Bồi thường bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/vụ cho mỗi lao động trên công trường
Cụ thể, Dự thảo nêu rõ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền sau đây:
(i) Trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên: 100 triệu đồng/người/vụ;
(ii) Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn dưới 81%, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả theo Bảng trả tiền bồi thường theo quy định;
(iii) Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị được tính bằng 0,2% số tiền bảo hiểm/người/ngày nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ điều trị nhưng không vượt quá 6 tháng trong mỗi sự kiện bảo hiểm;
(iv) Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm (Trường hợp này, nếu có bảo hiểm trùng, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà người được bảo hiểm đã giao kết).
Tổng số tiền bồi thường 4 mục trên không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.
Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật. Người lao động do nhà thầu thi công tuyển thêm trong thời hạn bảo hiểm tự động được bảo hiểm từ khi hợp đồng lao động có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp: trách nhiệm mà người được bảo hiểm thỏa thuận không theo quy định của pháp luật về lao động; bất kỳ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nào phát sinh do sử dụng và bị ảnh hưởng trực tiếp của rượu, bia, ma tuý và các chất kích thích khác, trừ trường hợp sử dụng các chất kích thích nhằm mục đích điều trị theo chỉ định của bác sĩ; người lao động bị ngộ độc thức ăn, đồ uống; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra do hành động cố ý hoặc hành vi vi phạm pháp luật của người được bảo hiểm hoặc người lao động trừ trường hợp để tự vệ, cứu người, tài sản; tai nạn lao động xảy ra do người lao động đánh nhau trừ trường hợp để tự vệ, cứu người, tài sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra ngoài phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Ngoài ra, nếu người lao động có thương tật hoặc bệnh tật tồn tại trước hoặc sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm trầm trọng thêm mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm về sự trầm trọng thêm đó.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ./.
Bình luận