tiêm nhanh nhất và độ phủ nhanh nhất", Thứ trưởng đề nghị.
Thứ trưởng cũng lưu ý rằng, hiện nay tình hình dịch đã được kiểm soát, một số người dân hoặc phụ huynh có tư tưởng chủ quan, lơ là, chưa tích cực tham gia tiêm chủng. "Nên hạn chế tập trung đông người không cần thiết", Thứ trưởng nói.
Về áp dụng 5K, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, ngay từ đầu Bộ Y tế đưa ra không cứng nhắc, rất linh hoạt, để bảo đảm hiệu quả.
"Trước hết chúng ta thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khẩu, xà phòng. Đây là 2K chúng ta thực hiện thường xuyên. 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người. Do vậy trong từng hoạt động cụ thể, đặc thù của từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực, từng bộ, ngành, chúng ta thực hiện cho phù hợp", Thứ trưởng cho hay.
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, đã cho học sinh đến trường; tại doanh nghiệp, công nhân đã trở lại làm việc, du lịch và lễ hội bắt đầu hoạt động. Đặc biệt, Việt Nam đã cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại.
Trên thế giới, chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, Việt Nam đã coi COVID-19 là bệnh lưu hành chưa? Thứ trưởng khẳng định, trên thế giới chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành, nhưng có một số nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, không bắt buộc cách ly đối với người tiếp xúc gần hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, như ở Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển.
Hoặc một số nước thông báo dần dần coi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành như Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
"Họ căn cứ trên cơ sở và chỉ số tử vong thấp, hoặc tỉ lệ bệnh nặng phải nhập viện và đặc biệt là độ bao phủ vaccine cao", Thứ trưởng nêu rõ.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang giai đoạn "bệnh đặc hữu", vì thế chúng ta cần tiếp tục theo dõi cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" khi thời điểm thích hợp. |
Khẳng định rằng, ở nước ta dịch được kiểm soát rất tốt, tuy nhiên theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới.
"Chúng ta đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành", Thứ trưởng nhấn mạnh. Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần. Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.
"Như vậy dù dịch của chúng ta đã được kiểm soát tốt, nhưng trong bối cảnh nước ta có độ bao phủ vaccine lớn, nhưng độ mở cửa của chúng ta cũng rất lớn, trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch", Thứ trưởng đề nghị./.
Bệnh lưu hành, tiếng Anh là "endemic diseases", hay một số chuyên gia còn gọi là "bệnh đặc hữu" là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định. Bệnh lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau: - Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh - Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh - Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định. - Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. |
Bình luận