Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo. Ảnh VGP |
Có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, hôm nay (ngày 3/3), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa đón Tết Nguyên đán trong không khí hồ hởi, phấn khởi, vui tươi, lành mạnh với những tín hiệu may mắn, tốt đẹp, tạo thêm động lực mới, khí thế mới, quyết tâm mới.
Về công tác phòng, chống dịch, các thành viên Chính phủ khẳng định, tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát. Đến nay, mặc dù số ca mắc tăng, nhưng tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp cho thấy rõ tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đã được đề ra.
Người phát ngôn Chính phủ cũng khẳng định, trong công tác phòng chống dịch, luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Chính phủ tập trung chỉ đạo, triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; chuẩn bị điều kiện, đẩy nhanh nhập khẩu vaccine để tổ chức tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.
Đến nay, nước ta đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine, tiêm gần 202 triệu liều; người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng là 100%, 97,9%, 34,5%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 98,7%, 93,3%.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh, cả nước ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương chưa quyết liệt trong đẩy mạnh tiêm chủng.
Đáng chú ý đã xuất hiện tình trạng "loạn giá" thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại một số địa phương...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành địa phương cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được tổng kết.
"Thủ tướng giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu", Người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Chủng Omicon lây lan tăng trên 2 lần so với chủng Delta, như vậy tốc độ lây lan của chủng Omicon gấp 5 lần chủng cũ. Đây là nguyên nhân gây tăng cao ca F0 |
Tốc độ lây lan của chủng Omicon gấp 5 lần chủng cũ khiến F0 tăng cao
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cung cấp thông tin về số F0 tăng cao, từ khi Việt Nam xuất hiện COVID-19, virus SARS-CoV-2 thường xuyên có biến chủng: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron.
"Chủng Delta đã gây ra đợt dịch thứ 4 trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có tốc độ lây lan trên 3 lần so với chủng cũ. Chủng Omicon lây lan tăng trên 2 lần so với chủng Delta, như vậy tốc độ lây lan của chủng Omicon gấp 5 lần chủng cũ. Đây là nguyên nhân gây tăng cao ca F0", Thứ trưởng Tuyên cho biết.
Nguyên nhân thứ hai, theo lãnh đạo Bộ Y tế là do, chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, từ 18 tuổi trở lên cơ bản mũi 1 đã tiêm xong, mũi 2 đạt xấp xỉ 98%, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 98%, mũi 2 khoảng 96-97%.
"Với độ bao phủ vaccine như vậy, một số bộ phận người dân cho rằng đã tiêm vaccine rồi nên tư tưởng chủ quan", Thứ trưởng Tuyên nói.
Thứ trưởng cho biết, khi có độ bao phủ vaccine như vậy, chúng ta lại có những yếu tố cơ bản như thuốc điều trị, do vậy đã chuyển hướng, từ phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và mở các hoạt động, nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc mà Thủ tướng đã chỉ đạo đó là 5K+vaccine, thuốc, công nghệ và ý thức của người dân.
"Tuy nhiên, khi chúng ta mở ra như vậy, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, không thực hiện nghiêm nguyên tắc trên. Từ đó, tốc độ F0 tăng cao", Thứ trưởng giải thích thêm.
F0 tăng cao như vậy, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí, các địa phương tuyên truyền vận động, các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá cấp độ dịch để tổ chức các hoạt động mở trường học hay du lịch; nâng cao ý thức cho người dân, tham gia tích cực vào công tác tiêm chủng, tuân thủ hướng dẫn về dùng thuốc điều trị của Bộ Y tế.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay thế giới đã, đang nghiên cứu và đưa một số thuốc vào điều trị. Tại Việt Nam, ngày 17/2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho 3 giấy phép cho thuốc Molnupiravir để đưa vào điều trị. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với hãng Pfizer và một số hãng khác để đưa những thuốc được cấp phép trên thế giới vào lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta bước đầu có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch. Lúc đầu ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch (Hà Nội), Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và miền Nam…
Từ đó, Chính phủ đã đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bằng Nghị quyết 128/NQ-CP. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800, gần đây nhất, là ban hành Quyết định 218.
"Theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, trước diễn biến tình hình chủng Omicron, tôi thấy, việc thống kê số F0 là vẫn phải làm bình thường để phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán, nghiên cứu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch cũng như các biện pháp phát triển kinh tế", lãnh đạo Bộ Y tế nêu quan điểm.
Với quy định cách ly F1 5 ngày, Thứ trưởng cho biết, mục tiêu là giảm sự gia tăng số ca F0.
Ban đầu, khi chưa có vaccine, Bộ Y tế đưa ra quy định cách ly 28 ngày, bởi vì khi đó là bệnh truyền nhiễm nhóm A mới nổi, chúng ta chưa hiểu biết về nó. Sau quá trình nghiên cứu, hiểu được, tiếp cận nguồn vaccine, chúng ta đưa xuống cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần (ngày 1, 7, 14).
Sau khi độ bao phủ vaccine tăng lên, Bộ Y tế hướng dẫn cách ly 5-7 ngày; đối với người nhập cảnh, hướng dẫn về tự theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày…
"Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng chủ trì nghiên cứu, với diễn biến tình hình như trên, với vaccine, thuốc chúng ta tiếp cận được, Cục Y tế dự phòng sẽ tham mưu cho Bộ Y tế điều chỉnh. Cái này là điều chỉnh liên tục chứ không phải cố định, bất biến", lãnh đạo Bộ Y tế nói.
Thận trọng từng bước trong kế hoach tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Khi xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến các bộ, ngành.
"Sau khi tổng hợp các ý kiến, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết đồng ý mua vaccine tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi với số lượng 21 triệu liều tiêm cho khoảng 11,9 triệu trẻ với 2 mũi tiêm", Thứ trưởng cung cấp thông tin.
Thủ tướng cũng đã có Quyết định cho phép Bộ Y tế mua vaccine theo cơ chế đặc thù.
"Đặc biệt, chúng tôi đã lấy ý kiến cộng đồng, nhất là phụ huynh học sinh từ 5-11 tuổi, trong đó tỷ lệ phụ huynh đồng ý cao tiêm cho trẻ khoảng 78%. Như vậy, cùng với khảo sát của Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế nhận thấy, cơ bản người dân rất đồng tình với việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi này", Thứ trưởng nêu thêm căn cứ.
Bộ Y tế đã làm việc với Hãng Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch, để phấn đấu trong tháng 3 này, chúng ta đưa được 7 triệu liều vaccine Pfizer về tiêm cho trẻ.
"Trong quý IV, đưa số vaccine còn lại về Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tiêm sẽ kéo dài sang năm sau, vì sau tiêm mũi 1 sẽ phải có thời gian để tiêm mũi 2", Thứ trưởng Tuyên nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng và phải thận trọng từng bước. ÔNg lưu ý, Bộ Y tế cũng đã rất thận trọng, phải tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia và phải đặt tính an toàn lên trên hết./.
Bình luận